16/02/2018 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Năm gì vẽ con đó là thói quen nghề nghiệp không thể bỏ của họa sĩ Lê Trí Dũng. Thói quen ấy thường bắt đầu từ trước Tết và năm nay cũng vậy, ông bắt đầu vẽ... chó – linh vật của năm Mậu Tuất từ trước Tết Dương lịch.
Nhưng khác với mọi năm là giam mình trong phòng vẽ, năm nay ông vẽ về... chó trên từng cây số vì bận phải “ruổi ngựa” chạy sô khắp nơi để chấm thi hoặc sáng tác. Vào những tháng “cao điểm” trước và sau Tết tây, ông “nay đây mai đó” ở các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh hoặc vào tận miền Trung như Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định...
Vẽ đàn chó chứ không vẽ... con chó
Đi đâu ông cũng mang theo đồ nghề để “hứng lên” là vẽ, trong đó có vẽ... chó dù không bao giờ ông coi việc Tết Nguyên đán đang cận kề là một áp lực. Với ông, vẽ là vẽ, đơn giản như cơm ăn, nước uống hàng ngày chứ không chứ không phải vẽ vì sự thúc bách của tiền bạc, danh tiếng và càng không phải vẽ để đặng “truyền bá những tư tưởng” cao siêu như nhiều người vẫn hay “áp đặt” cho một tác phẩm nghệ thuật (phải có tư tưởng, thông điệp gì đó).
Ông là một người cởi mở, thẳng thắn và chan hòa. Vẽ xong bức nào, ông đều “số hóa” lại bức ấy và đăng lên facebook “chia vui” với đồng nghiệp, bạn bè... Trong vòng một tháng qua, kể từ ngày khai bút, đã có hàng chục bức tranh về chó được ông cập nhật trên trang cá nhân, nhận được rất nhiều “lời hay, ý đẹp” và lượt chia sẻ của người xem.
Cũng giống như những lần vẽ con giáp của các năm trước đó, chất liệu họa sĩ Lê Trí Dũng dùng để vẽ chó vẫn là những tấm bìa các-tông và màu chủ đạo vẫn là acrylic, nhũ bạc...
Nhìn chung, nét vẽ của Lê Trí Dũng không quá cầu kỳ, hay nói cho đúng hơn là ông vẽ... thật: Thật duyên, thật mộc, thật tự nhiên và phóng khoáng.
Có lẽ vì thế mà linh vật của năm Mậu Tuất trong mỗi bức vẽ của ông nổi lên với những gam màu tươi tắn, nhiều chỗ cho thấy sự cứng cáp, khỏe khoắn, nhiều chỗ lại rất đỗi mềm mại, gần gũi và đáng yêu...
Chỉ có điều khác khi ông vẽ linh vật Mậu Tuất là ông không vẽ CON CHÓ mà hầu hết là ĐÀN CHÓ.
Ông giải thích: “Các hoạ sĩ Việt Nam ngày nay một số người có thói quen năm hết Tết đến thường hay vẽ các con vật biểu tượng cho năm đó theo địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Trong 12 con vật đó, theo con mắt nghệ thuật tạo hình thì có con dễ vẽ, dễ đẹp và ngược lại... và tranh pháo năm bán được, năm khó bán vì người mua ngoài trình độ hiểu biết về hội họa còn kén chọn về ý nghĩa tâm linh...
Thí dụ con Ngựa rước về vì nó hàm ý “mã đáo thành công”, con Lợn biểu thị sự no đủ, con Rồng biểu thị sự thăng hoa, con Trâu biểu thị sự chăm chỉ... Và cũng theo dòng tìm tòi, các hoạ sĩ thể hiện các con vật ra những hình tượng khác nhau rất phong phú.
Bản thân tôi luôn nâng cao yếu tố sinh sôi nảy nở khi vẽ con chó! Người ta hay nói đàn chó chứ ít dùng con chó. Đàn chó cũng là biểu tượng cho hạnh phúc sum vầy và no đủ...”
Bỏ ăn thịt chó, thích nuôi… chó đá
Từ chuyện vẽ tranh chó, nhân năm Tuất sắp về, họa sĩ Lê Trí Dũng cũng xoay qua những câu chuyện liên quan đến loài vật này. Ông bảo, trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, chó là con vật gần gũi thân thiết với con người nhất, nó được coi là biểu tượng đem lại sự may mắn cho con người. Nếu như con chó thật là con vật phù trì cho phần dương thì con chó đá là vật canh giữ phần âm!
“Trong dân gian hầu như tất cả các tỉnh trên đất nước ta, rất nhiều nơi thờ chó đá” – họa sĩ Lê Trí Dũng nói. “Nhân dân gọi chó đá là Thần Cẩu, Quan Lớn Hoàng Thạch... Chó đá được thờ cúng thường xuyên như một tín ngưỡng cầu mong đem lại an ninh làng xóm, mùa màng tốt tươi... Có những xứ tận Trường Sơn của đồng bào Pa Cô, đồng bào Cơ Tu... dân vùng đó không ăn thịt chó, coi nó như một vị thần! Câu ngạn ngữ: “Mèo vào nhà thì khó, chó vào nhà thì sang” phần nào nói lên điều đó...”
Cũng chính bởi lẽ đó, Tết đến, người dân Việt Nam thường đặt chó đá trước cửa nhà, cổng làng, cổng đình, đền... thói quen đó đã trở thành một phong tục tốt đẹp trong dân gian. Và chính họa sĩ Lê Trí Dũng cũng “bố trí” một cặp chó đá án ngữ ngay lối vào nhà mình hơn 10 năm qua như là một minh chứng cho một “tập tục” được truyền thừa kể trên.
“Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, nhiều đại gia xây dinh thự mới muốn khoe mẽ thường hay thuê, mua đặt những con sư tử “ngoại” bằng đá trước cổng doanh nghiệp, cổng tư dinh như một sự biểu dương sức mạnh ăn nên làm ra! Nhưng họ có biết đâu, sư tử đá sinh ra chỉ để làm một chức năng: canh giữ các lăng mộ...” - họa sĩ Lê Trí Dũng nói.
Lái sang cái gọi là “văn hóa ăn thịt chó” ở Việt Nam, ông “thú thật” trước đây ông “rất khoái” món này, nhưng cũng đã “cai thịt chó” được rất lâu rồi. Ông cho rằng việc đã có lúc dư luận, thậm chí là một số tổ chức động vật quốc tế phản đối, kêu gọi ngừng ngay việc giết mổ và ăn thịt loài động này là hoàn toàn có lý và nên ủng hộ.
“Khoảng 10 năm về trước, suốt một dải đất Nhật Tân có tới hàng trăm nhà hàng thịt chó” – ông kể - “Nhiều nơi khác cũng thế. Vì thế nên nạn trộm chó tăng rất nhanh. Từ trộm chó đến giết kẻ trộm chó rất gần nhau, thế là thành giết người!
Trong Đạo Phật rất kiêng thịt chó, ngoài cửa Âm Phủ thường có một tượng con chó bảy mào đứng gác. Nó đón những người mới chết nhập hộ khẩu vào sổ Âm Tào trước khi vào gặp Phán Quan và Diêm Vương. Những ai lúc sinh thời trên “cõi dương” mà ăn thịt chó sẽ bị nó cắn xé không cho vào! Nhà tôi cũng từng nuôi vài con chó, có hai con chết vì bệnh và chết già đều được gia đình mai táng cẩn thận, sạch sẽ! Có con bị ốm được ăn phở, tiêm thuốc bệnh. Quả thực, con chó đã như một thành viên trong nhà, chăm chỉ cần cù bảo vệ an ninh! Rất thân thương...! Bây giờ, nhà tôi chỉ nuôi hai con chó... đá! Dù là chó đá, nhưng mà lạ thay, từ ngày có nó, bọn trộm không thấy lai vãng. Hoặc cũng có thể trộm biết nhà hoạ sĩ chả có quái gì để... trộm cả”.
Nói rồi ông cười lớn, làm rung cả bức “Kim khuyển vọng thái dương” hẵng còn thơm mùi mực trên tay!
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất