27/04/2022 21:31 GMT+7 | Tin tức 24h
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư sân bay Long Thành, các nhà thầu đang huy động hàng nghìn phương tiện, nhân lực thi công 3 ca hạng mục san nền, thoát nước và đóng cọc nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Về san nền thoát nước, liên danh nhà thầu đã đào, đắp được 6,6 triệu m3 đất, vượt tiến độ với khối lượng lớn. Với hạng mục đóng cọc nhà ga hành khách, sau gần 1 tháng thi công, liên danh nhà thầu đang tiến hành đóng cọc thử và chuẩn bị thi công đại trà, đảm bảo hoàn thành trong tháng 10/2022.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, sân bay Long Thành cần diện tích đất 5.000 ha; trong đó, giai đoạn 1 trên 2.500 ha. Với mặt bằng giai đoạn 1, đến nay tỉnh đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 2.200 ha (đạt hơn 86%). Diện tích còn lại, Đồng Nai đã hoàn thành các thủ tục đền bù, hỗ trợ, vàđầu tháng 5 tới sẽ bàn giao cho chủ đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án, phấn đấu cuối tháng 6/2022 bàn giao toàn bộ mặt bằng sân bay Long Thành.
Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh những công việc đang triển khai, ACV cần tập trung triển khai các phần việc tiếp theo, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tháng 10 và tháng 12/2022 khởi công xây dựng phần thân nhà ga hành khách và đường băng cất hạ cánh sân bay Long Thành.
"Quá trình thi công sân bay Long Thành, các đơn vị liên quan đặc biệt chú ý đến chất lượng công trình. Ban quản lý dự án tăng cường giám sát các nhà thầu, cần thiết thì lắp đặt camera trên công trường, tránh tình trạng cắt xén, trục lợi trong quá trình thi công dự án. Các nhà thầu yếu kém, thi công chậm tiến độ phải được thay thế", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai phải bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 sân bay Long Thành trong tháng 5 tới, bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước ngày 30/6/2022. Để làm được điều này, tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của dự án, qua đó tạo sự đồng thuận trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Cũng trong chiều 27/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng Đoàn công tác Chính phủ kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài 99km với 4 gói thầu. Hiện nay, 3 gói thầu cơ bản đáp ứng tiến độ, riêng gói thầu số 1 (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận) đang chậm tiến độ, mới hoàn thành khoảng 40% khối lượng công việc.
Để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, những tháng gần đây, liên danh nhà thầu đã tổ chức thi công 2 ca liên tục, một số mũi thi công 3 ca. Nhà thầu cũng đã ký cam kết với chủ đầu tư tiếp tục huy động thêm máy móc, thiết bị, tăng cường mũi thi công. Chủ đầu tư đang giám sát cam kết của các nhà thầu, đến hết ngày 30/4, nhà thầu nào thực hiện không đầy đủ cam kết sẽ có giải pháp cắt chuyển khối lượng.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là dự án có vai trò rất quan trọng, góp phần kết nối giao thông khu vực phía Nam và cả nước. Các đơn vị liên quan phải thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo đưa cao tốc vào khai thác cuối năm 2022 như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Công Phong/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất