“Không phải là tài năng, không phải là danh dự, không phải là thị hiếu để đo được sự cao quý của tâm hồn... mà chính lòng nhân ái mới làm nên điều cao quý ấy”, Chủ tịch nước nói.

Hoạt động tình nguyện, nhân đạo là trách nhiệm chung của toàn xã hội

Tối nay, 28/4, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2022 với chủ đề “Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái” và kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ  Việt Nam; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương; đại diện Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế khu vực, một số Hội Chữ thập đỏ quốc gia, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương, các tình nguyện viên Chữ thập đỏ. Tại Lễ phát động, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã ủng hộ trực tiếp và cam kết ủng hộ gần 400 tỷ đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu phát động Tháng Nhân đạo năm 2022. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
 

Phát biểu tại buổi Lễ, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, tháng Nhân đạo năm 2022 bắt đầu từ ngày 01/5 đến ngày 31/5, cao điểm từ ngày 08/5 (Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) đến ngày 19/5 (Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trong Tháng Nhân đạo năm 2022, toàn Hội phấn đấu vận động nguồn lực đạt 400 tỷ đồng để trợ giúp 1 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 100.000 địa chỉ nhân đạo.

Đặc biệt, tại Lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2022, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khởi động 2 Chương trình trọng điểm triển khai trong 5 năm tới, đó là Chương trình: “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”. Chương trình nhằm kêu gọi và tiếp nhận nguồn lực của toàn xã hội chung tay trợ giúp những ngư dân nghèo, khó khăn yên tâm vươn khơi, bám biển và hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng các các em nghèo, khuyết tật, giúp các em thực hiện những ước mơ học tập và từng bước thay đổi chất lượng cuộc sống.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
 

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những hậu quả nặng nề của chiến tranh, của thiên tai, bão lũ đối với nước ta, nhất là các tỉnh miền Trung, nơi từng viên đá, hòn sỏi đều là chứng tích của chiến tranh và thiên tai vào dạng khốc liệt bậc nhất Việt Nam. Nơi dây đã in hằn hàng triệu dấu chân của những người tình nguyện, những hoạt động nhân đạo, góp phần ngăn chặn và xoa dịu bớt những đau thương cho người dân.

Với mong muốn Tháng Nhân đạo thực sự trở thành Tháng toàn dân làm nhân đạo, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chung sức với Đảng và Nhà nước Việt Nam, trợ giúp ngày càng hiệu quả hơn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, khỏe mạnh và an toàn trước dịch bệnh COVID-19 và thiên tại, thảm họa, chiến tranh. 

Trong thời gian tới, với mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương cũng như các cơ quan liên quan cần kịp thời phát hiện, ghi nhận, vinh danh và khen thưởng xứng đáng những tấm gương tình nguyện, các hoạt động nhân đạo ý nghĩa, lan tỏa tình yêu thương con người không giới hạn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa, tri ân các nhà tài trợ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chủ tịch nước nhấn mạnh, hoạt động tình nguyện, nhân đạo không phải là trách nhiệm riêng có của Nhà nước hay của một tổ chức, cộng đồng hay cá nhân nào mà phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội; trong đó Nhà nước cần đóng vai trò chủ động và định hướng. Mỗi người dân, tổ chức, không phân biệt công tư, đều có quyền tham gia và có trách nhiệm đóng góp làm cho mục tiêu trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn. Các hoạt động tình nguyện, nhân đạo phải được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả; không thực hiện máy móc, tự phát, lãng phí, phi hiệu quả. Do đó, khuyến khích các tổ chức có năng lực và kinh nghiệm với sự tham gia rộng rãi về nhân lực và tài lực của toàn xã hội.

Chủ tịch nước nêu rõ: Hoạt động nhân đạo phải xuất phát từ trái tim, từ tình yêu thương thực sự chứ không phải làm màu, hình thức, hay lợi dụng danh nghĩa nhân đạo để đạt được mục tiêu riêng của mình, gây xói mòn niềm tin xã hội vào những hoạt động vốn dĩ cao đẹp và thượng nghĩa như vậy. Trăng khuyết thì lại đầy song mất niềm tin sẽ khó mà tạo dựng lại.

“Không phải là tài năng, không phải là danh dự, không phải là thị hiếu để đo được sự cao quý của tâm hồn... mà chính lòng nhân ái mới làm nên điều cao quý ấy”, Chủ tịch nước nói.

Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư về việc tổ chức Tháng Nhân đạo trên toàn quốc sau 3 năm thí điểm và Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ năm 2018 về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới, đến nay, Tháng Nhân đạo đã bước sang năm thứ Năm.

Qua 4 năm triển khai Tháng Nhân đạo đã huy động được trên 1.500 tỷ đồng, trợ giúp trên 3,3 triệu lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nữa là Tháng Nhân đạo dã góp phần nâng cao nhận thức xã hội, cổ vũ, phát huy, khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, trong các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là ngày càng có nhiều bạn trẻ nhiệt tình tham gia. Đây là nền tảng cần thiết tạo bước ngoặt cho tình yêu thương và sẻ chia.

TTXVN

90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link