13/09/2018 06:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Cầu thủ tấn công hay nhất của CLB Hà Nội và của cả bóng đá Việt Nam lúc này, ứng cử viên số 1 cho danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2018, siêu tiền-vệ-đạo Nguyễn Quang Hải đã nhận được lời đề nghị chuyển nhượng của một số đội bóng từ Thai Premier League, Qatar và gần nhất là Nhật Bản. Dù có thể cơ hội ra đi với Hải là rất nhỏ khi Hà Nội vẫn muốn giữ tài năng cho riêng mình, nhưng giấc mơ cầu thủ Việt một ngày tỏa sáng ở ít nhất châu lục vẫn còn đó.
Bài học bị trả về với tình huống của Hoàng Vũ Samson và Buriram United, hay các tấm gương Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường..., khiến CLB Hà Nội như “chim sợ cành cong” hay còn lý do nào khác?
Bangkok Glass hỏi, CLB Hà Nội lắc
Đội bóng đang chơi tại Thai Premier League, Bangkok Glass đã đánh tiếng muốn có chữ ký của tiền vệ nhỏ con Nguyễn Quang Hải. Tuy nhiên, ngay lập tức tham vọng của CLB Thái Lan bị dội gáo nước lạnh, khi lãnh đạo đội bóng đại diện Thủ đô ra thông điệp: “Không bán Quang Hải với mọi giá”. Bangkok Glass vì thế phải rút lại lịch đàm phán với CLB Hà Nội. Cơ hội xuất ngoại của Quang Hải hay bất cứ tài năng trẻ nào do CLB Hà Nội đào tạo ra, là rất nhỏ.
Giải thích về điều này, Chủ tịch đội bóng - ông Nguyễn Quốc Hội nói: “Nếu muốn nâng cấp tham vọng của đội bóng, muốn giữ chân CĐV và thu hút nhà tài trợ, bạn phải có những cầu thủ tốt nhất, những ngôi sao. Quang Hải không phải là trường hợp đầu tiên mà chúng tôi từ chối các lời đề nghị. Trước đó là Văn Quyết, Hoàng Vũ Samson... Họ ở đây và không đi đâu cả, tiền quan trọng, nhưng không phải là tất cả”. Cầu thủ liệu có cảm thấy bị thiệt thòi với thông điệp của lãnh đạo đội?
Lãnh đạo đội Hà Nội có cái lý của mình, khi họ đã công khai tham vọng vươn trở lại đấu trường châu lục, sau năm lần bảy lượt thất bại, hoặc phải dừng chân ở tứ kết AFC Cup. AFC Champions League là giải đấu danh giá nhất châu Á dành cho CLB và mục tiêu của CLB Hà Nội là từng bước một, lọt qua vòng đấu bảng và nếu có thể thì tiến sâu ngay trong mùa giải 2019. Thế nên đội bóng phải quy tụ được những tinh binh. “Người giỏi nhất phải phục vụ đội bóng”, vẫn lời ông Hội.
Chính sách của CLB Hà Nội có thể nói là khác hoàn toàn với tiêu chí mà HAGL hay chính xác hơn là Học viện HAGL JMG theo đuổi. Trong chiến lược đào tạo trẻ và làm bóng đá kiểu "lấy mỡ nó rán nó" của bầu Đức, ông muốn bán cầu thủ thu hồi vốn và tái đầu tư. Tuy nhiên tham vọng này đến nay vẫn còn dang dở.
Ranh giới mong manh
Cách đây 10 năm, khi đội tuyển Việt Nam tập trung tại Trung tâm Thể thao Thành Long, TP.HCM, chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2008, HLV Henrique Calisto đã hỏi ngược người viết rằng, những Minh Phương, Như Thành, Quang Thanh, Việt Cường, Phước Tứ..., có thể chơi bóng ở nước ngoài không? Và khi chúng tôi đang còn băn khoăn, thì phù thuỷ người Bồ nói luôn: Hoàn toàn có thể. “Vấn đề của họ (cầu thủ) là ngoại ngữ và sự tự tin”, HLV Calisto chia sẻ.
10 năm đổ về trước, ngoại ngữ với cầu thủ Việt Nam thực sự là vấn đề lớn, bây giờ đỡ hơn nhiều rồi. Trước đó, những Lê Huỳnh Đức, Việt Thắng hay Lương Trung Tuấn từng ra nước ngoài thi đấu, nhưng phần là “hàng ký gửi”, hoặc hợp đồng hợp tác kinh tế, hoặc nữa là “lánh nạn”. Vì nhiều lý do, ngay cả Công Vinh sau này qua Bồ Đào Nha rồi Nhật Bản, cũng không để lại nhiều dấu ấn chuyên môn. Cả đến lứa của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường...
Môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở Thái Lan, hay Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, khác biệt hoàn toàn so với bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam. Ở đó, cầu thủ nào chơi tốt, phong độ cao, người đó vào sân. Có thể hợp đồng ban đầu với cầu thủ ít nhiều mang tính thương mại (giữa 2 CLB), nhưng khi gia nhập đội bóng, cầu thủ chỉ làm việc với BHL và đồng đội. “Tôi phải tự lực cánh sinh và nhiều thời điểm rất cô đơn”, Công Vinh chia sẻ.
Những bài học nhãn tiền, khiến CLB Hà Nội chùn chân, khi nhận được các lời đề nghị chuyển nhượng cầu thủ? Đấy là một lý do cơ bản, bởi theo ông Nguyễn Quốc Hội, ông không muốn nhìn thấy cảnh cầu thủ của mình bị đày ải trên băng ghế dự bị, hoặc chỉ đi chụp quảng cáo.
1. Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại qua Lifan Trùng Khánh, cách đây chừng 20 năm. Nhưng đó đơn thuần chỉ là một hợp đồng thương mại. 2. Lê Công Vinh đã chơi bóng ở 2 quốc gia khác, ngoài Việt Nam, đó là Bồ Đào Nha (Leixoes) và Nhật Bản (Consadole Sapporo). Vinh có thể xem là cầu thủ Việt Nam thành công nhất khi xuất ngoại. 3. HAGL đã xuất khẩu ít nhất 3 cầu thủ hay nhất của mình là Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường, cho thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đó có thể xem là các chuyến du học thì đúng hơn. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất