08/08/2015 11:14 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/10/2013 đã từng đi vào lịch sử nền bóng đá, khi U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG vừa "xuất xưởng", thêm HLV Guillaume Graechen (cũng của Học viện) đè bẹp U19 Australia với tỷ số 5-1 để qua đó giành vé dự VCK U19 châu Á 2014, đồng thời đứng trước cơ hội lớn để tham dự World Cup U20. Xét về mặt hiệu ứng, nó còn vượt xa trận thắng của U16 Việt Nam trước U16 Trung Quốc, tại VCK U16 châu Á ở Đà Nẵng năm 2000.
Trước khi Công Phượng và đồng đội làm nên kỳ tích ở Malaysia, lứa U19 Việt Nam trước đó từng thua thảm 0-4 trước U19 Australia tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2012 trên SVĐ Thống Nhất. “Những đứa trẻ của bầu Đức” sau còn thắng thêm đối thủ xứ chuột túi một lần nữa ở giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014, giải đấu mang tính bản lề cho VCK U19 châu Á. Người hùng ở trận đấu tại Mỹ Đình vẫn là Công Phượng và rất nhanh, Phượng được cho là còn vượt xa Văn Quyến.
Những tung hô, cùng bao dự cảm tốt đẹp dành cho thầy trò HLV Graechen khiến bầu Đức cũng không thể kiên nhẫn. Tức thì ông đôn hết thảy gần 20 cầu thủ này lên đá V-League, với thông điệp: Bóng đá đẹp và sạch sẽ lên ngôi, thay thế hình hài xấu xí, chém đinh chặt sắt trước đó. Thấy vui thì vỗ tay vào, người ta thậm chí còn có ý định đem cả lứa U19 Việt Nam này đá SEA Games 28 (2015), rồi các trận vòng loại World Cup 2018 (cũng đã khởi tranh từ giữa năm 2015)…
Nhưng bóng đá thì không phải cứ đông tay là vỗ nên kêu. Thực sự, chuyên môn và năng lực chinh phục của lứa U19 Việt Nam không cao như ca tụng. Nói như HLV trưởng U19 Việt Nam đương nhiệm, ông Hoàng Anh Tuấn, hiệu ứng khán giả là thứ duy nhất mà những Công Phượng và đồng đội đem lại cho bóng đá Việt Nam.
Nhưng đấy cũng là con dao 2 lưỡi, nếu người trong cuộc và bản thân các cầu thủ tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy, mà quên rằng có khối kẻ “khen cho nó chết”!
“Từng cầu thủ trẻ của HAGL là những bậc thầy với kỹ năng kiểm soát và điều khiển quả bóng. Dễ hiểu, bởi 7 năm trong Học viện, họ gần như chỉ được dạy môn này. Ngay tại các sân chơi trẻ như U19, tuy là nòng cốt cầu thủ HAGL từng gây bất ngờ, nhưng đã có thành tích gì đâu?
Xua hết thảy họ lên chơi giải đấu khắc nghiệt như V-League, dễ thấy ngay những hạn chế ngay. Một đội bóng giàu năng lực cạnh tranh phải có bài miếng, chiến thuật và phải có tâm lý thi đấu tốt”, ông Tuấn nói.
Các giá trị chuyên môn mà HAGL đem đến V-League 2015, theo HLV Hoàng Anh Tuấn, gần như là con số không. “Những đứa trẻ của bầu Đức” cứ mặc sức đan lát trên 2/3 phần sân, tính từ cầu môn đội nhà, mà không hay rằng, đối thủ chủ động trao quả bóng cho họ làm điều đó.
Khi không thể dứt điểm cầu môn, kết thúc tình huống bóng, dẫn đến say mồi và dính đòn hồi mã thương là điều dễ hiểu. Kiểm soát bóng nhưng không kiểm soát trận đấu, khả năng kháng cự của hàng thủ cũng kém.
Một tập đoàn kinh tế lớn như HAGL nếu có đón lõng hiệu ứng từ lứa U19 Việt Nam để làm đòn bẩy cho các thương hiệu cũng là điều bình thường, bởi họ sở hữu bộ-nhận-dạng-Công Phượng. Hai năm khai thác đủ dài rồi và đã đến lúc thay đổi, tạo một “bản hit” mới?
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất