HLV Troussier trẻ hóa đội tuyển Việt Nam: Quá nhiều thách thức

24/11/2023 13:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

Đội hình vừa thi đấu với Iraq là đội tuyển Việt Nam trẻ trung bậc nhất trong nhiều năm qua. Nhưng quá trẻ cũng đồng nghĩa với quá nhiều thách thức.

Hai trận với Philippines và Iraq tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á đánh dấu cột mốc mới trên hành trình trẻ hóa đội tuyển Việt Nam của HLV Philippe Troussier. Hơn 30 phút sau khi Quế Ngọc Hải rời sân trước Iraq chứng kiến đội tuyển quốc gia có lẽ là trẻ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cuộc trẻ hóa quyết liệt chưa từng có

Đặng Văn Lâm (30 tuổi) là cái tên tuổi băm duy nhất hiện diện trên sân ở thời điểm đó. Trước mặt anh là bộ tam vệ có tuổi trung bình 23 gồm Phan Tuấn Tài (22), Nguyễn Thanh Bình (23) và Bùi Hoàng Việt Anh (24). Hai cánh là bộ đôi 27 tuổi Vũ Văn Thanh, 20 tuổi Khuất Văn Khang. Công thức tương tự được áp cho tuyến giữa với Lê Phạm Thành Long (27) và Nguyễn Thái Sơn (20). Hàng công ghi nhận dấu ấn trẻ hóa đậm nhất với bộ đôi Nguyễn Đình Bắc (19), Nguyễn Thanh Nhàn (20), được dẫn dắt bởi cầu thủ 25 tuổi Phạm Tuấn Hải.

Tuổi trung bình của đội hình này gần đủ cho sân chơi SEA Games: 23,3.

Tất nhiên, ông Troussier không phải HLV đầu tiên trẻ hóa đội tuyển Việt Nam. Nhiều người tiền nhiệm của ông từng làm điều đó như ông Toshiya Miura ở AFF Cup 2014 hay ông Nguyễn Hữu Thắng với lứa HAGL 2016. So về độ tuổi, đội tuyển Việt Nam của ông Troussier cũng "già" hơn một chút so với đội bóng của HLV Park Hang Seo tại chung kết AFF Cup 2018 (23,0 tuổi).

Nhưng đây không chỉ là chuyện tuổi tác. Cuộc cách mạng của ông Troussier quyết liệt hơn ở hàng loạt khía cạnh. Hai trận ở vòng loại World Cup, không một cầu thủ quá 30 tuổi nào được đá chính. Ông Troussier cũng loại thẳng tay hai Quả bóng Vàng gần nhất, kiên quyết không triệu tập Quang Hải, Công Phượng... đồng thời trao hàng loạt cơ hội cho những cầu thủ trẻ thậm chí chưa có nổi suất chính thức tại CLB.

CHIẾN LƯỢC TRẺ HÓA ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM: Quá nhiều thách thức - Ảnh 1.

Dù tiềm năng hứa hẹn như thế nào thì những cầu thủ trẻ như Tuấn Tài (12) vẫn phải cần tới sự dìu dắt của các cựu binh đàn anh như Quế Ngọc Hải. Ảnh: Minh Chiến

Ông Troussier không có một kỳ ASIAD thành công, chẳng có một Thường Châu hoa lệ, thế hệ trẻ của ông mới qua một kỳ SEA Games dừng bước tại bán kết. Họ chưa có những thành công nâng đỡ, chưa đủ tự tin và tài năng còn cần kiểm chứng trong nhiều môi trường. Dù vậy, họ vẫn được trao cơ hội.

Giải thích cho hàng loạt quyết định gây sốc, HLV người Pháp bảo: "Tôi muốn làm rõ là mục tiêu của tôi chưa bao giờ là phải dùng nhiều cầu thủ trẻ trong đội hình. Mục tiêu của tôi là chọn lọc ra 11 cầu thủ thi đấu có sự gắn kết phù hợp nhất, khả dĩ nhất. Mọi người sẽ có so sánh theo tiêu chí của mọi người. Còn tôi có tiêu chí của tôi. Trong thi đấu, không thể nào đưa ra 11 cá nhân xuất sắc mà không có sự kết nối, phải có sự kết nối tốt".

Ý đồ của trận gặp Iraq đã được nhà cầm quân người Pháp giải thích nhiều lần. Ông muốn hướng tới World Cup 2026 và đang chuẩn bị hành trình tốt nhất cho giải đấu sẽ diễn ra sau đây 3 năm. Tính toán của ông là những cầu thủ trong đội hình hiện tại sẽ đạt tới quãng 25-28 tại Cúp thế giới, đồng nghĩa với sự hoàn hảo về đẳng cấp, phong độ.

Toan tính đường dài của ông Troussier có thể hợp lý. Nhưng vẫn có những vấn đề cần đặt ra.

Hứa hẹn nhưng thách thức

World Cup 2026 sẽ diễn ra trong 3 năm nữa nhưng chiến dịch vòng loại thì đã bắt đầu ngay từ lúc này. Giai đoạn quyết định với đội tuyển Việt Nam là vòng loại 2, 3 và 4 diễn ra chủ yếu trong năm 2024 và 2025 tới. Nghĩa là đội tuyển Việt Nam không có nhiều thời gian chờ những cầu thủ của lứa U23 tiến bộ, ông Troussier sẽ phải sẵn sàng và cạnh tranh ngay lập tức với lực lượng hiện tại đồng thời kỳ vọng các tài năng trẻ tiến bộ thật nhanh để bắt nhịp kịp sức mạnh từ các đối thủ hàng đầu châu Á.

Thái Sơn, Đình Bắc, Minh Trọng có thể đầy tiềm năng. Nhưng Hùng Dũng, Hoàng Đức, Văn Lâm, Ngọc Hải... cũng rất quan trọng. Ông Troussier không thể lập tức loại bỏ thế hệ cũ khỏi đội tuyển. Họ không chỉ là những người đã dẫn bóng đá Việt Nam tới vòng loại 3 World Cup gần nhất, họ còn sở hữu hệ số an toàn cao nhất để đội tuyển lặp lại thành tích kể trên.

Trao nhiều cơ hội cho cầu thủ trẻ là tốt, nhưng điều đó cũng là một canh bạc. Bóng đá cấp đội tuyển không phải sân chơi CLB. Nếu họ mắc sai lầm, HLV Troussier sẽ chẳng có nhiều cơ hội sửa sai tại vòng loại World Cup.

Bàn thua trước Iraq có thể là một ví dụ. Tài năng trẻ Phan Tuấn Tài không theo được người ở biên trái, hai trung vệ Việt Anh (24 tuổi) và Thanh Bình (23) để đối phương băng vào khoảng trống giữa họ. Nếu lúc ấy trên sân có Văn Hậu, Ngọc Hải, mọi thứ có khác?

Và đó chưa phải vấn đề duy nhất.

CHIẾN LƯỢC TRẺ HÓA ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM: Quá nhiều thách thức - Ảnh 2.

Công cuộc trẻ hoá đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier đang phải đối diện với những thách thức to lớn. Ảnh: Minh Chiến

"Hôm nay, các bạn đã thấy được tiềm năng, hào hứng của những cầu thủ trẻ như Đình Bắc, Khuất Văn Khang. Nhưng nhìn vào con số thống kê của họ ở V.League thì rất hạn chế. Nếu họ có tiềm năng nhưng không được thi đấu sẽ không phát triển được.

Hiện trạng ở Việt Nam là những cầu thủ tiềm năng ở tuổi 18, 19 hầu hết không được thi đấu. Các CLB ở Việt Nam ưu ái cầu thủ có ảnh hưởng, kinh nghiệm. Sau trận này, tôi nghĩ rằng Khang hay Bắc sẽ trở về vị trí dự bị tại đội bóng thôi".

Nghịch lý của đội tuyển Việt Nam là nhiều cầu thủ có suất chính thức ở cấp đội tuyển nhưng lại thiếu trải nghiệm V-League. Văn Khang chưa đá chính trận nào từ đầu mùa, Đình Bắc, Minh Trọng năm nay mới được lên V-League, Thanh Nhàn vẫn phải đá hạng Nhất dù đẳng cấp đã vượt khỏi sân chơi này từ lâu.

Sau lưng họ, một loạt tài năng trẻ được ông Troussier để ý như Nguyễn Văn Tùng (CLB Hà Nội), Lê Văn Đô (PVF-CAND), Trần Quang Thịnh (CAHN)... đều bị chôn chặt trên ghế dự bị.

Thực trạng đó cho thấy chưa có một sự đồng bộ về chiến lược giữa cấp CLB và đội tuyển Việt Nam. Không phải HLV cấp CLB nào cũng đối xử với cầu thủ trẻ như ông Troussier, không phải ai cũng sẵn sàng, cũng đủ dũng cảm đánh cược điểm số lấy cơ hội ra sân cho những cầu thủ đôi mươi.

Những gì HAGL đã trải qua trong vài năm đầu của lứa Công Phượng là bài học mà chẳng ai quên được. Đó là chưa kể tới khác biệt về cách đánh giá giữa ông Troussier và HLV cấp CLB.

Ông Troussier có thể đánh giá Hoàng Đức "chưa đạt kỳ vọng" thì những đồng nghiệp ở cấp CLB cũng có thể đánh giá Văn Khang, Văn Tùng chưa đạt yêu cầu.

Hành trình trẻ hóa đội tuyển Việt Nam của ông Troussier vì thế còn rất nhiều thách thức đang chờ phía trước. 

Hoàng Đức và bài học Nakamura

Hoàng Đức không phải ngôi sao đầu tiên bị HLV Troussier lạnh nhạt trong sự nghiệp cầm quân của ông. Ngày còn dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản, chiến lược gia người Pháp từng gạch tên một siêu sao còn xuất chúng hơn là Shunsuke Nakamura.

Cầu thủ sinh năm 1978 khi ấy đang là ngôi sao trẻ lớn của đội tuyển Nhật Bản, chuẩn bị gia nhập CLB Reggina Serie A. Anh ghi 2 bàn ở loạt trận giao hữu nhưng vẫn bị loại khỏi danh sách chính thức dự World Cup 2002 trên sân nhà.

Đánh giá của ông Troussier cho Nakamura khi ấy khá giống Hoàng Đức: Thiếu sức mạnh và sức bền cho các vị trí ở trung tâm hàng tiền vệ hoặc biên trái. Điều thú vị là ngay sau khi ông Troussier rời đội tuyển Nhật Bản, Nakamura lập tức tỏa sáng với HLV kế nhiệm Zico. Hai năm cuối với ông thầy người Pháp, Nakamura chỉ được đá 7 trận. Năm đầu tiên của Zico, anh chơi 8 trận, ghi 4 bàn, mở đường cho sự nghiệp huyền thoại sau này khép lại với 98 trận và 24 bàn.


Minh Chiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link