08/12/2016 08:06 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 4 triệu người dân Mỹ đã ký vào một đơn kiến nghị yêu cầu đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, giúp bà trở thành Tổng thống Mỹ với lý do bà đã thắng số phiếu phổ thông. Nhưng vấn đề xem ra không dễ dàng!
Trong bối cảnh rất nhiều người dân xuống đường biểu tình phản đối ông Donald Trump cũng như kêu gọi đại cử tri đoàn chọn bà Clinton và một số đại cử tri tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho nữ chính trị gia, liệu rằng thế cờ đang ngả về ông Donald Trump có bị lật ngược?
Tờ Business Insider đã liệt kê một số lý do cho rằng chuyện bà Clinton trở thành tổng thống sẽ không thể xảy ra.
Liệu đại cử tri có thể giúp sức?
Một số thành viên của đại cử tri đoàn có chủ trương chống ông Trump và tuyên bố sẽ đi ngược lại với luật pháp của bang và đảng để bỏ phiếu cho bà Clinton. Họ bị tạm gọi là các “đại cử tri lật lọng” hay "đại cử tri phản thùng". Những trường hợp như trên khá hiếm gặp trong lịch sử chính trị hiện đại.
Cử tri biểu tình phản đối ông Trump trở thành tổng thống tại Miami ngày 11/11. Ảnh: Reuters
Thomas Neale, một chuyên gia nghiên cứu về chính phủ Mỹ và đại cử tri đoàn tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội cho hay, kể từ năm 1900 tới nay, mới chỉ ghi nhận 8 đại cử tri “lật lọng”.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ cần tới 38 đại cử tri đại diện cho đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho mình thì mới hội tụ đủ số phiếu cần thiết để trở thành tổng thống. Và theo ông Neale, để tình huống này xảy ra thì “đòi hỏi một lượng lớn đại cử tri phải thay đổi quan điểm của mình”.
Có cơ hội hay không?
Hiện nay, tồn tại một số rào cản ngăn không cho các đại cử tri “lật lọng”. Đầu tiên, theo ông Neale, 30 bang và thủ đô Washington D.C. có luật lệ ràng buộc các đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng cử viên giành đa số phiếu phổ thông ở bang đấy. Hình phạt đối với các cử tri làm trái luật lệ bao gồm nộp phạt cho tới bị bãi chức.
Tuy nhiên, thực tế thì ông Trump hiện có 155 phiếu đại cử tri không ràng buộc. Điều này có nghĩa là họ có thể thay đổi bầu chọn cho bà Clinton mà không bị phạt.
Thứ hai, các đại cử tri vốn thường do chính các đảng chính trị tại từng bang bầu chọn. 306 đại cử tri sắp sửa bỏ phiếu vào “ngày phán xét cuối cùng” 19/12 tới đều là thành viên của đảng Cộng hòa. Họ sẽ tránh hành động làm xấu mặt cho đảng mà họ đại diện. Ngay cả khi họ quyết định “phản thùng” thì Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn có thể bác bỏ kết quả cuối cùng của đại cử tri đoàn.
Lý do cuối cùng mà chuyên gia Neale đưa ra đó chính là yếu tố lịch sử cũng không ủng hộ phe của bà Clinton. Không ít người lập luận rằng bà Clinton đã thắng số phiếu phổ thông và bà nên thắng cử tổng thống Mỹ. Đây chính là cốt lõi tranh cãi của một phong trào cải cách bầu cử để hạn chế quyền hạn của đại cử tri đoàn.
Ông Neale nói: “Vấn đề tranh cãi như trên đã lặp đi lặp lại nhưng Quốc hội quyết không thay đổi về vấn đề này kể từ năm 1979”.
Hơn thế, lịch sử đã ghi nhận vài trường hợp đại cử tri “phản thùng” nhưng họ chưa từng tác động được lên kết quả bầu cử.
Theo Hoàng Trang - Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất