05/07/2010 09:26 GMT+7 | Giáo dục
(TT&VH) - Để tránh cái nóng hầm hập của đợt nắng cao điểm và cảnh tắc đường ở các thành phố lớn, mới 5h, khi trời vừa hưng hửng sáng, các bậc cha mẹ đã đưa con đến các điểm thi. Trên khuôn mặt họ, niềm hy vọng xen lẫn những nỗi lo âu.
* “Thắp nén nhang cho đầu óc đỡ căng thẳng”
7h, khi cổng trường thi đóng kín, các thí sinh bắt đầu môn thi đầu tiên cũng là thời gian chờ đợi tưởng như… dài vô tận của người thân. Bên bờ rào cổng trường ĐH Bách Khoa TP.HCM (quận 10), mấy phụ huynh nuốt vội ổ bánh mì, đọc thờ ơ những trang báo và thi thoảng lại liếc mắt vào cánh cổng trường thi.
Một người phụ nữ mắt thâm quầng, ngồi tại một góc nhỏ của quán cóc vỉa hè, dáng vẻ gầy gò, hốc hác và sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của chị. Đó là chị Lê Thị Ngọc Yến, quê ở thị trấn miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Yến nói: “Con trai tôi 12 năm liền đạt học sinh giỏi, cháu đang cố sức thi vào ngành Công nghệ thông tin của trường ĐH Bách Khoa, nhưng tôi lo lắm, cầu mong cho cháu làm thật tốt môn này!”.
Sát bên chỗ chúng tôi và chị Yến ngồi là một cái miếu, anh Nguyễn Văn Sơn là phụ huynh của em Nguyễn Văn Hải đang thắp những nén nhang khấn nguyện và vội quay lại chỗ ngồi của mình. Có phụ huynh khác nhìn thấy cảnh tượng như vậy, vội buông lời: “Ôi dào, thi cử là do năng lực, cần chi phải cầu khấn”. Anh Sơn cười: “Thắp nén nhang cho đầu óc đỡ căng thẳng”. Chúng tôi quay sang bắt chuyện với anh Sơn, mới biết 2 cha con ở xã Phước Bình, Long Thành, Đồng Nai lên TP.HCM từ ngày 2/7. Anh Sơn nói: “Đêm qua tôi ngủ không được, nằm thao thức mãi đến 4h30 sáng, tôi cũng không nỡ kêu cháu dậy. Mấy hôm trước, thấy nó ôn bài nhiều, người xanh xao quá, mặc dù cháu thi tốt nghiệp 2 môn Toán, Hóa đều đạt điểm cao nhưng tôi vẫn thấy lo lắng. Thằng bé nhà tôi mê làm xây dựng lắm nên nó quyết tâm thi vào ngành xây dựng”. Nhìn khóe mắt đỏ, quầng mắt thâm của anh, chúng tôi tin anh đã phải trằn trọc cả đêm để cầu mong cho con cái của mình đỗ đạt.
Giờ thi kết thúc, các sĩ tử lục đục bước ra khỏi trường thi, cũng là lúc các phụ huynh lao nhao, rối rít: “Có làm bài được không con?”, “Không sao con à, còn 2 môn nữa cơ mà”. Dù có thực sự vui mừng hay thất vọng nhưng trên khuôn mặt của các bậc cha mẹ vẫn tươi cười để động viên các sĩ tử tiếp tục vượt qua “vũ môn”.
Nỗi niềm của các bậc cha mẹ, mỗi người một dáng vẻ nhưng chắn hẳn ai cũng như ai, có chứng kiến những cảnh như này mới mới thấm thía tấm lòng của cha mẹ đối với con cái. Con đi thì… cha mẹ cũng đi thi!
* Nắng như thiêu, phụ huynh góp tiền thuê nhà nghỉ
Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài đường có lúc lên tới 40 độ C đã khiến cho thí sinh và phụ huynh dự thi tại Hà Nội lao đao.
Mặc dù các quán trà đá, dịch vụ giải khát mọc lên như nấm, các bóng cây được tận dụng tối đa nhưng cũng không làm dịu đi được cái nóng như thiêu như đốt.
“Ngồi đợi con ở vỉa hè, trong bóng râm nhưng tôi cũng thấy choáng váng đầu óc. Hơi nóng từ dưới đường nhựa bốc lên ngùn ngụt, nắng phả hầm hập từ trên xuống. 12 năm ăn học, đây là kỳ thi bước ngoặt của các cháu, sợ nóng thế này thì cháu ốm mất. Trời thật không chiều lòng người”, anh Nguyễn Văn Sơn, phụ huynh thí sinh của ĐH Mỏ địa chất chia sẻ.
Không có bóng cây như điểm thi của anh Sơn, các phụ huynh của ĐH Thương mại phải hứng trọn cái nắng như rót mật của Hà Nội. Không chịu được nắng nóng, lại lo con ốm, nhiều phụ huynh của điểm thi này đã nảy ra sáng kiến góp tiền thuê một phòng trong nhà nghỉ gần đó.
“Giá thuê mỗi tiếng là 50.000 đồng, đắt đỏ quá! Nhưng 5, 6 người chung nhau cũng đỡ đi nhiều”, chị Lê Thị Tâm, quê Bắc Ninh chia sẻ.
Tại điểm thi ĐH Khoa học Tự nhiên, ngay sau khi đưa em vào trường, anh Nguyễn Văn Tùng ở Đông Anh, Hà Nội cũng phóng xe máy quanh khu vực lân cận để tìm phòng. “Nhà xa nên trưa hai anh em phải nghỉ lại để chiều thi tiếp. Giá thuê là 250.000 một buổi trưa, tôi cũng xót tiền, nhưng nắng như thế này, nếu vạ vật ở ngoài thì sợ em ốm, lại lỡ dở cả kỳ thi”.
Tuy nhiên, ngay cả khi chấp nhận mức giá… trên trời, không ít phụ huynh cũng không tìm nổi phòng trọ. Ở nhà người quen bên Gia Lâm từ hôm 2/7, anh Lại Văn Hòa, phụ huynh một thí sinh Hội đồng thi trường ĐH Thủy lợi phải dậy từ 4 rưỡi đưa con đi thi. Cả ngày ngồi ở cổng trường, dù có rất nhiều cây nhưng lại bụi bặm, lổn nhổn vì toàn bộ gạch lát đã được xới tung lên, anh thấy rất mệt mỏi. Buổi chiều, nhìn con mặt mũi bơ phờ, thất thểu bước khỏi phòng thi mà xót ruột nên anh quyết định không về Gia Lâm nữa mà thuê phòng ở lại. Nhưng dù sẵn sàng trả 500.000 một đêm, các nhà nghỉ quanh khu vực này đều cho biết không còn chỗ. “Thôi thì thử đi xuống khu vực Thanh Xuân, may ra còn phòng”, ông bố trẻ vừa nói, vừa gạt chân chống xe rồi nổ máy để tiếp tục cuộc hành trình… tìm nhà nghỉ.
Đình chỉ 51 thí sinh, 1 cán bộ coi thi Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, trong buổi thi thứ 2 đã có 651.815 thí sinh tới dự thi, chỉ giảm 1.717 thí sinh so với buổi sáng (trong khi năm 2009, con số này là hơn 13.000 thí sinh). Có 71 TS vi phạm quy chế thi, trong đó Hội đồng coi thi phải ra quyết định đình chỉ 51 TS, phần lớn do mang điện thoại vào phòng thi, khiển trách 17 và cảnh cáo 3 TS. Cả nước có một cán bộ coi thi bị đình chỉ vì đã làm rách bài thi của thí sinh và một cán bộ bị khiển trách. Theo quy định, bài thi vẫn được chấm bình thường. Cả nước không xảy hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất