(TT&VH) - Chiều nay, Nguyễn Văn Sĩ sẽ cùng V.Ninh Bình tưng bừng ăn mừng chiến tích vô địch giải hạng Nhất 2009, rồi như thường lệ, Văn Sỹ sẽ lên xe quay lại Nam Định, lần này anh sẽ chứng kiến đội bóng quê hương tử chiến với TP.HCM trong 1 trận đấu được coi là chung kết ngược với cả 2. Sau niềm vui tột đỉnh cùng V.Ninh Bình sẽ là nỗi lo thắt lòng với M.NĐ.
Chuyện vì sao Văn Sỹ phải rời Nam Định không phải nói nữa, bởi bóng đá thành Nam hơn 10 năm qua đã tồn tại 1 quy định bất thành văn là hễ cứ trái ý lãnh đạo thì sẽ phải khăn gói ra đi, cho dù tài năng đến cỡ nào. Nhưng cũng có 1 điều rất lạ là những HLV người Nam Định khi lập nghiệp xứ người đều ít nhiều để lại dấu ấn, chẳng hạn cố HLV Ninh Văn Bảo với chức á quân VĐQG cùng Huế năm 1995, hay HLV Nguyễn Ngọc Hảo từng cùng K.KH “quậy tung” V-League mùa bóng 2006, và mới nhất là Văn Sỹ.
Nam Định (giữa) 3 mùa nay đã sống dở chết dở vì cơ chế và túng thiếu - Ảnh: VSI
Điều này đã góp phần xoá bỏ lời nguyền rằng những người con của bóng đá Nam Định khi tha hương ở nơi khác rất khó thành công. Cho tới thời điểm này, lời nguyền nói trên dường như chỉứng nghiệm với các cầu thủ, chẳng hạn như Trung Kiên, Duy Hoàng, Văn Nhiên, Ngọc Tú, Ngọc Linh…, còn với các HLV thì có lẽ nó không có hiệu lực.
Ngày chia tay Nam Định, Văn Sỹ chắc cũng khó nghĩ rằng chỉ trong vòng một vài năm mà hoàn cảnh của anh và bóng đá quê hương lại thay đổi nhanh chóng đến vậy. Trong khi Văn Sỹ nhanh chóng khẳng định được mình ở 1 môi trường phức tạp bậc nhất như V.Ninh Bình, thì Nam Định dù không thiếu tiềm năng nhưng do cách quản lý không hợp thời nên cứ suy thoái dần dần và cứ đà này thì chuyện xuống hạng với họ chỉ còn là vấn đề của thời gian.
Trường hợp của Văn Sỹ cũng như HLV Hữu Thắng ở T&T HN, nghĩa là họ chỉ phát huy được toàn bộ năng lực của mình trong 1 môi trường làm việc cởi mở, không chịu sự bó buộc ảnh hưởng của những vấn đề ngoài chuyên môn. Với những người thường xem đá bóng ở sân Thiên Trường chục năm nay, chắc ít ai lạ lẫm với cảnh tượng có sếp ngồi trên khán đài VIP chỉ đạo vọng xuống khu vực kỹ thuật, từ chuyện thay thế cầu thủ nào, điều chỉnh chiến thuật ra sao, hay thậm chí là cả cử ai ném biên.
Hay như HLV Nguyễn Ngọc Hảo, lừng lẫy với SĐ.Nam Định ởmùa giải đoạt chứcáquân năm 2004 làthế, nhưng chỉ 1 thời gian sau, khi không còn được trọng dụng và mất chức HLV trưởng đội bóng, mỗi lần tới sân xem M.Nam Định đá bóng ông Hảo phải ngồi thu mình ở tít cuối sân gần cột cờ góc, chỗ chuyên dành cho những người không có nhiệm vụ xuất hiện ở khu vực VIP.
Hiện tại cũng vậy, dù trên danh nghĩa là GĐKT M.Nam Định nhưng nào ai thấy HLV Ngọc Hảo xuất hiệnởkhu vực kỹ thuật trong các trận đấu của M.NĐ trên sân nhà. Để ý kỹ lắm mới thấy sau khi tan trận ông Hảo hoà lẫn cùng các khán giả Nam Định lặng lẽ rời khỏi sân ở góc đường Hàn Thuyên.
Giả sử Văn Sỹ có ở lại Nam Định cho tới giờ này và được cất nhắc làm HLV trưởng M.Nam Định thì chắc rằng anh cũng không thể làm tốt hơn người đàn anh Ngọc Hảo, bởi 1 HLV giỏi muốn làm tốt công việc của mình thì cũng phải được xây dựng cho 1 môi trường làm việc thích hợp, hoặc chí ít là phải được toàn quyền về chuyên môn, mà điều này dường như ở M.Nam Định là chuyện xa xỉ.
Trao đổi với báo chí, Văn Sỹ vẫn nói xã giao rằng trong tương lai nếu có cơhội dẫn dắt Nam Định thì anh sẵn sàng nhận lời, nhưng ai hiểu chuyện cũng biết đấy chỉ là1 cách nói mà thôi, bởi bóng đá Nam Định như cả 1 tòa thành trì trệ từ bao năm nay, và phải cần có 1 cú hích cực mạnh may ra mới có thể làm thay đổi diện mạo của toà thành này.
Bằng không, các HLV Nam Định muốn khẳng định năng lực của mình thìchỉ có cách tha phương xứ người mà thôi.
H.Huy