22/12/2011 10:27 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - “Không còn nghi ngờ gì nữa, núi An Tôn là công trường đá chính xây thành nhà Hồ”, TS Trần Anh Dũng - người phụ trách khai quật ở công trường An Tôn hồ hởi thông báo. Kết quả khai quật 300m2 tại đây trong suốt hơn một tháng qua cho thấy rõ điều này.
Trước đó, núi An Tôn cùng ba địa điểm khác đã được các chuyên gia Nhật Bản đưa vào danh sách những nơi có thể là công trường khai thác đá để xây thành nhà Hồ. Những địa điểm còn lại là núi Nhồi, cách di sản khoảng 40km, rú Thần cách di sản 4km, núi Bông cách di sản khoảng 20km. Mặc dù vậy, TS Trần Anh Dũng cho biết, đây là địa điểm đầu tiên được khai quật khảo cổ học để chứng minh giả thuyết trên.
Lớp đá dăm dày mét rưỡi
“Những lớp đá dăm dày tạo thành dải dài suốt chân của sườn phía Nam núi An Tôn. Đây là những mảnh và phiến đá mỏng to nhỏ nhiều cỡ được tạo ra khi đục bạt tạo khối và đục vỉa tạo phẳng cho đá xây thành. Chúng tôi còn thấy những tảng đá nguyên liệu được tách từ núi, những khối đá có dấu vết chế tác… - TS Dũng tiết lộ - “Địa tầng có lớp đá dăm rất dày, thậm chí có nơi dày tới 1,4 mét. Theo sử sách, thành được xây trong 3 tháng. Chỉ với thời gian ngắn như vậy mà đã tạo được một lớp đá dăm lại dày đến thế càng chứng tỏ lượng đá khai thác tại đây vô cùng nhiều. Chính vì thế, An Tôn nhất định phải là công trường khai thác đá chính để xây thành nhà Hồ”.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những viên đá được chế tác hoàn chỉnh không rõ vì lý do nào đó, chưa kịp vận chuyển đi. Như vậy, công trường An Tôn không chỉ khai thác đá nguyên liệu mà còn là công trường chế tác đá hoàn chỉnh trước khi chuyển về xây thành nhà Hồ. Việc này khiến trọng lượng của khối đá giảm nhiều, dễ vận chuyển hơn.
Lớp đá dăm dày 1 mét ở núi An Tôn
Tư liệu bổ sung của những hậu duệ thợ đá
Vai trò công trường đá chính càng rõ hơn khi các nhà khảo cổ học tham khảo ý kiến của chính những thợ đá hiện tại ở An Tôn. Họ là hậu duệ của các thợ đá vĩ đại thời nhà Hồ đã xây dựng nên kiệt tác kiến trúc thành đá nhà Hồ, đàn Nam Giao. Những tư liệu này còn được kết hợp với việc khảo sát một số công trường khai thác đá thời Hồ ở vùng lân cận.
Theo các thợ làm đá chuyên nghiệp thì chất lượng đá ở núi An Tôn là tốt hơn so với đá các công trường lân cận. Đá ở đây có độ dẻo, rất thuận lợi cho việc đục đẽo. Trữ lượng đá dẻo khá lớn. Dãy núi An Tôn có hai dải. Dải phía Bắc được gọi là An Tôn hạ, dài khoảng 1km. Dải đối diện là An Tôn thượng chất lượng kém hơn, đá ở đây giòn, dễ gãy, rất khó cho việc chế tác. Chính vì vậy, người xưa đã chọn núi An Tôn hạ là công trường khai thác đá để xây thành nhà Hồ.
An Tôn cũng có điều kiện thuận lợi cho khai thác, vận chuyển. Núi An Tôn chỉ cách tường thành phía Tây khoảng 1km theo đường chim bay. Cánh đồng từ An Tôn đến tường phía Tây bằng phẳng, nền đất qua hố đào kiểm tra là nền laterit cứng rắn, thuận tiện cho việc vận chuyển. Vị trí của núi An Tôn còn cho thấy, việc vận chuyển đá xây thành không chỉ bằng đường thủy mà còn cả bằng đường bộ nữa.
Viên đá cũ hoàn chỉnh giống đá xây thành
“Trước đây, người ta vẫn dự đoán đá được vận chuyển từ công trường ra bến đá bên sông, rồi từ sông Mã vòng về xây thành. Tuyến đường này lên tới cả chục cây số. Nhưng giờ đây, có thể thấy rõ từ An Tôn đến cổng Tây của thành, nơi xa nhất chỉ mất chưa đến cây số rưỡi. Một phần đá sẽ đi đường bộ thẳng về cổng Tây”, TS Dũng phân tích.
Thêm vào đó, về mặt kỹ thuật tạo tác đá thì An Tôn vốn có nghề đục cối, đục đá làm thềm bậc nhà cổ, đục cột đá… Các vết đục trên những phiến đá phát hiện được trong các hố khai quật đã được các thợ đá ở đây xác nhận vẫn còn dùng đến ngày nay. Các khối đá phát hiện ở An Tôn có các vết đục giống với các vết đục ở đá xây trên tường thành nhà Hồ. Đá và các vết đục ở cả 2 nơi đều có lớp patin dày.
Khu sinh hoạt của công trường lớn
Tại hố khai quật thứ nhất, các nhà khảo cổ học còn phát hiện được dấu vết nền kiến trúc, không có các trụ móng. Đây là một kiến trúc nền nhà đơn giản được rải bằng các lớp đá dăm kết hợp với các lớp sét vàng để tạo nên một loại nền nhà truyền thống kiểu Trần - Hồ. Tại đây tìm được cả mảnh của những đồ dùng sinh hoạt từ gốm men và từ đồ sành. Nhiều khả năng đó là những nhà tạm để thợ đá và quan chỉ huy công trường khai thác đá cư trú.
Theo TS Dũng, móng kiến trúc này làm rất kỹ. Do đó có thể thấy đây chính là mặt bằng cư trú của những người thợ đá. “Trong khi làm thành nhà Hồ - một công trường cực lớn ắt hẳn có quan lại đến giám sát. Chính vì thế, việc có một nền móng cực kỹ lưỡng này chứng tỏ sự xuất hiện của những quan lại đó”.
“Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn di tích Thành nhà Hồ tiến hành khai quật núi An Tôn nhằm tìm kiếm diện mạo của một trong những công trường khai thác đá của nhà Trần và nhà Hồ. Kết quả khai quật, đã tìm thấy những chứng cứ xác thực nhất để có thể khẳng định An Tôn chính là công trường khai thác đá. Chất lượng đá ở núi An Tôn khiến cho các khối đá không chỉ đẹp hơn mà còn dễ di chuyển hơn”, PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định.
Ngữ Yên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất