Họa sĩ Thành Chương: Thời nay đàn ông hơi bị kém!

26/05/2012 07:01 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Thần đồng của hội họa Việt Nam từ năm 6 tuổi, họa sĩ giàu có nhất nhờ bán tranh, tranh được bán ra nước ngoài nhiều nhất, ông chủ của bảo tàng không gian Việt nổi tiếng nhất…, bỗng dưng trở thành “MC lắm chuyện”, “chuyện nào cũng độc” của chương trình Mỹ Linh-Và em sẽ hát, và luôn là người đàn ông ga lăng sẵn sàng xách túi cho vợ trong bất cứ trường hợp nào. 



Người đàn ông thích vẽ…mặt mình

* Nếu không có “nghề mới”- làm MC cho chương trình Mỹ Linh-Và em sẽ hát, thì không mấy khán giả biết anh thân thiết với diva như thế, hơn cả thân, mà còn biết tuốt ngóc ngách của “nhà ấy”, trong khi hình như Linh chả biết vẽ, còn anh thì cũng không máu mê ca hát.

- Hai anh em chơi với nhau từ rất lâu rồi. Tôi quý Linh vì thấy cô bé hiền lành, hát hay mà cuộc sống (khi đó) lại rất vất vả. Linh coi tôi như người anh lớn, việc gì cũng hỏi ý kiến. Bản thân tôi cũng xem Linh như em gái, thường xuyên khuyên bảo cô ấy từ chuyện công việc đến chuyện tình cảm, gia đình.

Hồi Linh vào Sài Gòn chuẩn bị diễn chương trình Duyên dáng Việt Nam 5, tháng 4/1997 (chương trình được xem là bệ phóng quan trọng cho Mỹ Linh trên con đường trở thành ngôi sao số một của thị trường ca nhạc những năm 1997-1998-TT&VH), ban đầu cô ấy định chọn một bài khác để trình diễn chứ không phải Trên đỉnh phù vân. Tôi nhớ hôm đó Linh rủ tôi và Dương Minh Long (nhiếp ảnh gia, một người bạn thân khác của Mỹ Linh trong thời kỳ này) ra quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ. Linh nói nhạc sĩ Phó Đức Phương mới có một bài hay, lạ lắm, và hát thử. Nghe xong tôi khuyên Linh nên thể hiện ca khúc này trong Duyên dáng Việt Nam, nó sẽ là một bước tiến so với thời kỳ nồng nàn của Chị tôi, Hà Nội đêm trở gió.

Ngay cả chương trình này (Và em sẽ hát), hôm diễn ở Hà Nội, tiết mục Linh hát chung với cậu ca sĩ Hàn Quốc (ca sĩ Im Tea Kyung, ngôi sao dòng nhạc bán cổ điển của xứ Kim chi), khi xem Linh tập tôi có cảm giác “hơi quá”. Cũng giống như hồi Linh hát chung với Uyên Linh, ở vị trí của Linh rất dễ mất điểm, hát bình thường thì bị người ta chê, mà hát “sung” quá cũng bị người ta nói. Hát làm sao để người nghe có cảm giác không phải mình đang phô diễn- trong nghệ thuật đẳng cấp chính là sự liều lượng. Quá thân, nên tôi cũng phải nói với Linh điều này và cô ấy hiểu.

Còn những chuyện tôi nói trên sân khấu về Mỹ Linh và Anh Quân tất cả đều thật 100%. Cuộc sống mà, không hề đơn giản. Bản thân Mỹ Linh lại là con người cá tính mạnh mẽ. Để có được sự nghiệp, gia đình, cuộc sống như bây giờ, cô ấy phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Ngay cả tình bạn trong sáng, hoàn toàn trong sáng của hai anh em chúng tôi mà nhiều khi cũng có lời đồn đại, dị nghị này khác. Có người đơn đặt nhiều chuyện vì không tin vào tình cảm anh em, bạn bè đẹp như vậy. Như ý tưởng tôi làm MC chương trình lần này cho Mỹ Linh là của Anh Quân đấy chứ!



Mỹ Linh xúc động với những câu chuyện rất thật của MC Thành Chương trên sân khấu.

* Vậy khi Mỹ Linh quyết định bỏ “đỉnh phù vân” để hát một thứ nhạc “dậm dựt” thì anh can ngăn hay ủng hộ?

-Đã lên đỉnh đi ra đi vào thì buồn cười lắm chính là lời tôi nói với Mỹ Linh lúc ấy. Cái gì thực sự là nghệ thuật thì sẽ trường tồn. Chị tôi, Hà Nội đêm trở gió, Trên đỉnh phù vân,… đúng là một đỉnh cao của Linh. Sự nghiệp đang lẫy lừng mà quyết định thay đổi dòng nhạc, là quyết định cực kỳ quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn. Hồi ấy, nhiều người biết tôi thân với Linh, gọi điện cho tôi bảo, ông xem khuyên nó thế nào, đường quang không đi lại đâm quàng vào bụi rậm. Có người còn bảo làm thế là xúc phạm tới khán giả, chúng tôi đang đắm đuối với những bài hát ấy, sao cô lại đùng đùng bỏ đi…, nói chung là rất nặng nề.

Trong giai đoạn đó, Linh luôn nói là không hề hoang mang, nhưng tôi chắc là cũng có lúc…Hiếm có ca sĩ nào dũng cảm và gặp may mắn như Mỹ Linh. Từ bỏ cái mình thấy cũng hay là một điều rất khó khăn, Linh là đứa cương quyết. Nhưng nếu không gặp Anh Quân thì việc chinh phục cái mới cũng khó đấy.

* Cũng có thể hiểu là: nếu không gặp Anh Quân, thì cũng không nên vội vàng thay đổi phải không ạ?

- Ai có bản lĩnh cũng không muốn ngồi yên một chỗ. Nhưng đời rất khắc nghiệt, không phải cứ muốn là được. Muốn nhưng không có tài, không đủ tài mà không chấp nhận điều đó, cứ múa may quay cuồng đòi thay đổi, sẽ chẳng tới đâu. Lại có khi cái mới không bằng cái cũ, nói chung mọi sự thay đổi đều đầy bất trắc, có khi còn rơi xuống vực! Phải là người bản lĩnh và may mắn thì có người bên cạnh làm chỗ dựa. Việc Mỹ Linh gặp Anh Quân, thì như tôi nói, đó là sự may mắn.

* Có người nói ông Thành Chương vẽ mãi chẳng thấy thay đổi, vẫn bố cục đấy, vẫn nội dung đấy…

- Người ta thường thay đổi để tìm phong cách. Nhiều họa sĩ khi đã hình thành phong cách thì từ đó tới chết vẫn trung thành với phong cách đó. Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm là những ví dụ. Pollock cả đời chỉ vẽ trừu tượng…Hầu hết các nghệ sĩ đều như vậy. Thay đổi để chiếm lĩnh hết đỉnh cao này tới đỉnh cao khác, thì trên thế giới này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Picasso là một trường hợp “kinh khủng”, ông vẽ hiện thực, lập thể, trừu tượng,…, lĩnh vực nào cũng vẽ tới đỉnh cao mà vẫn ra ông ấy.

Tôi chơi với nhiều ca sĩ, nhưng trường hợp “thành công hai lần” như Mỹ Linh là hiếm, và như đã nói, có cả yếu tố may mắn.

* Trên sân khấu Cung văn hóa Hữu Nghị, anh bảo: Thuyền có thuyền trưởng, lớp có lớp trưởng, nên ở nhà phải có gia trưởng. Hóa ra anh ủng hộ chuyện gia trưởng à?

- Quan niệm gia trưởng hiện nay, theo tôi, đang bị hiểu sai. Nó thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực là độc đoán, là bắt vợ phải nghe theo… Thực ra cốt lõi của gia trưởng nghĩa là người đàn ông phải là trụ cột trong gia đình. Nếu không có thuyền trưởng, lớp trưởng, nhạc trưởng,… thì thử hỏi ai sẽ là trụ cột trên thuyền, trong lớp và trong dàn nhạc ? Nghĩa tích cực của chữ gia trưởng ít được người ta để ý…

* Như vậy có phải là anh đang trở lại với quan niệm phong kiến trước kia không: đàn ông là trụ cột, vậy còn phụ nữ?

- Tôi nghe có người nói đàn ông là cái đầu, nhưng đàn bà là thứ điều khiển cái đầu cơ, họ là cái…cổ ! Người đàn ông làm trụ cột trong gia đình có nghĩa anh là người chịu trách nhiệm về tinh thần và vật chất của gia đình. Mục đích cao nhất của người đàn ông là chăm lo cho vợ con sung sướng về vật chất lẫn tinh thần, đó mới là người đàn ông thành đạt… Để vợ con vất vả, khổ sở thì anh phải chịu trách nhiệm.

*Bản thân anh thì sao?

- Từ trước tới nay trong gia đình tôi phải là trụ cột. 



Vợ chồng Thành Chương- Ngô Hương luôn sánh đôi trong các sự kiện văn hóa mà họ tham dự. Ngô Hương cũng là người tháp tùng ông chồng nổi tiếng trong chuyến xuyên Việt làm MC của anh.

* Chiểu theo quan niệm của anh, anh thấy đàn ông thời nay thế nào?

- Thời kỳ này, tôi thấy đàn ông hơi kém ! Kém trong nhiều lĩnh vực. Xã hội thời nay xảy ra quá nhiều những bi kịch gia đình, chính vì sự kém của đàn ông.

* Thế nhưng nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có lần nửa đùa nửa thật chỉ tôi bảo phụ nữ các cô thời nay không biết làm vợ nên mới để xảy ra các bi kịch gia đình đấy!

- Cũng có thể. Nhưng tôi thì nghĩ, trước hết chồng chưa xứng đáng làm chồng.

* Anh có nghĩ lý do vì sao lại thế không?

-Tôi chưa nghĩ sâu xa chuyện này. Có thể trước đây người phụ nữ bị trói buộc cuộc sống trong phạm vi gia đình, nay phụ nữ có nhiều cơ hội phát triển, phát triển đến chóng mặt đấy. Tới một giai đoạn giữa đàn ông và đàn bà mọi thứ gần như ngang nhau, đàn ông nhiều khi cảm thấy mình thua tới nơi, phải tìm cách chứng tỏ mình, mà càng chứng tỏ thì càng kém…

* …và khi ấy thì nhiều phụ nữ trở thành trụ cột…

- Trong gia đình mà phụ nữ làm trụ cột thì chán lắm, điều ấy không thuận với ý giời!

 Không hiểu sao đàn ông thích uống bia hơn về nhà!

* Ngoài vẽ, anh có thú vui gì khác?

- Thú vui hiện giờ của tôi là gia đình. Là về nhà chơi với con, xem đá bóng và xem phim tại nhà. Bây giờ tôi không còn thích đi du lịch nữa. Đi vì công việc, nhưng chỉ mong nhanh chóng về nhà. Đương nhiên đó phải là nhà, là gia đình mà mình thích về. Lâu lâu bạn bè, cũng đều là các gia đình, nhà Dũng Nhi (diễn viên điện ảnh Dũng Nhi), Tuấn Tít (quay phim Nguyễn Hữu Tuấn), Hữu Bảo-Như Quỳnh, lại quây quần với nhau. Thú thực, tôi không hiểu vì sao nhiều người đi làm về lại không muốn về nhà, ra quán bia ngồi từ sáng tới tối!

* Không phải ai cũng có ngôi nhà và gia đình mà họ muốn về…

- Có lẽ như thế.

* Nhưng mọi thứ đều rút hết về nhà, kể cả coi đá bóng và xem phim. Nghe chừng có mùi…tuổi tác?

- À, cũng có thể. Tôi vốn là fan cực kỳ mê bóng đá, trước đây hầu như chưa bỏ buổi nào trên sân Hàng Đẫy, có lần còn suýt bỏ mạng ngay trên sân… Nhưng từ ngày có chuyện bán độ, bạo lực…, tôi chán và bỏ hẳn bóng đá Việt Nam. Lắp K+ để xem chẳng thiếu trận quốc tế nào. Với tôi xem bóng đá là để thưởng thức cái hay, cái đẹp, tôi không xem được thứ bóng đá xấu. Xem phim Việt Nam những năm trước cũng xấu hổ. Dạo gần đây mới coi lại mấy phim có quay bối cảnh ở Việt phủ, như Ngọc viễn đông, Thiên mệnh anh hùng, thấy hình như có khá hơn trước.

* Khá hơn trước nhiều chứ, có lẽ bởi anh ít quan tâm tới bên ngoài quá nên không nhận ra. Thế còn bên mỹ thuật của anh thì sao ạ?

- Mấy năm nay do công việc (họa sĩ Thành Chương là thành viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch ngành đồ họa- TT&VH) nên tôi xem nhiều, dự nhiều các loại triển lãm, cá nhân lẫn nhóm…, cả ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Buồn là mỹ thuật của ta vẫn không thoát khỏi tình trạng nghiệp dư, họa sĩ đa phần sống bằng nghề khác, chứ không phải bằng vẽ tranh !

* Còn anh thì vẫn là “Họa sĩ bán tranh nhiều nhất Việt Nam” chứ ?

- Hiện nay tôi vẫn sống bằng bán tranh, tuy không nhiều bằng thời kỳ “đỉnh cao”, không bán rộng rãi như trước theo kiểu gallery nào cũng bán, nhưng tôi vẫn sống hoàn toàn bằng việc bán tranh. Bản thân tôi cũng đang cố gắng đi tới sự chuyên nghiệp bằng cách 2 năm liền không bán bức nào cho các gallery để họ bán “vãn” tranh tôi đi đã, sau đó chủ động rút việc bán tranh tập trung vào 2-3 gallery, mỗi gallery chỉ bán một loại kích thước tranh và có những tranh chỉ bán tại nhà. Tôi gọi đùa việc này là “qui hoạch lại” thị trường tranh. Nhưng cũng nhờ “qui hoạch lại” mà giá tranh lại được nâng lên, ngay cả vào thời điểm kinh tế khó khăn toàn cầu này. Và 1-2 năm trở lại đây, khách hàng là người Việt càng ngày càng nhiều hơn.

* Chứ không phải vì họa sĩ nhàn rỗi quá mà nhận lời làm MC ca nhạc?

- (Cười) Nghề của tôi là vẽ. Làm MC chương trình này chỉ là vui, là nể bạn bè. Thế mà cũng đã có mấy nơi í ới mời rồi đấy. Tôi phải từ chối ngay.

* Thế còn nếu có lời mời làm giám khảo, như Bước nhảy Hoàn vũ hay Tìm kiếm tài năng Việt Nam chẳng hạn?

- Thôi, thôi, không bao giờ!


Vân Hạc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link