Kịch đồng tính và những tràng cười dễ dãi

17/05/2012 15:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vở kịch Cầu vồng lục sắc được dựng nhân Ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính lại kể một câu chuyện khá cũ về người đồng tính và truyền tải một thông điệp không hề mới mẻ.

Cầu vồng lục sắc (diễn tại NH Tuổi trẻ, Hà Nội từ 15-17/5) kể câu chuyện về hai chàng trai Hoàng và Minh yêu nhau. Hoàng mua nhẫn cầu hôn Minh, Minh từ chối vì lo sợ. Nữ đồng nghiệp Lan đem lòng yêu Hoàng. Mẹ và chú của Hoàng, sau khi phát hiện ra mối tình đồng tính, ra sức ép anh cưới Lan. Hai người cưới nhau, sinh con. Nhưng Hoàng và Minh vẫn yêu nhau không dứt…


Cảnh nhân vật Hoàng (phải) cầu hôn Minh

* Cứ đồng tính là đáng thương?

“Đáng thương chứ! Người ta có muốn thế đâu, đấy không phải là bệnh. Quan điểm của tôi rất rành mạch là cảm thông và chia sẻ”, đạo diễn vở kịch, NSƯT Anh Tú nói với một tờ báo, khi được hỏi anh nghĩ sao về những người đồng tính ngoài đời.

Thực ra, bao giờ người ta nói đến người đồng tính mà vẫn gắn với hai chữ “đáng thương” thì lúc đó, chính người ta vẫn còn kỳ thị. Tại sao người đồng tính đáng thương? Vì “khổ”, vì “không được như người bình thường”, như nhân vật người mẹ trong vở kịch nói với đứa con đồng tính? Nhưng “người bình thường” cũng có bao giờ hết khổ? Người ta vẫn khổ hàng ngày vì giá xăng, tắc đường, ngoại tình, xếp hàng xin cho con vào lớp Một… đấy thôi.

Để nhẹ nhàng hóa đề tài này, những người thực hiện đã lồng yếu tố hài vào để câu chuyện không nặng nề, thông qua ba nhân vật: cô giúp việc, cô thư ký và cả người chú kỳ thị đồng tính. Nhưng những lời thoại cố tình gây hài của cô giúp việc và cô thư ký đôi khi hơi nhảm. Cô thư ký còn nói giọng Nghệ An khá chuẩn, “chi, mô, răng, rứa” đủ cả, mới mở miệng là khán giả đã cười rần rần. Tôi không hiểu sao giọng Nghệ An lại là yếu tố gây cười hữu hiệu, khi kết hợp với lời thoại tấu hài, nhưng thực tế là người ta đã cười.

Nhưng những tràng cười dành cho nhân vật người chú, là đáng suy ngẫm nhất. Trong vở kịch đây là nhân vật thể hiện thái độ kỳ thị người đồng tính rõ rệt nhất. “Cháu ơi, cháu có biết người ta gọi những người như cháu là gì không? Là bóng kín, bóng lộ, pê - đê, bệnh hoạn!” (nói với Hoàng). “Tôi rất thương những loại người như cậu” (nói với Minh). “Đồng tính rồi là dẫn đến tệ nạn xã hội, trộm cắp, HIV” (nói với cả Minh và Hoàng). “Cô ơi, cho cháu một cốc trà chanh để còn ngồi chém gió” (giả giọng ẻo lả chế giễu hai người cháu). Những lúc đó, hai nhân vật chính đau khổ vì bị mạt sát, còn khán giả cười rộ lên. Chắc có những người không cười, nhưng số lượng người cười chiếm tỷ lệ áp đảo. Tôi không hiểu tiếng cười đó có ý nghĩa gì, hay là vô nghĩa? Nhưng rõ ràng là dễ dãi.

Bởi nếu chính những khán giả đó là người đồng tính hoặc có con cháu là người đồng tính thì không biết họ có còn cười nổi không? Người ta cười dễ dãi khi nghĩ câu chuyện trên sân khấu không liên quan đến mình, chỉ là chuyện của một nhóm người đồng tính xa lạ.

 * Cầu vồng thiếu sắc có phải là khiếm khuyết?

Sáu màu trên lá cờ cầu vồng, một trong những biểu tượng của cộng đồng LGBT (đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới) bao gồm: đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, xanh dương (trước đây là chàm), tím. Trong vở kịch, ý nghĩa của cầu vồng sáu màu, thiếu một màu so với cầu vồng bảy màu quen thuộc, dường như cũng bị hiểu sai.

Ban đầu, vào năm 1978, lá cờ này được thiết kế có 8 màu, có thêm hai màu hồng và ngọc lam. Người thiết kế là nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội người Mỹ Gilber Baker. Theo trang Gaylife.about.com, về sau, chính Baker đã bỏ đi màu hồng vì “hết mực in”. Sau đó, ông bỏ tiếp màu ngọc lam vì muốn số màu trên cờ là số chẵn (6). Mẫu mã lá cờ được “chốt hạ” vào năm 1979, gồm 6 màu, trong đó màu chàm được thay bằng màu xanh dương. Có thể thấy, ngay từ đầu, những người thiết kế lá cờ cộng đồng LGBT đã không có ý định nói lên sự khiếm khuyết nào cả.

Nếu vậy, thông điệp “Cầu vồng phải có bảy màu, cầu vồng không thể có sáu màu được” đưa ra cuối vở kịch, do nhân vật Lan nói, để chỉ sự khiếm khuyết trong mối tình đồng tính của Hùng và Minh, liệu có nhân văn?

Ý nghĩa lá cờ cầu vồng 6 màu của cộng đồng LGBT

Lá cờ đơn giản thể hiện “tình yêu, hy vọng và sự giải phóng”, theo lời nghệ sĩ Gilber Baker nói với trang UK Gay News vào năm 2008, nhân kỷ niệm 30 năm ngày lá cờ ra đời. Trong đó, ý nghĩa “giải phóng” là quan trọng nhất, và cũng là điều đầu tiên Baker nghĩ đến khi vẽ nên lá cờ.

Ông nói: “Đó là sự phá vỡ rào cản của một nhóm người vốn bị cô lập bởi nỗi sợ hãi và đòi hỏi phù hợp của xã hội, họ đấu tranh cho quyền được bày tỏ xu hướng tình dục mà không phải xấu hổ và không phải chịu sự trả thù từ những người luật pháp hóa đạo đức”.


Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link