22/06/2010 21:38 GMT+7 | Người Hà Nội
Tháp Rùa bé xíu, như bồng bềnh nổi giữa một đám bèo tây; phượng vĩ đỏ rực, bằng lăng thì tím, hoa sứ đỏ hồng, líu xíu những điểm xuyết ấy giữa cơ man nào là mầu xanh.
Thu Thủy trẻ trung hơn trong các tấm hình trên mạng, ấn tượng hơn cả là đôi mắt đẹp trong veo. Nói năng nhỏ nhẹ, hài hước, lôi cuốn. Trong một khung cảnh dễ chịu, cuộc phỏng vấn cứ như một buổi chuyện trò thư thái của những người đã quen biết từ lâu.
1. Thu Thủy là con nhà nòi học thuật. Bố là Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Văn Lợi, còn mẹ cô – Tiến sĩ Chu Bích Thu, một soạn giả từ điển ngôn ngữ. Môi trường sống từ bé của cô khá khép kín. Có lẽ chính các bậc sinh thành cũng khó tưởng tượng được con gái mình lại trở nên thành đạt trong một môi trường hoàn toàn khác, nổi tiếng, hiện đại và nhiều trải nghiệm.
1994, năm 18 tuổi, vượt qua 1.200 người, Nguyễn Thu Thủy trở thành hoa hậu. Mọi hoa hậu đều đăng quang ở lứa tuổi quá đỗi trẻ trung ấy thì phải, và từ đó, ai cũng phải gìn giữ hình ảnh "đẹp nết, đẹp người" theo góc nhìn chung của số đông. Sau ba năm học trường Ngoại giao, cô đã rời bỏ để sang Mỹ học marketing, một quyết định mà đến bây giờ cô vẫn đôi khi tiếc nuối. 9 năm trước, khi đang mang bầu, cô bắt tay vào gây dựng sự nghiệp kinh doanh spa – dịch vụ làm đẹp. Thương hiệu xa xỉ ấy có tên là Bellissima, một từ gốc Latin mang nghĩa "đẹp, duy mỹ", như một lời trầm trồ được thốt lên trước nhan sắc và phong cách. Ban đầu, Bellissima spa chỉ phục vụ những phụ nữ có nhu cầu làm đẹp, nhưng đến nay một nửa số khách là đàn ông. Phụ nữ thì phải đẹp hơn, đàn ông thì phải “charismatic” – có sức lôi cuốn, “nam châm” hơn, cô giải thích. Hệ thống Beauty Salon Bellissima gồm trên 10 cửa hàng, hiện có mặt ở cả 3 miền đất nước. Đó là một niềm tự hào riêng của một người thiếu phụ nuôi con một mình .
2. Khi ly thân với chồng, 2 – 3 năm sau, cô sinh em bé thứ 2. Cô tin với sự hiểu biết và nỗ lực của mình, cô sẽ bù đắp, đảm bảo các con mình sẽ có một cuộc sống bình thường như những gia đình có đầy đủ cả bố và mẹ. Hằng ngày, cô phải đối diện và giải quyết bao nhiêu chuyện một mình, từ việc nhỏ như hỏng cầu chì, sửa ti vi, đưa con đi khám... và giải quyết một núi công việc.
Khác với đi làm thuê, cô phải tự chịu trách nhiệm với công việc và sự lựa chọn của mình thay cho nhiều người, đơn độc trong việc cân nhắc giữa làm hay không làm, có hay không có. "Tôi không hỏi ai được, không có ai để chia sẻ, nhiều lúc tôi bị stress, trầm cảm vì những điều đó. Nhưng tôi chấp nhận nó như một phần cuộc sống. Nhiều khi đưa con đi học rồi cắm mặt vào bàn làm việc một mạch đến lúc ngẩng đầu lên đã thấy trời tối lúc nào không biết. Khoảnh khắc đó tôi thấy mình yếu đuối, thèm có một ai đó gọi điện, hay nhắn tin hãy về đi, đừng làm nữa, nhưng không có ai. Cuộc sống không biết thế nào là đủ. Mình có thể có tất cả theo những tiêu chuẩn chung của xã hội, nhưng nhiều khi mình vẫn thấy lạc lõng, cô đơn trong chính căn nhà của mình".
3. Thu Thủy hoài cổ trong vẻ ngoài hiện đại. Cô đọc rất nhiều, theo một bản danh sách mình định sẵn rồi chiêm nghiệm với thực tế, chia sẻ với mọi người, và viết lại những suy nghĩ đó để hiểu mình hơn, để tự nâng cao khả năng nhận thức và tư duy, và tất nhiên để không mất đi cảm xúc – điều thật cần thiết để tự cân bằng.
