(TT&VH) - Sáng 11/11, Hội thảo Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực đã khai mạc tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 100 nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực ASEAN như: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Australia, Anh, Mỹ…
GS Carlyle A. Thayer (Australia) cho rằng cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực sẽ gia tăng trong vòng 3-5 năm tới, tuy nhiên cũng có một số dấu hiệu tích cực khi ASEAN và Trung Quốc nhất trí triển khai tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC) và đàm phán Quy tác ứng xử biển Đông (COC). Ông cũng quan sát thấy Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện để các bên đàm phán, nhưng Mỹ sẽ không can dự trực tiếp mà chỉ gián tiếp.
PGS-TS Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phát biểu: Biển Đông là một vùng biển nửa kín, án ngữ nhiều tuyến hàng hải trọng yếu, đây là tuyến đường biển quốc tế có lượng tàu thuyền qua lại nhộn nhịp nhất trên thế giới. Bất kỳ một gián đoạn nào trên các tuyến hàng hải này đều có thể tạo ra sự bất ổn kinh tế và chính trị của cả khu vực và toàn cầu. Do vậy để đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải cũng như sự tự do qua lại ở biển Đông là trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong hay ngoài khu vực ASEAN đang sử dụng biển Đông. Ngoài ra, biển Đông cung cấp sinh kế cho các cộng đồng dân cư ven bờ và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN và Trung Quốc. Do vậy, hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và an ninh con người, trong đó có cả cứu hộ, cứu nạn ở biển Đông đã trở thành một trọng tâm trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp chính thức giữa khối ASEAN và Trung Quốc. Trong phần tham luận mang tựa đề Vai trò của biển Đông trong quá trình hợp tác Đông Á, GS Su Hao, ĐH Ngoại giao Bắc Kinh, Trung Quốc đã nêu lên một ý: Trung Quốc mong muốn phát triển hòa bình với các nước xung quanh. Giải quyết tranh chấp bằng đối thoại Từ năm 2009 đến nay, tình hình ở biển Đông có nhiều chuyển biến quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Việt Nam và quốc tế. Về cơ bản, tình thế hòa bình và ổn định được duy trì ở khu vực này, tuy nhiên vẫn xảy ra các tranh chấp, va chạm ở quy mô nhỏ, phần nào làm cho tình hình thêm căng thẳng và các bất đồng hiện có thêm nhiều phức tạp. Đáng lưu ý hơn là bên cạnh các tranh cãi vốn đã tồn tại về chủ quyền và lãnh thổ, đã xảy ra nhiều va chạm liên quan đến an ninh và an toàn hàng hải, liên quan đến quản lý và khai thác tài nguyên trên biển. Trong năm qua, Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN đã nỗ lực rất lớn ở các cấp độ khác nhau nhằm trao đổi thông tin, đối thoại thẳng thắn và đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan nhằm tránh các căng thẳng mới xuất hiện, đồng thời bắt đầu tìm kiếm cơ chế giải quyết tranh chấp, khuôn khổ pháp lý và giải pháp lâu dài cho mọi vấn đề. Trao đổi với TT&VH, PGS-TS Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nêu rõ quan điểm: “Khi nói về biển Đông, chúng ta phải thừa nhận trong biển Đông có tranh chấp về biên giới chủ quyền, thế thì cách giải quyết là các bên có tranh chấp phải thông qua các đàm phán với nhau. Trong bất cứ trường hợp nào không thể giải quyết bằng vũ lực được”. Đồng tình với quan điểm trên, ThS Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM, cho biết: Việt Nam đã có những bước tiến tốt trong công tác ngoại giao về giải quyết các vấn đề về biển Đông và biện pháp tốt nhất là dựa vào Công ước Luật biển năm 1982. Đương nhiên giải quyết vấn đề này không chỉ bằng Công ước quốc tế mà còn các Luật quốc tế có liên quan.
PSG-TS Dương Văn Quảng trả lời báo chí bên lề hội thảo
“Tôi kỳ vọng 3 điều tại hội thảo: Thứ nhất, làm sao để củng cố được mạng lưới của các nhà nghiên cứu quốc tế về biển Đông. Thứ hai, hội thảo này là nơi để các học giả trao đổi những gì đã từng nghiên cứu, quan điểm của từng cá nhân về vấn đề biển Đông. Và mong muốn cuối cùng, qua hội thảo sẽ có những ý kiến mang tính chất đóng góp, khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách có thể suy nghĩ và vạch ra một cơ chế, xác định được các văn bản pháp lý quốc tế cho cách giải quyết các vấn đề ở biển Đông. Đương nhiên con đường đó không phải là ngắn mà rất dài vì quan điểm của các bên còn rất xa nhau” (PGS-TS Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao).
|
Anh Đức