Hôn nhân đồng tính tại Việt Nam: "Không thể là chuyện một sớm một chiều"

02/08/2012 13:30 GMT+7 | Pháp luật

(TT&VH) - Đó là chia sẻ của PGS.TS Trịnh Hòa Bình, GĐ Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Khoa học & Xã hội) về vấn đề hôn nhân đồng tính đang làm xôn xao dư luận trong thời gian gần đây.

Việc Bộ Tư Pháp chính thức đưa vấn đề hôn nhân đồng tính ra thảo luận là một bước chuyển lớn không chỉ với cộng đồng giới tính thứ ba tại Việt Nam. Nếu điều này được thông qua vào cuối năm 2013, chúng ta sẽ là quốc gia châu Á đầu tiên chấp nhận hình thức hôn nhân còn rất mới này.

Trong văn bản lấy ý kiến các cơ quan chuyên ngành vào tháng 6 vừa qua, Bộ Tư Pháp đã đặt ra vấn đề này như một trong những nội dung có thể  sửa đổi của Luật hôn nhân gia đình. Kèm theo đó là lời giải thích “Tại VN, trong thời gian gần đây, cộng đồng người đồng tính ngày càng có xu thế mở rộng, cùng với nhu cầu được kết hôn và chung sống với nhau ngày càng tăng lên. Xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận”. (Hiện, hình thức kết hôn này vẫn bị cấm tại điều 10).

Cửa đã mở?

Tác phẩm "Mặt nạ" trong cuộc triển lãm "Mở" diễn ra tại TP.HCM về cuộc sống người đồng tính, gần 40 tác phẩm được thực hiện bởi những người đồng tính tại Việt Nam

Theo uớc tính của iSEE (Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường), nếu lấy tỉ lệ trung bình 3% dân số mà nhiều nhà khoa học đưa ra, số lượng người đồng tính trong độ tuổi từ 15 – 59 tại VN vào khoảng 1,6 triệu người. Còn, trên không gian mạng, chỉ riêng 6 diễn đàn lớn nhất dành cho những người đồng tính tại Việt Nam đã có tổng lượng thành viên lên tới vài trăm ngàn người.

Có thể thấy rõ, sự xuất hiện của internet tại VN đã khiến cộng đồng những người mang giới tính thứ ba kết nối cùng nhau và liên tục rút ngắn khoảng cách của hành trình đòi quyền bình đẳng – điều mà trước đó, ngay ở những nước phát triển cũng phải mất một thời gian rất dài.

Chàng trai mang nickname Albus của ICS (nhóm đại diện cho một số diễn đàn của người đồng tính tại VN) kể: “Dù nằm mơ, tôi cũng không ngờ vấn đề hôn nhân đồng tính (HNĐT) trong pháp luật lại có thể được đưa ra thảo luận sớm đến như vậy. Năm 2009, tại một buổi họp của ICS, trước câu hỏi “khi nào VN chấp nhận HNĐT”, người lạc quan nhất cũng chỉ dám trả lời: năm 2020. Có người còn chọn năm 2030 hoặc 2035 nữa. Ai cũng hoài nghi về khả năng này trong tương lai gần”…

Theo TS Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, việc thừa nhận sự tồn tại của cộng đồng giới tính thứ ba tại VN và tìm hướng giải quyết các vấn đề phát sinh là một bước đi hợp lý và tất yếu của xã hội.

“Tại VN và trên thế giới, người đồng tính vẫn luôn chịu nhiều hậu quả từ sự kì thị của xã hội. Vì e ngại, rất nhiều người đã phải kết hôn với người khác giới, sinh con trong một gia đình không hạnh phúc và từ đó làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người xung quanh. Đó là những lý do dẫn tới nhu cầu thừa nhận và bảo vệ các mối quan hệ đồng giới trong Luật Hôn nhân gia đình” - Ông Bình nói.

Được biết tới như một trong những thành viên trực tiếp lộ diện để vận động cho quyền lợi của cộng đồng giới tính thứ ba, Albus chia sẻ khá thẳng thắn: “Cũng có thể, vấn đề này sẽ không được thông qua vào cuối năm 2013 tới. Nhưng tôi luôn tâm niệm, điều quan trọng không phải là khi nào chúng ta tới đích mà là chúng ta sẽ đi được bao xa. Dù thành công hay chưa, bản thân việc vận động cho HNĐT đã là một bước tiến dài cho phong trào bảo vệ quyền lợi của người đồng tính tại VN”.


“Cũng cần có thời gian để chấp nhận luật”

"Không thể là chuyện một sớm một chiều" - Đó là chia sẻ của PGS.TS Trịnh Hòa Bình, GĐ Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Khoa học & Xã hội).

Theo ông Bình, luật hôn nhân đồng tính là cần thiết để đảm bảo quyền con người được quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên: “Thiết chế luật pháp có tính chất bảo lưu cái bảo thủ của nó, không dễ gì để thay đổi ngay. Và chúng ta, những công dân nằm trong thiết chế pháp luật ấy, cũng cần có thời gian để chấp nhận luật chứ không đơn giản và nhanh chóng như bấm nút chiến tranh hiện đại” – ông Bình nói.

TS Trịnh Hòa Bình phân tích: “Về mặt quản lý xã hội, chúng ta có thể tính được các mối lợi của sự thừa nhận này. Việc kiểm soát được có thể góp phần lành mạnh xã hội vì họ không còn phải dấm dúi nữa. Các mối quan hệ không được pháp luật công nhận không còn bùng phát một cách vô tổ chức. Họ sẽ trở thành những gia đình ngăn nắp. Thậm chí họ còn kiêu hãnh thực hiện quyền công dân được luật pháp quy định”.

Đồng quan điểm với ý kiến của ông Bình, TS Khuất Thu Hồng- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội - chia sẻ: "Theo tôi, luật đồng giới nên làm càng sớm càng tốt, vì nó đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận dân chúng. Người ta cũng làm gì sai trái đâu, người ta chỉ muốn được chung sống với nhau yên ổn nên chẳng có lý do gì mình chậm trễ trong chuyện này cả. Và tôi nghĩ, sớm muộn luật này cũng phải ra".

Theo phân tích của Bà Hồng, những người đồng tính muốn sống dưới sự bảo hộ và điều tiết của pháp luật mà pháp luật lại từ chối thì không nên.

Dù đồng ý rằng không sớm thì muộn cũng nên ra luật về hôn nhân đồng tính, song TS Trịnh Hòa Bình cũng bày tỏ: "Có rất nhiều hệ lụy mà có thể chúng ta chưa tính toán đầy đủ. Cần tính cẩn thận sự hợp lý giữa cái lợi cho quản lý ấy với một bộ phận có nảy sinh những phức tạp và cái hại với bộ phận khác nữa không? Quan trọng hơn, nó thay đổi định nghĩa gia đình, tập tính gia đình”.

“Khi đó, định nghĩa gia đình không còn là một tổ chức cơ sở của xã hội được thiết lập bởi hôn nhân và có sinh con đẻ cái nữa – TS Bình nhấn mạnh -  chắc chắn những hôn nhân đồng tính không thể “sản xuất” được những đứa con. Họ có xin, nhận con nuôi hoặc chấp nhận gia đình khuyết thiếu".

(Còn tiếp)
Chiêu Minh – Phú Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link