27/04/2011 14:04 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Làm thế nào để cứu hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ trước nguy cơ bị tác động trong nay mai là chủ đề được Hội Những người yêu Ba Bể mang ra “kêu cứu” với báo chí chiều 26/4.
1. Thay mặt Hội Những người yêu Ba Bể, Tổng Thư ký Hội, nhà thơ Dương Thuấn cho biết, lý do để ông và một số người khác trong Hội như GS.TS Chu Hảo, GS.TS Phạm Vĩnh Cư, GS.TS Đặng Hùng Võ, TS Trương Văn Lã... “kêu cứu” cho hồ Ba Bể là vì trong tháng qua, ông đã nhận được rất nhiều đơn đề nghị với hàng trăm chữ ký đại diện cho các gia đình của người dân các bản (thuộc xã Quảng Bạch và xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn) gửi tới Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội đề nghị kêu gọi chấm dứt khai thác các mỏ quặng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân các dân tộc và nguy cơ bồi lấp hồ Ba Bể.
GS Đặng Hùng Võ (giữa) cùng đoàn đi khảo sát tại mỏ sắt Pù Ổ
Nhà thơ Dương Thuấn cho biết: “Trước đây tôi đọc tài liệu của Thủy văn tỉnh Bắc Thái đo đạc, thì hồ Ba Bể có tổng chiều dài 11km, nhưng đợt vừa rồi tôi hỏi anh Nông Thế Diễn, GĐ Vườn quốc gia Ba Bể thì anh cho biết chỉ còn hơn 8km. Chiều sâu của hồ trước kia là 45m thì nay chỉ ước chừng sâu khoảng 25m(?)...”.
Tất nhiên những con số nói trên cần phải kiểm tra lại. Nhưng những dấu hiệu bị bồi lấp là có, chỉ có điều mức độ như thế nào thì chưa thể kết luận. Vì đâu lại dẫn đến hậu quả nhãn tiền này? Ông Thuấn nói: “Vài năm nay, một công ty đã khai thác đá trắng thạch anh trong vùng cấm nghiêm ngặt của Vườn quốc gia thuộc địa phận xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Trong thời gian tới sẽ có thêm hai công ty nữa cũng khai thác vào vùng cấm đặc biệt nghiêm ngặt, nếu vậy đất cát do việc khai thác quặng đào lên sẽ trôi xuống hồ ngày một nhiều hơn và tốc độ nước hồ bị ô nhiễm sẽ nhanh hơn. Và khi đó chúng ta sẽ mất hồ Ba Bể vĩnh viễn”.
Ông Thuấn cho biết, hiện Hội những người yêu Ba Bể đang thu thập tài liệu, đo đạc, thu thập chứng cứ, làm hồ sơ “kêu cứu” với các cấp.
Nước theo suối Pó Lù chảy về hồ Ba Bể
Ông Đặng Hùng Võ kể một chi tiết: “Toàn bộ chất thải khai thác không qua bể lắng nào cả mà cứ thế đổ thẳng vào hồ Ba Bể. Khi chúng tôi lên, một nhóm người khai thác ở đây nói với chúng tôi cứ quay phim, chụp ảnh thoải mái đi, không ai làm gì được chúng tôi đâu! Vì đã được cấp phép rồi”.
Vì vậy, theo ông Võ, cần phải lục lại “hồ sơ” cấp phép cho việc khai thác quặng ở Ba Bể để xem “lỗ hổng” đó ở chỗ nào mà xử lý!
Theo ông Võ, có một vài điểm về hồ sơ Ba Bể cần phải lưu tâm và dự luận cùng vào cuộc; thứ nhất, việc khai thác quặng làm biến đổi, thậm chí biến mất hồ Ba Bể; thứ hai, việc khai thác quặng sẽ làm thay đổi chất lượng nước, môi trường sinh thái không chỉ của hồ Ba Bể mà còn cả với vùng lân cận; thứ ba, khu vực hồ Ba Bể chủ yếu tập trung đồng bào miền núi, cần phải có biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho chính họ.
“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Nếu chúng ta hôm nay “ăn của rừng” thì con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả. Và, cái trả lại trong tương lại bao giờ cũng nhọc nhằn hơn rất nhiều so với ngày hôm nay chúng ta tìm cách để khắc phục...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất