Hỏa hoạn tại chùa Bút Tháp: Đừng để cháy rồi mới... tiếc

28/08/2015 05:07 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Dù “chỉ” cháy một cấu kiện gỗ, vụ hỏa hoạn tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) vẫn khiến giới chuyên môn băn khoăn về một vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm qua: việc ngăn ngừa “bà hỏa” ở những di tích văn hóa, lịch sử.

1. Vụ cháy nói trên diễn ra vào rạng ngày 21/8, ngọn lửa được phát hiện tại gian giữa của Phủ thờ, nơi đặt tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Sau 15 phút, đám cháy này được dập tắt. Tuy nhiên, chiếc hương án gỗ trong gian thờ (được cho là có niên đại từ thế kỷ 17) bị hủy hoại hoàn toàn.

Đây là chiếc hương án có kích thước trên dưới 1,5 mét mỗi chiều, thuộc kiểu chân quỳ dạ cá, kỹ thuật chạm khắc tinh xảo tỷ mỷ với đề tài Tứ linh tứ quý. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là hương án cổ, quý vào bậc nhất thế kỷ 17 còn tồn tại.

Ngoài hương án, một số cấu kiện gỗ như cột, rui, kèo... trong trong gian thờ này bị ám khói hoặc tổn hại bề mặt ngoài. Đặc biệt, pho tượng cổ của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đặt gần hương án cũng bị cháy xém phần bệ tượng.

Hiện tại, phía quản lý chùa đang đề xuất tạm thời có biện pháp gia cố bệ các cấu kiện gỗ trong gian, để tránh nguy cơ đổ đè lên pho tượng này.


Hương án và khám thờ hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tại chùa Bút Tháp trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn

Dù chỉ dừng lại ở việc mất đi một cấu kiện cổ, nhưng vụ cháy tại chùa Bút Tháp không khỏi khiến người ta liên tưởng tới hàng loạt vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại các di tích cổ.

Điển hình là các trường hợp của chùa Dơi (Sóc Trăng), đền thờ Lê Lai (Thanh Hóa), chùa Tảo Sách (Hà Nội), phố cổ Hội An (Quảng Nam) hay chùa Hội Sơn (TP.HCM)... Đặc biệt, phố cổ Hội An bị “bà hỏa ghé thăm” 2 lần vào 2 năm liên tiếp (2012 và 2013).

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), các chuyên gia bảo tồn đều khẳng định: Nếu xảy ra hỏa hoạn, rất nhiều di tích cổ hiện nay sẽ rơi vào cảnh... bó tay đứng nhìn.

Điển hình, trong lần cháy di tích cấp quốc gia chùa Hội Sơn năm 2012. Vào thời điểm cháy, các tu sĩ ở đây đành bất lực nhìn ngọn lửa thiêu trụi hậu cung, chính điện, các bức tượng cổ và dòng đại tự “Vạn đức hồng danh” do vua Khải Định ngự ban.

Hoặc gần hơn, khi vụ cháy nhà Lang cổ xảy ra tại Bảo tàng văn hóa Mường (Hòa Bình) năm 2015, nhân viên tại đây đã dùng bình cứu hỏa dập lửa song bất thành. Trong khi đó, xe cứu hỏa lại không thể tiếp cận được vì lối ra vào quá nhỏ và dốc.

2. Theo ông Nguyễn Hoài Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), trước thực trạng phòng cháy chữa cháy ở các di tích hiện nay, cháy đành... chịu.

Lý do trước tiên của điều này lại đến từ đặc tính chung của các di tích: có nhiều cấu kiện bằng gỗ và quét sơn (dễ bắt lửa), thiết kế có tường bao và phân bố các cụm cấu trúc lệch nhau nên khó có đường vào, cũng như không gian không thật rộng, gây khó cho các xe cứu hỏa. Chưa kể, theo thời gian, phần gỗ tại những di tích này đều rất khô và dễ dàng bắt lửa khi hỏa hoạn xảy ra.

Trong một lần trao đổi với Thể thao & Văn hóa về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh từng tỏ ra rất lo ngại khi đề cập tới kích thước của các khuôn cửa ra vào trong nhiều di tích. Theo GS Thịnh, do di tích được xây dựng từ những thế kỷ trước, nên việc xe cứu hỏa tiếp cận được hiện trường nếu có cháy lớn luôn là bài toán nan giải.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, chuyên gia đình làng Việt chia sẻ: Vấn đề không chỉ là chữa cháy, việc phòng cháy ở các di tích hiện nay cũng rất lơ là. Dù rằng ở một số di tích ban quản lý đã hạn chế việc cắm nhiều hương song vẫn có quá nhiều đồ bắt cháy được ào ạt đưa vào các di tích.

Theo ông Bình, những đồ vàng mã, đèn, nến đều được đặt lên các hương án gỗ chứa đựng những ẩn họa với di tích. Bên cạnh đó, hệ thống điện ở nhiều di tích không được thiết kế khoa học và an toàn. “Qua nhiều chuyến điền dã, tôi thấy, việc hệ thống điện đấu lằng nhằng, qua quýt trong những khu di tích tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến chập, cháy” - ông Bình nói.

Quay trở lại vụ hỏa hoạn tại chùa Bút Tháp, theo báo cáo của Sở VH,TT&DL tỉnh, ở thời điểm cháy, trong chùa chỉ có một sãi, cùng 2 cháu nhỏ do nhà chùa nhận nuôi.

Ngoài ra, việc dập lửa cũng được thực hiện bằng phương pháp "thủ công" là... múc nước để dập. Có nghĩa, thay vì quá trông đợi vào sự bảo vệ của những cá nhân đang trực tiếp trông nom di tích, nên chăng ngành quản lý văn hóa cần có sự chủ động ngay từ đầu để tuyệt đối ngăn ngừa khả năng có thể xảy ra hỏa hoạn?

Sơn Tùng - Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link