Đôi lúc cô nói một điều gì đó, rồi lại băn khoăn bởi không biết đó là suy nghĩ của chính mình hay kiến thức đọc đã nằm trong tiềm thức. Một trò chơi cô thích, như được di truyền từ cha mẹ, là ngôn ngữ. Cô đặt dấu hỏi rằng, tại sao bố cô, một nhà ngôn ngữ học, trong một lần nhập viện lại được các bác sĩ Viện Tai Mũi Họng gọi là thầy? Các bác sĩ ấy đã học hỏi được gì từ thành quả nghiên cứu của ông? Tại sao ông lại làm việc với Bộ Công an về nhận biết giọng nói? Ngôn ngữ có gì bí ẩn? Cô thích dùng từ, tự học về ngữ điệu, ngữ âm và phán xét ngầm những từ người khác đang sử dụng. Cô hài lòng với cậu con trai nhỏ dùng từ "xoáy nắp" chai nước khoáng, thay cho từ "mở nắp" mà cậu bé vừa nói trước đó.
Rồi một ngày gần đây, cô muốn viết văn. Như một sự thôi thúc tự bên trong, về những điều cô đã thấy và suy ngẫm. Một tác phẩm văn học ngắn của cô sau khi đưa lên mạng xã hội đã nhận được sự đồng thuận đến không ngờ, thậm chí có thể được là một phát hiện gây sửng sốt. Cô muốn trong vài năm tới, ngoài việc đi làm từ thiện, sẽ cho ra đời một tác phẩm vừa sức của mình. Dù cô biết viết văn là sự tự hành xác, và đã thấy mỗi lần viết ra được xong một cái gì đó, đầu óc trống rỗng, người mệt bã, nhưng cô cho rằng thế hệ mình luôn phải cố gắng làm được một cái gì đó.
Cô tự nhận xét rằng, nếu tập trung 100% sức lực cho việc sáng tác, cô sẽ viết “hay hơn cả tự truyện của Lê Vân”. Vừa tự nhận xét vừa cười tủm tỉm. Cô biết nụ cười của mình “là một sở trường”. Cô đã không còn xấu hổ khi người khác đọc mình. Dù văn chương có thể gây ra cảm giác như không mặc gì đứng trước mọi người, do thiếu thốn kỹ năng. Rõ ràng với cô ấy, tham vọng viết đang trỗi dậy.
4. Thu Thủy nói, thực ra đời người chỉ có ba câu hỏi cơ bản mà thôi: "Tôi là ai - tôi từ đâu đến - tôi đi về đâu. Tôi là một người đàn bà, một người mẹ. Tôi đến từ Việt Nam, cụ thể hơn là Hà Nội. Sâu xa, xưa cũ hơn nữa là quê hương khoa bảng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Có cơ hội ở nước ngoài, hoặc gần hơn thì Sài Gòn, nhưng tôi chỉ muốn ở Hà Nội mà không có lý do gì chính đáng. Con người tôi hôm nay là thành quả của toàn bộ quá khứ, và nó đang được hoàn thiện dần dần. Tôi muốn gắn bó với những thứ đã tạo nên mình. Bất hạnh nhất là không gốc gác, và tôi đang sống ngay trên nền móng đã tạo ra mình, mà nếu nhấc chân lên có lẽ là mình không còn giá trị?
Nguyễn Thu Thủy vốn là một hoa hậu ít lên báo nhất. Có người gọi cô là “hoa hậu ẩn mình”. Cô không phải người hướng ngoại, có lúc cô tự giam mình trong phòng và gọi đó là "bệnh sợ người". Cô nghĩ, người ta chẳng có lý do gì nhắc nhiều đến mình, cứ để cuộc sống bình thường và êm đềm như vậy. "Tôi cũng chỉ là một hoa hậu như một số người, một phụ nữ nuôi con một mình như nhiều người".
Nhưng thời gian qua cô tham gia mạng xã hội, xuất hiện nhiều trên báo chí. Cô đã để các giao tiếp xã hội can thiệp tới đời sống của mình nhiều hơn, và cảm thấy sự thú vị dội đến từ đa dạng. Mỗi người một thang giá trị riêng, cô để các giá trị của mình va chạm với giá trị của số đông, rồi quan sát và nghiền ngẫm chúng. Cô thích trở lại với niềm đam mê thành nhà ngoại giao như cô từng học, một nhà nghiên cứu như cha mẹ cô từng kỳ vọng, hay một luật sư để phản biện và bảo vệ, hoặc một nhà báo để lăn lộn đó đây. Ở tuổi 35, là phụ nữ mà vốn dĩ được coi là đẹp đã là thích rồi, nhưng cô nghĩ mọi thứ đều qua đi thôi, cái còn lại là tình yêu thương, nhân văn, các giá trị văn hóa. "Đến tuổi này mình mới nhận ra thế. Và nhích từng chút với nó".
Vương miện hoa hậu đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời một cô gái 18 tuổi. Và đến tuổi này, cô muốn sống thoải mái hơn như mình mong muốn, cố gắng để trung thực với chính bản thân mình và tất cả.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất