Hội Gióng có khả năng trở thành Di sản thế giới

20/04/2010 09:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Tôi đã có một sự trải nghiệm thật là tuyệt vời. Các màn trình diễn đầy màu sắc và có tính tín ngưỡng cao. Lễ hội được tổ chức công phu theo từng bước có trật tự, nguyên tắc. Tôi thấy niềm đam mê của những người tham gia lễ hội này”. Bà Katherine Muller - Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã cho biết như vậy khi chứng kiến buổi diễn tập Lễ hội Gióng ngày 19/4, tại khu di tích đền Gióng, xã Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội).

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại (trường hợp Hội Gióng)” do UBND TP Hà Nội, Bộ VH,TT&DL và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức trong 2 ngày 19 và 20/4 tại Hà Nội.

Đánh giá cao sự tham gia của cộng đồng trong Hội Gióng, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội chia sẻ: Những người dân nơi đây đã chuẩn bị rất nhiều nhân lực và vật lực để trình di sản văn hóa này lên UNESCO. Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng rất quan trọng, bởi đây là một trong những yêu cầu đặt ra đối với di sản đệ trình.

Từng tham dự Lễ hội Gióng - đền Sóc (mùng 6 tháng Giêng Canh Dần) và nay là buổi diễn tập Lễ hội Gióng - đền Phù Đổng, bà Katherine Muller - Marin cho biết: Tôi rất vinh hạnh được có mặt tại đây với vai trò là Đại diện của UNESCO. Khi tham gia lễ hội, tôi có thể hiểu được các quy trình tổ chức lễ hội theo tín ngưỡng dân gian là thế nào và nhận thấy Hội Gióng có đầy đủ các yếu tố để đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hội Gióng có một tiềm năng rất lớn. Thời điểm này, chúng ta đang trong giai đoạn đệ trình hồ sơ và phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của UNESCO đặt ra. Hội thảo khoa học sắp tới sẽ tập trung bàn vấn đề giữ gìn giá trị văn hóa Hội Gióng cùng với các chuyên gia trong nước, nước ngoài. Sẽ có rất nhiều chuyên gia tham gia để hoàn thiện bộ hồ sơ này.

Là lễ hội lớn và đặc sắc tưởng nhớ Thánh Gióng, trong “tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Lễ hội Gióng diễn ra ở nhiều địa điểm thuộc địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận. Ban soạn thảo đã lấy tâm điểm là Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn) làm căn cứ xây dựng hồ sơ Lễ hội Gióng trình UNESCO. Vùng phụ cận là một số xã thuộc huyện Từ Liêm, huyện Thường Tín và quận Long Biên có Lễ hội Gióng.

Hồng Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link