16/02/2011 11:00 GMT+7 | Âm nhạc
1. Thực tế, với việc dùng cụm từ “thí điểm”, bản thân BTC cũng không quá tin vào thành công của việc “hát mộc” ngay từ trước khi Hội Lim diễn ra. Bởi, hay và hoài cổ đến mấy, việc giảm thiểu âm lượng của các làn điệu quan họ vẫn là một thách thức lớn với nhu cầu được nghe của hàng chục ngàn đôi tai đang đổ về khu vực này.
Lối hát mộc của quan họ cổ đòi hỏi một không gian nhỏ, yên tĩnh với sự ý tứ của những người nghe hát giao duyên. Còn trên quả đồi Lim bây giờ, giữa sự ầm ĩ, huyên náo của người chơi hội, khách mê quan họ chỉ còn cách ngồi xích lại thật gần chiếu hát và dỏng tai “hứng” từng câu hát. Bản thân các liền anh, liền chị cũng phải lấy hơi sâu để tăng âm lượng và “bù” lại cho việc bỏ micro, thậm chí là tận dụng việc... hát tập thể để giảm thiểu nguy cơ đứt giọng giữa chừng. Cảnh tượng ấy kéo dài tới 17h chiều ngày 14/2, khi BTC Hội Lim đã quay lại với việc dùng hệ thống loa đài – vốn đã được chuẩn bị sẵn như một phương án dự phòng từ trước.
Các liền chị tại Hội Lim 2011 đỡ mệt hơn khi có micro để phục vụ du khách
Theo lời ông, những du khách có nhu cầu nghe hát “mộc” vẫn có thể tìm tới những canh hát đang được tổ chức tại gia đình của 10 nghệ nhân quanh Hội Lim. Như mọi năm, từ hai đêm trước hội, những người sành và yêu quan họ vẫn lặng lẽ tìm đến các địa chỉ này để nghe một canh hát quan họ có khi kéo dài tới vài giờ với đủ lề lối và nghi thức.
Trưa ngày chính hội 15/2/2011, lượng khách đổ về Hội Lim lên tới mức kỷ lục. Quãng đường vài trăm mét kể từ đồi Lim tới đường quốc lộ, các bãi gửi xe đều từ chối nhận khách vì hết chỗ. Ở vòng ngoài, giá gửi một chiếc xe máy từ 20.000 đồng vọt lên thành 30.000 đồng. Gửi xong, ngại chen vai cuốc bộ một quãng đường dài, không ít khách thập phương chọn cách di chuyển bằng dịch vụ xe ôm đang chèo kéo. Vượt qua quãng đường chưa đầy 1.000m ấy, họ rơi tõm vào biển người cùng âm thanh được pha trộn từ tiếng loa của 6 chiếc lán hát trên đồi Lim.
Có loa, khí thế của hội Lim lên cao tới mức nhiều du khách sẵn sàng bỏ thêm 15.000 đồng, thuê những chiếc áo quan họ truyền thống rồi chụp ảnh lưu niệm ngay bên cạnh các liền anh, liền chị.
2. Chúng ta phải xác định rõ: không thể có lại một Hội Lim theo hình thức cổ truyền nữa rồi (ý nói theo lối hát mộc). - TS Bùi Quang Thắng trao đổi cùng TT&VH - Không gian, môi trường của Hội Lim bây giờ khác hẳn. Người đến chơi hội là nhiều, chứ không phải chỉ vì thú lên đồi hát giao duyên như khi xưa.
Theo lời ông Thắng, lần Hội Lim được dựng lại “gần” với truyền thống nhất là năm 1996, khi Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam có tổ chức quay phim tư liệu tại lễ hội này. Năm đó, theo điều kiện mà ông và các đồng nghiệp đặt ra, các gian trò chơi, hàng quán... được “đẩy” hết vào một khu vực riêng. Lễ tế, lễ rước được dựng lại khá công phu, các lán hát đều làm bằng tre với trang trí nhỏ, còn liền anh liền chị hát với những chiếc micro đeo gọn trong cổ áo. “Nói thẳng, làm như vậy cũng là... tạo cảm giác cổ thôi, nhưng tạo không khí tốt hơn. Người xem năm đó phấn khởi. Nhưng bây giờ, người xem mỗi năm một đông, cũng khó mà dựng theo kiểu “giả cổ” như vậy được” – ông Thắng nói.
Bùi ngùi hay hoài cổ đến mấy, người yêu quan họ cũng đến lúc phải biết chấp nhận một thực tế rằng Hội Lim của thế kỷ 21 phải biến đổi theo sự vận động tất yếu của nhu cầu hôm nay. Và cũng không thể trách BTC trong việc sử dụng lại hệ thống loa và tăng âm, khi Hội Lim 2011 vẫn thành công ở việc thỏa mãn được nhu cầu chơi hội của hàng chục ngàn khách thập phương có nhu cầu chơi hội. Nhưng, quá trình thí điểm để tìm ra một mô hình Hội Lim phù hợp, vừa có chỗ phục vụ du khách hiện đại, vừa có chỗ bảo tồn cho quan họ theo đúng nguyên mẫu, sẽ còn kéo dài bao nhiêu năm nữa?
Quan họ sẽ được đưa vào trường tiểu học tại Bắc Ninh Theo đề án Xây dựng và bảo tồn quan họ Bắc Ninh giai đoạn 2011-2012 (do Sở VH,TT&DL Bắc Ninh xây dựng và đã được UBND tỉnh thông qua), kể từ giữa năm 2011, các làn điệu quan họ sẽ được thí điểm đưa vào giảng dạy tại một số trường tiểu học trong tỉnh. Dự kiến, trong 5 năm cấp 1, các học sinh tại Bắc Ninh sẽ được học khoảng 10 bài quan họ, thời gian giảng dạy được đưa vào các tiết học âm nhạc – vốn là môn học phụ có trong chương trình của học sinh Việt Nam. Ngoài ra, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bắc Ninh cũng sẽ tách bộ môn Quan họ khỏi khoa thanh nhạc của trường để tạo thành một chuyên ngành học riêng.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất