11/10/2017 21:03 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, với việc các hồ chứa thủy điện mở nhiều cửa xả lũ như hiện nay là chưa có tiền lệ.
Chiều 11/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức buổi họp với các Bộ, ngành liên quan nhằm ứng phó với công tác xả lũ tại hồ thủy điện Hòa Bình và tình hình mưa đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ.
31 hồ thủy điện đang xả qua tràn
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới cùng với gió đông mạnh gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc, trọng tâm tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh,Thanh Hóa.
Trong đó, lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, có nơi lên đến 400-500mm. Dự báo mưa sẽ giảm dần vào chiều mai và sẽ chấm dứt trong ngày kia. Tuy nhiên, dự báo đến ngày 15-16/10 có gió mùa, thời gian mưa sẽ quay trở lại.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay, đang có áp tháp nhiệt đới hoạt động và khả năng ngày mai sẽ vào Biển Đông, đồng thời có xu hướng mạnh lên thành bão. Khả năng, bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ứng phó với tình hình mưa lũ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức sơ tán hơn 5.100 hộ dân tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn (Thanh Hóa gần 4.800 hộ, Nghệ An 111 hộ, Hà Tĩnh 212 hộ).
Tỉnh Ninh Bình đang tổ chức sơ tán dân tại 12 xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn. Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hỗ trợ 58 hộ dân di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản, 3 doanh nghiệp di dời các thiết bị, máy móc ở ven sông thuộc thành phố Hòa Bình; di dời trên 80 hộ dân hạ du hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đá Bắc khi mực nước cao qua tràn gây sạt lở hạ lưu, nguy cơ mất an toàn đập.
Theo đại diện Bộ Công Thương, đến 13h chiều nay, khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ có 31 hồ thủy điện đang xả qua tràn. Với hồ thủy điện Hòa Bình, theo Tập đoàn điện lực Việt Nam, trưa 10/10 lưu lượng có tăng, từ 7h tối 10/10 đến sáng 11/10 đã mở 8 cửa xả. Đến thời điểm gần 14h ngày 11/10, Tập đoàn chỉ đạo công ty thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả, hiện nay còn 7 cửa xả.
Tập đoàn điện lực đang chỉ đạo công ty thủy điện Hòa Bình theo dõi và phối hợp chặt chẽ theo yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, điều chỉnh cửa xả hồ thủy điện và căn cứ vào lượng nước thực tế, đảm bảo giảm bớt nước về hạ du và đảm bảo an toàn công trình.
Theo Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, với việc các hồ chứa thủy điện mở nhiều cửa xả lũ như hiện nay là chưa có tiền lệ. Cần thông báo, dự báo tình hình khu vực nguy hiểm cho người dân. Lực lượng quân đội sẵn sàng ứng phó. Phát huy phương châm 4 tại chỗ. Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm những khu vực có khả năng bị trôi dạt, sẵn sàng các phương tiện thủy ở các vùng để triển khai phương án cứu nạn nhanh chóng. Kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo sát, cơ quan truyền thông thông tin chính xác kịp thời, giúp người dân ứng phó hiệu quả với mưa lũ.
VIDEO: Nghệ An khẩn trương di dân đến nơi an toàn
Đảm bảo an toàn cho vùng hạ du
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, kiêm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cần bám sát diễn biến tình hình mưa, phối hợp với cơ quan truyền thông nhằm thông tin kịp thời đến cả xã hội. Với các hồ thủy điện, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, điều hành chỉ đạo, thống nhất quan điểm đảm bảo cao nhất an toàn công trình, an toàn cho vùng hạ du.
Để ứng phó với tình hình mưa lũ, Tổng cục Thủy lợi cử các đoàn công tác tới các tỉnh có hồ lớn xung yếu, đồng thời kiểm tra toàn bộ hồ nhỏ, phân rõ nhiệm vụ, điều hành vận hành của hồ. Bộ NN&PTNT chú ý đến toàn bộ hệ thống đê bao sau hồ Hòa Bình ở tất cả các tỉnh. Lực lượng quân đội, lực lượng dân quân tự vệ các tỉnh tập trung cứu hộ cứu nạn.
Chỉ đạo tại Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần khẩn trương ứng phó với tình hình diễn biến mưa hiện nay ở Bắc Trung bộ, Bắc Bộ, chủ động ứng phó với áp thấp đang diễn ra nếu thành bão.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố và Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ ngành địa phương tập trung một số nhiệm vụ, thực hiện nghiêm công điện 1533 ngày của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động sơ tán khẩn cấp những người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân, đảm bảo người dân không bị đói, không để phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn vận hành công trình hồ chứa thủy lợi. Với công trình hồ thủy điện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn công trình. Đồng thời, khắc phục các sự cố giao thông đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; hướng dẫn người dân đi lại, đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo nhanh mới nhất của các địa phương về áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ những ngày gần đây, tính đến 13h hôm nay (11/10), áp thấp nhiệt đới, mưa lũ đã làm 20 người chết và nhiều nhà cửa bị sập, ngập. Cụ thể, 20 người chết gồm Thanh Hóa: 3 người; Nghệ An: 8 người, Sơn La: 5 người, Hòa Bình 4 người. Ngoài ra, có 12 người mất tích gồm: Yên Bái: 4 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa 3 người; Sơn La: 3 người, Quảng Trị: 1 người). Số người bị thương là 5 người gồm: Hòa Bình: 1 người; Thanh Hóa: 3 người, Sơn La: 1 người.
Ngoài thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khác như nhà cửa, nông nghiệp... cũng đáng kể khi có 81 nhà bị sập (Hòa Bình: 4 nhà; Sơn La: 64 nhà, Yên Bái: 8 nhà; Thanh Hóa: 3 nhà; Hà Tĩnh: 2 nhà); 3.127 nhà bị ngập (Yên Bái: 212 nhà, Hòa Bình: 5 nhà; Phú Thọ: 223 nhà, Thanh Hóa: 432 nhà; Nghệ An: 735 nhà; Hà Tĩnh: 1.519 nhà) và 135 nhà phải di dời khẩn cấp (Yên Bái 13 nhà, Phú Thọ 91 nhà, Hòa Bình 22 nhà, Sơn La 9 nhà).
Hiện nay, đã có 348 ha lúa bị ngập, thiệt hại, hơn 13.700 ha ngô, hoa màu, rau bị ngập, thiệt hại và hơn 9.800 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi
H.V/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất