HLV Trương Việt Hoàng: 'Đừng thôi hy vọng vào U23 Việt Nam'

16/05/2015 18:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Chưa bao giờ như lúc này, tôi lại kỳ vọng lớn như thế vào một chiếc HCV SEA Games. HLV Toshiya Miura đang có một đội tuyển tốt, quá trình chuẩn bị tốt và cả đội ngũ… CĐV cũng được tổ chức rất tốt. Chúng ta hy vọng, may mắn sẽ đứng về phía U23 Việt Nam và nền bóng đá. Chứ không như cách đây 16 năm, đến bây giờ nó vẫn còn là một nỗi đau…”, cựu danh thủ Thể Công và “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam, Trương Việt Hoàng, đã bắt đầu câu chuyện với Thể thao & Văn hoá Cuối tuần như thế.

Khiếm tốn, nhưng thẳng thắn; nhỏ nhẹ và sâu lắng, đáng để người nghe phải nghĩ và ngẫm, HLV đương nhiệm của “hiện tượng” Hải Phòng tại V-League 2015, Trương Việt Hoàng, lần đầu tiên kể về cuộc đời mình, dù theo anh, “nó là chuyện riêng tư”.

Đè nén càng nhiều, phản kháng càng dữ dội

Cho đến trước khi ghi bàn thắng vào lưới Thái Lan ở bán kết Tiger Cup 98, mở đầu chiến thắng vang dội 3-0 cho đội tuyển Việt Nam, nói hơi quá, không nhiều người biết đến Trương Việt Hoàng?

- Nhà báo nói thế cũng đúng, nhưng Trương Việt Hoàng chỉ “chưa là ai” trên bình diện ĐTQG, trước khi tôi ghi được bàn thắng ấy thôi, chứ trong màu áo Thể Công, tôi đã là một phần của đội bóng rồi. Những người yêu mến Thể Công khi ấy rất đông và một số chắc cũng biết cái tên Trương Việt Hoàng giành chức VĐQG năm 1998.

Niềm vui chiến thắng trước người Thái lần đầu tiên, kể từ sau ngày bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại và nỗi buồn khi để thua Singapore trong trận chung kết thế nào, thưa anh?

- Chiến thắng trước Thái Lan khi đó là chiến thắng lịch sử vì chưa khi nào chúng ta có kết quả tốt khi đối đầu với người Thái cả. Ai cũng vui mừng trong chiến thắng đó, từ cầu thủ cho đến người hâm mộ.


Trương Việt Hoàng khởi đầu thuận lợi trong sự nghiệp cầm quân ở V.League

Tuy nhiên, sau đó là nỗi buồn tột độ khi chúng ta để thua Singapore trong trận chung kết. Nhắc lại càng thêm buồn. Sau trận đấu ở Hàng Đẫy, Hà Nội hôm ấy, không ai nói với ai một câu nào. Không thể vô địch giải đấu trên sân nhà, khi tất cả mọi thứ đều ủng hộ chúng ta, là nỗi buồn cực lớn.

Nhưng bóng đá là thế, không thể không có may mắn và ngày hôm đó, may mắn đã ngoảnh mặt với bóng đá Việt Nam.

Đồng đội kể rằng, ngày Trương Việt Hoàng ghi bàn thắng vào lưới Thái Lan, cũng là ngày ông cụ thân sinh mãn hạn lao lý, sau sự cố cháy chợ Đồng Xuân?

- Chuyện gia đình, tôi chưa bao giờ kể với ai cả, đặc biệt là truyền thông. Kể từ ngày ông cụ không may vướng vướng lao lý, hầu như ngày nào tôi cũng đến thăm bố vào sáng sớm, khi bố được ra ngoài. Hai bố con nói chuyện rất nhiều và một người thanh niên như tôi khi ấy, đã phải động viên bố nhiều, vì bố cũng cao tuổi rồi. Anh có thể tưởng tượng, một người con ở tuổi đôi mươi, phải đưa ra những động viên và cả những lới khuyên cho cha mình không?

Hai ngày trước cuộc đối đầu với Thái Lan ở bán kết, bố tôi đã mãn hạn tù. Gia đình đoàn tụ, không thể nói là không hạnh phúc được. Nó tiếp cho tôi rất nhiều động lực, để tập trung cho trận đấu. Bàn thắng và chiến thắng của đội bóng là một món quà không thể ý nghĩa hơn mà tôi dành tặng bố, dành tặng gia đình và người hâm mộ.

Gia đình li tán, cuộc sống cá nhân và cả hôn nhân xáo trộn, bể dâu, đấy chắc hẳn phải là khoảng thời gian khó khăn với Trương Việt Hoàng? Hoàng “bột” trở nên u uất, sầu muộn và tìm đến bia rượu cũng vì lý do này? Nhưng ông trời dường như đã bù đắp lại, với một mái ấm hạnh phúc cùng 2 cậu quý tử giống mình “như giọt nước” nhỉ?

- Đây chắc chắn là khoảng thời gian khó khăn nhất cuộc đời tôi. Cảm giác như mình bị mất phương hướng, không tìm được lối ra. Tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ và cả sự giúp đỡ, cho đến khi tôi gặp được bà xã bây giờ (VĐV bắn súng tuyển quốc gia Nguyễn Quyên – PV). Thật ra, những chuyện này cũng không đáng nói, nhưng ông trời cũng không lấy hết của ai cái gì cả (cười).


Cùng vợ và các con

Đến bây giờ, không phải là viên mãn, nhưng quả thật, tôi chưa từng nghĩ mình lại đang sở hữu một “gia sản” lớn đến thế. Đấy là một gia đình hạnh phúc và những đứa con khoẻ mạnh.

Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công

Việt Hoàng được xem như “người Mohican cuối cùng” của thế hệ vàng bóng đá Việt Nam, nói lời chia tay sân cỏ khá muộn (năm 2008, khi Hoàng đã 33 tuổi). Có một so sánh nào giữa bóng đá thời bao cấp và chuyên nghiệp không, thưa anh?

- Nghiệp quần đùi áo số của tôi có thể coi là lận đận, so với các đồng đội – đồng nghiệp cùng thế hệ. Mười mấy năm chơi bóng, đủ những hỉ-nộ-ái-ố và thật không may, tôi bị chi phối bởi quá nhiều thứ ngoài sân bóng. Bóng đá mỗi thời mỗi khác, nên so sánh cũng khó. Thời trước, chúng tôi chơi bóng vì niềm đam mê, còn bây giờ, bóng đá là nghề nghiệp, là công việc và là cuộc sống.

Khác nhiều lắm chứ! Thời đại bóng đá kim tiền, cầu thủ thường lo chăm chuốt bản thân nhiều hơn, cái tôi cá nhân cũng lớn hơn, nên chủ nghĩa tập thể đôi lúc bị xao nhãng. Mặc dù vậy, đấy chỉ là cảm nhận của cá nhân tôi thôi, chứ không phải tất cả đâu nhé!

Vừa rồi, hẳn anh có tham gia các sự kiện tri ân, giúp đỡ “bố” Liêm (cựu Trưởng đoàn Thể Công, Hà Quang Liêm), người có công lớn trong việc giúp thế hệ cầu thủ của anh trưởng thành và có được như ngày hôm nay. Cảm nghĩ của anh như thế nào?

- Cũng không biết nói thế nào, bởi cuộc đời thật khó đoán. “Bố” Liêm là người tôi mang ơn nhất cho đến lúc này. Có những việc không thể nói được, cho đến vừa rồi khi gặp lại “bố”. Ông cụ ngồi với chúng tôi mà cảm giác như không khóc được, dù rất hạnh phúc. “Bố” cảm nhận được những thành công của chúng tôi, những đứa mà trước bố coi như con và vẫn nói vui: “Chúng mày như trẻ con, không lớn được". Đấy là cách ông cụ chửi yêu, cho đến bây giờ, lũ trẻ con ngày ấy đã khôn lớn thế này.

Cởi bỏ quần đùi áo số khá muộn, công việc huấn luyện của anh không hẳn đã hanh thông, khoảng thời gian làm trẻ Hà Nội T&T và CLB Hà Nội chơi giải hạng Nhất, với cơ chế kiểu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Những can thiệp ngoài chuyên môn của các ông chủ, trọng tài…

- Khi làm bóng đá trẻ rõ ràng là thoải mái và  ít áp lực hơn, so với môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng, nó cũng là thách thức lớn, vì mình đang dậy những con người sắp lớn và trưởng thành. Chỉ một động tác kỹ thuật uốn nắn sai cách, sẽ đánh mất cả sự nghiệp của người trẻ.

Bóng đá chuyên nghiệp bắt buộc phải có thành tích, bởi không ai muốn đầu tư mà không có kết quả được. HLV phải chia sẽ điều đó với lãnh đạo, chứ ai làm chuyên môn lại không muốn được toàn quyền?!

Về “cầm” Hải Phòng ở mùa giải năm nay, nó là cái duyên trời định và cũng là thách thức không nhỏ với Trương Việt Hoàng, người vốn chưa có nhiều kinh nghiệm huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện một đội bóng ở V-League. Nhưng cho đến thời điểm này lại thành công ngoài mong đợi. Nó có phải là một sự “bù đắp” khác không?

- Khi về Hải Phòng, tôi đã sẵn sàng tâm lý, có thể thành công nhưng cũng có thể thất bại. Nếu thất bại, nhiều khả năng lắm chứ (cười), tôi cũng cũng có sẽ thêm những trải nghiệm.


Hải Phòng dưới sự dẫn dắt của HLV Trương Việt Hoàng đang đứng ở nhóm giữa bảng xếp hạng V.League 2015

 Tôi tâm niệm rằng, mình cứ cố gắng hết mình, làm việc hết khả năng có thể. Mục đích công việc là cái quan trọng và tôi đã chọn đấy là sự trải nghiệm. Thành công tạm thời là nỗ lực của cả một tập thể. Tôi may mắn hơn khi được tạo cơ chế và đang có trong tay những cầu thủ tốt nhất.

“Chúng ta thua Thái Lan từ vạch xuất phát”

Trước và sau thời của Trương Việt Hoàng, Thái Lan vẫn được xem là “anh cả” trong khu vực, là đối thủ lớn nhất của bóng đá Việt Nam. Cho đến bây giờ, cảm giác như khoảng cách về đẳng cấp còn được nới rộng ra, thưa anh?

- Bóng đá của Thái Lan và Việt Nam không chỉ có khoảng cách về đẳng cấp, mà còn về cách làm. Họ, Thái Lan ấy, sẵn sàng hy sinh một thời gian để xây dựng mục tiêu và đến giờ như chúng ta thấy họ đang đạt được những gì rồi?! Khu vực thì họ số 1 và bây giờ Thái Lan đang vươn ra tầm châu lục và thế giới. Chúng ta đã bao giờ hy sinh, đã bao giờ chịu đầu tư cho một chiến lược lâu dài chưa? Tôi nói là ngay cả chuyện đặt mục tiêu, nghe cũng khá mông lung nữa.

Chúng ta bắt buộc phải đưa ra lời giải, khi sắp tới, các ĐTQG Việt Nam sẽ gặp lại Thái Lan ở ít nhất 2 hạng mục giải đấu – sân chơi, SEA Games 28 và vòng loại World Cup (cũng là vòng loại Asian Cup). Anh có tin vào điều tốt đẹp không?

- Đã vào các sân chơi thì không ai thiếu niềm tin cả và trong thời gian qua khi ông Miura làm huấn luyện các đội tuyển tôi thấy có những tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam. Tôi cho rằng, các cuộc đối đầu với Thái Lan ở các cấp độ khác nhau, thời gian tới đây, sẽ cho tất cả lời giải. Đánh một trận, chúng ta có thể có cơ hội, nhưng như tôi đã nói, về lâu về dài thì chúng ta đang ở một khoảng cách quá xa với họ.

Bóng đá Việt Nam, từ cấp độ đào tạo trẻ đến tiêu chí thuê và sử dụng HLV, vẫn mang dáng dấp của “ăn xổi”. Chúng ta hiếm khi nghiêm túc cho một kế hoạch dài hơi kiểu như Thái Lan, nên cũng không thể kỳ vọng cao hơn… đấu trường khu vực?

- Như tôi đã nói, bóng đá Thái Lan đã phải hy sinh rất nhiều, từ nhân lực, tài lực và tiền lực, thậm chí cả thành tích trước mắt, để xây dựng và đạt được mục tiêu lâu dài mà họ đề ra. Ngay lúc này, họ vẫn đang đặt tham vọng World Cup và theo tôi thấy, Thái Lan có đầy đủ cơ sở.

Còn bóng đá Việt Nam như thế nào, tự mỗi chúng ta đã có câu trả lời rồi còn gì?! Nếu không thay đổi, thì 10 năm nữa, vẫn chỉ là SEA Games và AFF Cup thôi, chứ đừng nói chuyện xa xôi.

Xin hỏi thẳng, Trương Việt Hoàng có tin HLV Miura và các cầu thủ sẽ thành công ở các giải đấu trước mặt hay không? Ví như chiếc HCV SEA Games đầy mong mỏi và thậm chí cả suất tham dự VCK Asian Cup 2019. Có lời khuyên hay chia sẻ nào, từ một cầu thủ và một HLV có kinh nghiệm như anh không?

- Chưa khi nào tôi hy vọng vào tấm HCV SEA Games như năm nay. Nó sẽ là gói kích cầu quan trọng cần thiết. Từ công tác chuẩn bị cho đến tinh thần, từ lãnh đạo, đến các VĐV và cả CĐV, đều rất hưng phấn. Nhưng, như tôi đã nói, chúng ta cần thêm may mắn và hy vọng may mắn sẽ đứng về chúng ta trong lần xa luân chiến này.

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi, chúc anh thành công trong cuộc sống!

Vài nét về Trương Việt Hoàng

Sinh ngày 9/12/1975, tại Hà Nội

Đã có vợ và 2 con trai

Gia nhập lò đào tạo Thể Công từ rất sớm và bắt đầu khoác áo đội 1 Thể Công từ năm 1997, giành chức vô địch quốc gia năm 1998 và Siêu Cúp QG.

Cùng năm 1998, Việt Hoàng ghi bàn thắng cực kỳ đẹp mắt vào lưới Thái Lan ở bán kết Tiger Cup 1998 (giải đấu tên gọi tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ), mở đầu chiến thắng 3-0 cho đội tuyển Việt Nam. Năm 2007, Trương Việt Hoàng rời Thể Công để đầu quân cho P.Bình Định và giúp đội bóng đất võ giành Cúp QG sau đó.

Năm 2009, Việt Hoàng treo giầy và bắt đầu đi học các lớp huấn luyện viên, trước khi “cầm” U21 Hà Nội T&T (2009 -2010), CLB Hà Nội ở giải hạng Nhất (2012-013). Năm 2015, Việt Hoàng nhận thách thức lớn khi về “nắm” Hải Phòng chơi V-League, khi trước đó, tưởng như chiếc ghế HLV trưởng đội bóng đất cảng đã được quy hoạch cho đàn anh Hoàng Văn Phúc.

“Tôi không đề cập đến vấn đề ở U23 Việt Nam, khi đây chỉ là một đội bóng trẻ, với sân chơi SEA Games 28 trước mặt. Ở cấp độ ĐTQG, tôi không nghĩ HLV Miura lại trao cơ hội cho những người không xứng đáng. Thuyền trưởng người Nhật Bản hẳn đã có kế hoạch của riêng mình rồi, với việc dùng các phương án dự phòng được đôn lên từ U23 Việt Nam.

Qua tham khảo những cầu thủ đã và đang hợp tác với HLV Miura, phần lớn đều đánh giá cao ý thức chuyên nghiệp (trong huấn luyện) của ông thầy người Nhật Bản. Tinh thần chiến đấu và nền tảng thể lực của đội bóng được cải thiện là điều có thể thấy bằng mắt thường. Tôi đang có một dự cảm rất tốt đẹp về các ĐTQG dưới thời HLV Miura”, Trương Việt Hoàng.


Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link