11/10/2015 05:50 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Lâu lắm rồi, Kiatisuk không sang Việt Nam. Anh có nhớ mảnh đất hình chữ S, một thời lưu giữ những kỷ niệm dịu êm cuối đời cầu thủ lừng lẫy của mình?
Này cố nhân ơi!
Tối 13/10 tới, khán giả Việt Nam lại thấy nụ cười thân mến của “Zico Thái”. Chắc chắn Thái Lan có thua, Kiatisuk cũng cười. Cùng với tài năng đá bóng, những màn santo đặc trưng, điều cơ bản làm nên nét văn hóa toát ra nơi danh thủ Thái Lan, vẫn là nụ cười.
Để nụ cười luôn nở trên môi, nhất là ở lĩnh vực bóng đá, dứt khoát phải có một nhân cách lớn. Kiatisuk, nụ cười minh triết của anh, như thông tuệ và thông đạt cái sự lý trên đời.
Quá trình sang Việt Nam chơi bóng trong màu áo HAGL, một môi trường bóng đá còn nhiều bạo lực, nhiều trò xấu, bản thân không ít cầu thủ Thái cũng đã phải thích nghi, từng thể hiện đá bậy, nhưng Kiatisuk thì không. Chưa bao giờ anh bị thẻ đỏ, chưa bao giờ bỏ bóng đá người hay chơi triệt hạ đồng nghiệp, ngay cả khi bị chơi xấu vẫn cười, khó có cầu thủ nào làm được điều đó.
Nên nhớ, rất nhiều cầu thủ nước ngoài sang Việt Nam thi đấu, nhưng ở như tuổi như Kiatisuk vẫn thành công, là không nhiều. Chúng ta có thể so sánh với Lee Nguyễn, cũng trong màu áo HAGL để thấy sự khác biệt. Sức hút của Kiatisuk thời mới lên phố Núi thật ghê gớm. Chính nhân cách của “Zico Thái” đã giúp bầu Đức tập hợp được lực lượng để hướng mục đích chung là được chơi bóng đúng nghĩa, dù thành phần HAGL lúc đó toàn “hảo hán”! Cầu thủ Việt dù gai góc đến đâu, vẫn dành sự tôn trọng để không đối xử tệ hại với Kiatisuk.
Công Phượng và đồng đội nên đọc tự truyện Kiatisuk
Hôm qua, lẩn thẩn đọc lại cuốn tự truyện của Kiatisuk, càng giải mã câu hỏi tại sao lại có một con-người-cầu thủ-hoàn hảo như thế. Kiatisuk rất khéo, dĩ nhiên. Nhưng khéo mà như không khéo, vẫn toát lên vẻ chân thành, mới là tài. Bóng đá Việt Nam không thiếu cầu thủ cũng có thành tựu và rất khéo, ví như trợ lý Trần Công Minh, hay ngôi sao sáng giá nhất là Công Vinh, vẫn chưa thể sánh với chiều sâu của Kiatisuk!
“Khoảng 7-8 tuổi, tôi cảm nhận được rằng mình sinh ra là để đá bóng”. Bóng đá với Kiatisuk là thiên định. Vạch xuất phát của anh cũng thấp như hàng trăm cầu thủ Việt. Chỉ khác, Kiatisuk có ý chí phi thường.
Thiên tài chỉ là trời cho, còn thành tài thì phải có ý chí hơn người.
Năm 1997, nhà thơ Anh Ngọc viết cuốn truyện ký "Ba cuộc một trái bóng", viết về Cao Cường, Thế Anh, Trần Văn Khánh khá tuyệt vời. Đấy là những tấm gương sáng có tính hướng nghiệp rất cao. Ngày xưa, trong bao gian khó, vẫn sản sinh ra nhiều nhân cách lớn trong làng bóng đá Việt Nam.
Giờ đây, để viết một cuốn truyện ký kể vài ba chân dung tiêu biểu, tác động tốt đến ý thức, hướng nghiệp thế hệ cầu thủ trẻ, qua 15 năm bóng đá chuyên nghiệp, thật là khó. Có chăng, sức hút chỉ ở khía cạnh giải trí theo chiều hướng showbiz.
Tối 13/10, trong những thứ cần chú ý bên phía Thái Lan, cầu thủ, nhất là các gương mặt trẻ, hãy hiểu thêm về một Kiatisuk. Nếu có thể, hãy một lần đọc cuốn tự truyện của “Zico Thái” (cùng nhiều cuốn tự truyện của các danh thủ khác) cũng không phải vô bổ.
Để mơ, các thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam, gần nhất là một Công Phượng chẳng hạn, sẽ làm rạng danh bóng đá nước nhà, tựa như Kiatisuk.
Lại bâng khuâng về bóng đá, trước mấy dòng của nhà thơ Anh Ngọc, trong phần mở đầu cuốn truyện ký trên: “Sau mỗi trận đấu, tôi lại ra về trong tâm trạng lâng lâng khó tả, như vừa mất mát một điều gì, lại như vừa được một điều gì. Một tâm trạng khó lý giải, Nó theo ta trong cuộc sống, nhắc nhở ta đến nhiều điều và quan trọng hơn cả, là nó không cho ta sống đơn giản như cũ, nó gợi cho ta hướng đến vẻ đẹp của con người có thể khắc phục và chiến thắng chính mình”.
Vâng! Chiến thắng bản thân vẫn là chiến thắng vĩ đại nhất!
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất