19/05/2014 07:07 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - 5 năm sau khi thực hiện bộ tranh 79 mùa xuân, họa sĩ Trần Mai đang sống với bức tranh thứ 80 về Hồ Chủ tịch - tác phẩm mà ông vẽ để giữ cho riêng mình.
Khi ấy, lão họa sĩ Trần Mai bước sang tuổi 78. Số tranh tại triển lãm được ông vẽ mới hoàn toàn trong 3 năm trời. Nhưng trước 3 năm sáng tác ấy là chuỗi thời gian 15 năm trời đằng đẵng để ông chuẩn bị tư liệu, tìm kiếm ý tưởng và có thêm sự tự tin cho mình.
Bộ tranh 79 mùa xuân
Năm 2009, vào ngày 12/9, họa sĩ Trần Mai tổ chức cuộc triển lãm 79 bức tranh về Hồ Chủ tịch với cái tên 79 mùa xuân. Và đến giờ, giới mỹ thuật cũng chưa một họa sĩ nào tổ chức triển lãm về Bác Hồ với số tác phẩm đạt kỷ lục như vậy.
"Cảm hứng về Ông Cụ thì bao giờ cũng có. Nhưng ngược lại, chính tình cảm và sự tôn kính về Người lại khiến tôi luôn lo lắng và khó hài lòng khi vẽ " - họa sĩ nói. 79 tác phẩm tại triển lãm khi đó đều là tranh bột màu. Không giống những họa sĩ trẻ thường sử dụng kĩ thuật đồ họa hiện đại trên máy tính khi vẽ về Bác, họa sĩ Trần Mai thực hiện tất cả những bức tranh ấy bằng các nét vẽ tay. Ông bảo cách làm ấy hợp với sự trau chuốt, tỉ mỉ sẵn có của mình, cũng như hợp với cảm xúc dâng cao của ông khi vẽ Bác.
Về hưu từ thập niên 1990, họa sĩ Trần Mai đã đau đáu nghĩ tới việc thực hiện một triển lãm về Hồ Chủ tịch với số lượng 79 bức - bằng đúng số tuổi của Người. Hàng trăm bức tranh cổ động mà ông từng vẽ về Bác trong những năm trước đó vẫn là không đủ với cảm hứng của người nghệ sĩ già ấy. "Tôi sinh năm 1931 và đã sống qua chuỗi ngày trước Cách mạng, cũng như sống qua quãng thời gian chống Pháp và chống Mỹ. Mỗi lần so sánh những tháng năm ấy với cuộc sống đang diễn ra bây giờ, tôi lại ứa nước mắt vì thương và biết ơn Người" - họa sĩ giải thích ngắn gọn về sự say mê của mình.
Từ hàng trăm bức ảnh tư liệu sưu tầm được, Trần Mai đã lựa chọn 79 khoảnh khắc xúc động nhất trong cuộc đời Hồ Chủ tịch để thực hiện loạt tranh của mình. Từ cảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, cảnh Nguyễn Ái Quốc ở đại hội Tua cho tới cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc rồi về Hà Nội..., tất cả những bức tranh ấy đều sử dụng gam màu chủ đạo đỏ nâu để khắc họa hình ảnh một lãnh tụ, một danh nhân văn hóa thế giới nhưng lại rất gần gũi, bình dị và hòa đồng.
Và bức tranh thứ 80
Sinh năm 1931 tại Thái Bình nhưng Trần Mai gắn bó với Hà Nội từ nhỏ. Cụ thân sinh ra ông có một cửa hiệu vẽ bảng hiệu và biển quảng cáo. Bởi vậy, chút hoa tay được thừa hưởng đã giúp Trần Mai theo học một khóa năng khiếu tại Trường Mỹ thuật Đông Dương từ nhỏ. Rồi cứ thế, kể từ sau 1954, ông trở thành một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh cổ động của Sở Bưu điện Hà Nội. Hàng trăm mẫu tranh cổ động trong thời kỳ chống Mỹ, trong các Đại hội lớn cùng một số lượng khổng lồ các mẫu tem thư đều được thực hiện bởi ông.
Bây giờ, trong ngôi nhà nhỏ ở phố Cửa Nam của họa sĩ, một bức tranh sơn dầu về Hồ Chủ tịch vẫn được treo rất trang trọng. "Nhiều người tới thăm, hỏi mua nhưng tôi không bán. Bởi, đây là tác phẩm tôi vẽ cho mình, để mình hằng ngày được chiêm ngưỡng trong những năm cuối đời"- họa sĩ lặng lẽ nói.
Thực hiện bức tranh sơn dầu khổ lớn này, họa sĩ Trần Mai đã vẽ đi, vẽ lại không biết bao nhiều lần. " Tôi không nhớ là mất bao nhiêu tháng nữa. Cứ không ưng là bỏ đi làm lại, rất nhiều" - họa sĩ kể. "Vì, vẽ Hồ Chủ tịch khó nhất là cách thể hiện phong thái của Người. Khuôn mặt, nụ cười, dáng ngồi, đôi tay... là những chi tiết phải trau chuốt từng chút một".
Bức tranh ấy giúp họa sĩ đi qua một quãng thời gian khó khăn nhất trong đời mình. Rồi, Tết 2014, một cơn tai biến khiến ông nằm trên giường bệnh vài tháng. Bây giờ, đôi tay của họa sĩ Trần Mai vẫn còn run. Ông thở dài, nói với TT&VH rằng không biết tới thời điểm nào trong tương lai, mình mới có thể vẽ thêm một bức tranh nữa về Hồ Chủ tịch. Vừa nói, vừa ứa nước mắt. Giống như lời ông kể rằng vẫn ứa nước mắt, mỗi khi nhìn lên bức chân dung về Hồ Chủ tịch đang treo ở giữa nhà...
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất