Họa sỹ Vũ Giáng Hương cả đời cống hiến cho sáng tạo nghệ thuật

15/10/2019 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 15/10, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú,  họa sỹ Vũ Giáng Hương (1930-2019).

Nhớ họa sĩ Vũ Giáng Hương: Hạnh phúc là họa sĩ

Nhớ họa sĩ Vũ Giáng Hương: Hạnh phúc là họa sĩ

Họa sĩ Vũ Giáng Hương qua đời hồi 3h30 ngày 20/8/2011. Bà là họa sĩ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học nghệ thuật hơn 50 năm qua. TT&VH giới thiệu bài viết của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng về bà.

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, họa sỹ Vũ Giáng Hương sinh ngày 23/1/1930 tại Hà Nội, tại xã Đông Cao, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Bà từng là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bà mất năm 2011.

Đam mê hội họa, họa sỹ Vũ Giáng Hương theo đuổi đến cùng sự nghiệp học tập gắn với những thăng trầm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Họa sỹ Vũ Giáng Hương đã tham gia khóa học mỹ thuật tại khu 4 ở Thanh Hóa năm 1950. Sau đó, bà tiếp tục học khóa ngắn hạn tại Trường Mỹ thuật kháng chiến Việt Bắc năm 1952 do họa sỹ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm giảng dạy.

Giai đoạn 1955-1957 bà  tiếp tục theo học khóa giảng dạy mỹ thuật mang tên họa sỹ Tô Ngọc Vân của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1957-1962 bà học khóa I, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các họa sỹ tên tuổi như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Tạ Thúc Bình…

Chú thích ảnh
Họa sỹ Vũ Giáng Hương. (Ảnh chụp năm 1996)

Học chuyên khoa lụa và khắc gỗ, nhưng với sự đam mê sáng tạo, họa sỹ Vũ Giáng Hương sáng tác trên nhiều chất liệu của mỹ thuật như sơn dầu, acrylic, bột màu, thuốc nước, khắc gỗ. Bà đã đi thực tế ở hầu hết các vùng nông thôn, đồng bằng, miền biển, vùng núi Bắc Bộ, có nhiều sáng tác về phong cảnh, con người với đặc trưng sinh hoạt, văn hóa nơi đây.

Trong những năm kháng chiến ác liệt, bà đã vào tận chiến trường Thanh Hóa, Quảng Bình, đường Trường Sơn để ký họa và sáng tác. Đó là tư liệu quý giá góp phần vào thành công trong sự nghiệp sáng tác của bà về đề tài chiến tranh. Đặc biệt là tranh lụa và tranh khắc gỗ của bà mang phong cách hiện thực, thể hiện sự quan sát, nghiên cứu, xây dựng kỹ về bố cục, hình tượng với phong cách khỏe khoắn nhưng cũng đầy sự nhẹ nhàng, tinh tế và lãng mạn trong bút pháp...

Họa sỹ Vũ Giáng Hương cũng đã bỏ nhiều công sức  xây dựng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đào tạo các thế hệ sinh viên và tiếp tục sáng tác không mệt mỏi.

Chú thích ảnh
Một tác phẩm của họa sỹ: "Đôi chim bồ câu", khắc gỗ, năm 1959

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương khẳng định: Họa sỹ Vũ Giáng Hương là một trong những nữ họa sỹ sáng tác liên tục và có nhiều tác phẩm thành công về đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng người phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu, gia đình, trẻ thơ trên nhiều chất liệu khắc gỗ, lụa, acrylic. Bên cạnh đó, bà còn có nhiều ký họa không dừng ở mức độ ghi chép, lấy tài liệu, mà rất nhiều tranh trong số đó đã được bố cục hoàn chỉnh với màu sắc, bút pháp phóng khoáng tràn đầy sức sống, cảm xúc của tác giả.

Họa sỹ Vũ Giáng Hương nhiệt tình trong công tác xã hội. Bà tham gia công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bà liên tục tham gia Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 31 năm, từ khóa I -IV; được bầu làm Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa IV (1994-1999). Từ năm 2004-2010, bà đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trong suốt quá trình giảng dạy, sáng tác, họa sỹ Vũ Giáng Hương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Bà cũng giành được nhiều giải thưởng về mỹ thuật, đặc biệt là vào năm 2001, bà được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1) cho các tác phẩm: Hợp tác xã đánh cá, Cầu Hàm Rồng, Tổ thông tin Trường Sơn, Hành quân qua Trường Sơn, Bếp lửa Trường Sơn, Bản Thái mùa hạ, Nhà trẻ ở Tây Bắc.

Có thể nói, họa sỹ Vũ Giáng Hương là một tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên, đó là một phụ nữ nhân hậu, một tâm hồn trong sáng, giàu nghị lực, luôn sống hết mình cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật...

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link