Ông Falko Goetz nhập gia...

11/06/2011 06:20 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Cuối tuần) - Nhập gia thì phải tùy tục, tân huấn luyện viên Falko Goetz đã đến dải đất hình chữ S và nhập vào không chỉ gia đình bóng đá Việt Nam mà là đất nước, con người Việt Nam.

Cái buổi ban đầu xao xuyến ấy

Ấn tượng ban đầu thường ghim rất sâu trong tim. Tân huấn luyện viên Falko Goetz xem trận đầu tiên của giải đấu số 1 Đông Nam Á - Hòa Phát Hà Nội tiếp Sông Lam Nghệ An trên sân Hàng Đẫy. Hẳn nhiên, quan chức VFF ngồi bên ông phải giới thiệu hai đội, vị trí hiện tại ở bảng xếp hạng. Những cầu thủ nào “trình” cao, thuộc biên chế đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 quốc gia.

Và rồi, ông đã ngạc nhiên, khi một đội mạnh hơn, đang tạo dựng biểu tượng mới của V-League, đã thua đội yếu hơn chơi thiếu những 2 người cùng một đội hình chắp vá thảm hại. Những gương mặt được giới thiệu đều chơi với thái độ thiếu chuyên nghiệp, đáng thất vọng. Một trận đấu cả 3 bàn thắng đều đến từ chấm phạt đền, Falko Goetz còn lâu mới hiểu nổi sao trận đấu lại chán như thế.

Hợp đồng chỉ là khởi đầu, còn rất nhiều thử thách đang chờ đợi ông Falko Goetz ở phía trước

Buổi ký hợp đồng, Falko Goetz hẳn cũng ngạc nhiên khi thấy rùng rùng giới truyền thông đến đưa tin sự kiện này. Nói chung, những câu trả lời của ông rất khôn, nghe quen quen, như thể ông đã đến đây nhiều năm.

Kể cả việc ông trả lời sẵn sàng hợp tác với báo chí và hai bên cần chơi đẹp với nhau ngay từ đầu, cũng như một giao ước.

Tôi đồ rằng, vấn đề truyền thông được Falko Goetz đặc biệt quan tâm, hoặc cũng có thể các quan chức VFF cũng đã “rủ rỉ” và cảnh báo truyền thông Việt Nam hết sức khắt khe với đội tuyển quốc gia.

Dù sao, nhiều đồng nghiệp cũng ấn tượng với cái chất phong trần, đàn ông của Falko Goetz. Hy vọng, trong cuộc hôn nhân mới này, mối quan hệ giữa truyền thông và Falko Goetz sẽ tìm được VSItiếng nói chung. Hay chí ít, sau này chia tay đều coi nhau như những người bạn, như Karl Heinz Weigang, Rainer Willfeld. Giới truyền thông ai mà chẳng cay mũi khi huấn luyện viên Calisto đổ lỗi sự ra đi của ông là do bị đối xử bất công, từ giới truyền thông.

“Tùy tục” nhưng đừng bị đồng hóa

Có những tục (lệ) rất hay, nhưng cũng có những hủ tục mà ông khách cần phải tỉnh táo để giữ mình, nhất là tư cách những nhà “truyền giáo” như Falko Goetz. Bất cứ ai trong số chúng ta cũng có thể thoải mái liệt kê những đặc tính xấu của bóng đá ta.

Bóng đá Việt Nam cần được Falko Goetz thổi vào tinh thần của bóng đá Đức, kỷ luật Đức, tính chính xác, khoa học và sự hiệu quả của người Đức chứ không cần tuyên bố triết lý huấn luyện của ông là phải chơi đẹp mắt. Một đội bóng muốn đá đẹp và hiệu quả trước hết phải có trình độ kỹ thuật, khả năng kiểm soát bóng siêu phàm. Chỉ có Thái Lan ở thập niên 90 thế kỷ trước mới đủ trình độ chơi thứ bóng đá đẹp (trong phạm vi khu vực). Chúng ta đá đẹp nhưng tiếp tục không hiệu quả, không cho thấy sự lớn mạnh về đẳng cấp (tệ hơn là không vô địch SEA Games, AFF Suzuki Cup) thì đúng là “vứt” thật.

Mỗi ông thầy có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách học trò. Nếu Falko Goetz thể hiện được tính cách Đức, thì bóng đá Việt Nam sẽ có lợi về lâu dài. Có thể chỉ là những câu chuyện nho nhỏ. Ví dụ, ông kể với cầu thủ rằng trẻ con Đức được rèn luyện rất sớm về những gì được phép làm và những gì không được phép làm. Hoặc, món ăn Đức có thể đơn điệu nhưng bổ. Người Đức chú ý đến ca-lo-ri và vi-ta-min hơn là ngon miệng. Người Đức ăn để mà sống chứ không phải ăn để mà... sướng. Đúng thật, ở ta trong “tứ khoái” thì ăn được xếp hàng đầu đó thôi?

Ông Goetz nói trên báo Đức rằng Việt Nam có tới 85 triệu dân và đó là “tài sản lớn” để có thể gầy dựng một đội tuyển vững mạnh. Đúng thế, điều mà khán giả Việt Nam cần ở Falko Goetz là triết lý bóng đá Đức và ông luôn thể hiện được tính cách Đức để theo đuổi đến cùng sự nghiệp chấn hưng bóng đá Việt Nam, chứ không phải là bị Việt hóa để trở thành một huấn luyện viên chẳng khác gì ông thầy nội địa.

Nếu không thì cần gì thầy ngoại.

Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link