10/03/2016 07:03 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh bị cắt ghép, in trên bìa một số băng đĩa khiêu dâm và trên poster quảng bá cho một phòng khám nam giới ở Nhật Bản kèm theo những thông tin hết sức bậy bạ. Những hình ảnh đó sau khi bị lan truyền trên các trang web “đen”, lại một lần nữa được đưa rầm rầm lên các phương tiện truyền thông trong nước (tất nhiên là có được che chắn bớt đi)...
Thế nên điều tôi muốn nói với Kỳ Duyên lúc này là: Hãy can đảm lên.
Tôi muốn kể lại một câu chuyện, khá tương tự, cách đây hơn 10 năm, một vị “tiền bối” của cô – cựu hoa hậu Hà Kiều Anh cũng bị một tai họa từ trên trời rơi xuống. Đó là khi đoạn phim kéo dài 8 phút về cô bị tung lên các trang web khiêu dâm năm 2005 khiến nhiều người tò mò và tìm cách truy cập. Scandal lập tức nổ ra ầm ĩ.
Nhưng sau khi tìm hiểu đoạn phim bị loan truyền là “nhạy cảm” đó, người ta nhận ra nó hết sức bình thường, ở chỗ, đó là đoạn phim được cắt ra từ "Người tình trong mơ"- một bộ phim do đạo diễn Trần Phương thực hiện cách đó đã hơn chục năm, được duyệt, cấp phép đàng hoàng và được trình chiếu rộng rãi trong cả nước, mà hoàn toàn không có bất cứ một phản ứng tiêu cực nào.
Một đoạn phim có cảnh nude, vốn hết sức bình thường nhưng đã bị biến thành... bất bình thường khi bị cắt rời ra khỏi chỉnh thể của bộ phim (“Người tình trong mơ”), bị đặt không đúng chỗ (web khiêu dâm), và do đó nó khiến cho cảm nhận của người xem phần nào bị sai lệch.
Người ta nói, đẹp hay xấu, "dâm" hay không "dâm” là tại... mắt người. Điều đó rất đúng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng nói, ranh giới giữa ảnh khiêu dâm và ảnh khỏa thân nghệ thuật, thực ra không hề mong manh như người ta nghĩ. Khiêu dâm là khiêu dâm. Còn nghệ thuật là nghệ thuật. Hai thứ đó rất khác nhau.
Nhận xét của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành rất chuẩn, nhưng nó chỉ đúng khi người xem có một trình độ thẩm mỹ nhất định, và nó cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh nữa. Trong bảo tàng nghệ thuật, hay trong rạp chiếu phim công cộng, nó có thể không “dâm”, nhưng đặt trong không gian khác, gán ghép vào những ý nghĩa khác, nó có thể bị thay đổi tính chất trong con mắt người xem, nhất lại là những người tò mò, hiếu tục.
Trở lại với những bức ảnh bị cắt ghép của Kỳ Duyên. Có lẽ trừ bức ảnh “kém duyên” ngủ trên ghế máy bay - bị chụp và phát tán bất hợp pháp - tất cả những bức ảnh còn lại của cô đều là ảnh đẹp, không hề “nhạy cảm” như một số người nghĩ. Nhưng vì sao chúng lại bị sử dụng với nội dung xấu?
Câu trả lời cũng tương tự như vụ đoạn phim 8 phút của hoa hậu Hà Kiều Anh: Chúng đã bị tách ra khỏi bối cảnh vốn có và bị gán ghép vào bối cảnh khác, tạo ra những nội dung ý nghĩa khác và cuối cùng đánh lừa cảm nhận của người xem.
Can đảm lên Kỳ Duyên. Cô không phải người đầu tiên bị chơi trò ghán ghép như thế này. Bản thân người viết đã từng thấy ảnh chân dung của một hoa hậu khác cũng bị sử dụng làm pano quảng cáo cho tiệm Gội đầu thư giãn trên một con phố mà ai cũng biết Gội đầu thư giãn ở đó thực sự là gì.
Trên báo chí, đại diện của Hoa hậu Kỳ Duyên đã cung cấp thông tin khá chi tiết: “Phòng khám này chính là nơi từng bị Lâm Tâm Như khởi kiện với hành vi tương tự. Chúng tôi một mặt liên hệ với trang web liên quan tháo xuống, mặt khác soạn đơn khởi kiện gửi Bộ Công an xem xét vì dính yếu tố nước ngoài”.
Điều mà tất cả chúng ta, đặc biệt là cư dân mạng, nên làm lúc này là ngay lập tức ngừng lan truyền những hình ảnh bị cắt ghép vô lối đó. Việc lan truyền đó vô hình trung đã “nối giáo cho giặc” làm sai lệch ý nghĩa những hình ảnh vốn dĩ là bình thường về Kỳ Duyên.
Ngô Khởi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất