06/10/2021 19:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nửa đời hương phấn là kịch bản cải lương nổi tiếng, nhưng sân khấu Hoàng Thái Thanh đã chuyển thể thành kịch nói, và giao nghệ sĩ Hồng Ánh đóng vai chính - cô Hương. Cô Hương của Hồng Ánh đã lấy nước mắt khán giả qua những chi tiết rất mới, khác hẳn kịch bản cũ, thấm đến tận tâm can.
1. Hồng Ánh quá nổi tiếng ở lĩnh vực điện ảnh, mới hơn 20 tuổi mà cô đã có mặt trong hàng loạt phim nhựa và nhận hàng loạt giải thưởng. Thế nhưng, bất ngờ một hôm thấy cô xuất hiện trong vở kịch Nhân danh công lý của đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng tại sân khấu Tao Đàn. Vai nữ chính đã làm mọi người ngỡ ngàng, vì Hồng Ánh chưa quen với sân khấu, diễn còn vụng dại, thoại thì yếu ớt.
Người ta nói Hoa Hạ “gan” quá, sao dám mời một cô đào như vậy. Nhưng không ngờ, Hoa Hạ đã không bỏ cuộc, kiên quyết chăm sóc Hồng Ánh, để rồi vài năm sau Hồng Ánh trở thành một cô đào sáng giá của sân khấu IDECAF và Hoàng Thái Thanh. Con mắt xanh của Hoa Hạ hình như chưa nhìn lầm ai bao giờ, và bà có tiếng là “mát tay” khi đào tạo diễn viên mới.
Hồng Ánh có trong tay mấy chục vở hay, mấy chục nhân vật tuyệt đẹp. Nhưng khán giả có lẽ ấn tượng với nhân vật Hương trong vở Nửa đời hương phấn. Vở cải lương Nửa đời hương phấn đã in sâu vào lòng người, cho nên khi Hoàng Thái Thanh chuyển thành kịch nói thì áp lực không nhỏ. Phải làm sao giữ được cốt lõi của bản gốc, nhưng cũng phải làm sao cho mới mẻ, hấp dẫn, lạ lẫm, thu hút người ta. Hoàng Thái Thanh đã làm được. Và chính lớp diễn cuối đã gây xúc động cực mạnh.
Lớp diễn này Hoàng Thái Thanh đã viết thêm cho Ái Như và Hồng Ánh diễn, hoàn toàn thay đổi so với bản gốc. Bản gốc đã cho Hương đi tu sau khi gặp lại mẹ và em, gia đình đoàn tụ và tha thứ coi như Hương đã mãn nguyện, và cô dứt khoát tìm về chốn thiền môn xa lánh sự đời.
Nhưng Hoàng Thái Thanh không muốn Hương tiêu cực đến thế, dù sao thì cô vẫn còn trẻ, vẫn còn sức sống, có cơ hội làm lại cuộc đời, vì vậy đã sửa lại kịch bản, chỉ cho Hương tu tại gia, là cư sĩ làm công quả ở chùa mà thôi. Rồi trong một lần đi nhận quà từ thiện của Mạnh Thường Quân để đem về phát cho người nghèo, Hương không ngờ đã tới nhà của vợ chồng em gái mình và bà giáo mẹ của Hương cũng đang ở đó. Mẹ con, chị em gặp lại nhau và sự tình mới được vén lên, để Hương được thông cảm, tha thứ. Bà giáo sau nhiều năm mòn mỏi nhớ thương con, giờ chỉ biết ôm chặt lấy con mà khóc nức nở.
2. Nghệ sĩ Ái Như đóng vai này là đúng sở trường bi kịch, đã cùng Hồng Ánh tạo nên một lớp diễn đặc sắc. Đó là cảnh bà giáo gội đầu cho con, con dựa đầu lên chân mẹ, mẹ cầm gáo nước xối từng chút cho trôi đi những bụi bặm gió sương, cũng chính là những phong trần mà con từng nếm trải. Mái tóc dài mẹ nuôi từ nhỏ đã bị quăng ra đời, bẩn dơ, xơ xác, thì bây giờ lòng mẹ thứ tha tất cả, chính tay mẹ rửa nỗi oan, nỗi nhục cho con.
Vừa gội tóc, vừa thủ thỉ cùng con, 2 mẹ con đã làm khán giả khóc như mưa. Hình ảnh giản đơn, bình dị đó lại chính là hình ảnh yêu thương, thân thiết nhất mà bất cứ người mẹ, người con nào cũng mong muốn, trân trọng.
Tóc Hồng Ánh dài thật, và Ái Như đã diễn rất giỏi, xối những gáo nước lên mái tóc ấy, tay gội y như thật, hiệu quả biểu diễn ấn tượng vô cùng. Cô Hương lúc đó như một cô bé nhỏ nhoi nép vào lòng mẹ, tìm sự chở che của mẹ, nũng nịu trong vòng tay mẹ.
Cô Hương trở lại là cô con gái thanh sạch, hiếu thảo, hồn nhiên sống bên mẹ, chứ không phải là cô gái giang hồ chai sạn. Dòng nước cuốn trôi những quá khứ lỗi lầm, cay đắng, chỉ còn lại tình thương với nhau, ấm áp vô cùng. Hồng Ánh với gương mặt vốn dĩ dịu dàng, lương thiện, nên trong lớp diễn này cô đã làm mềm lòng bao nhiêu khán giả.
Ái Như gương mặt nhân hậu, giọng nói ngọt ngào, đã cùng ăn ý với Hồng Ánh đến làm tan chảy trái tim người xem. Lớp diễn rất chậm, không cần kịch tính, không cần hành động quá nhiều, quá ồn, chỉ từ từ trôi qua những lời thoại nhẹ nhàng, thấm thía, chỉ là những khoảng lặng sâu thẳm bắt buộc người xem phải tập trung nghe và xem để cảm nhận hết, bắt buộc người ta phải “sành điệu” để thưởng thức tài nghệ của diễn viên, thưởng thức từng chi tiết thật nhỏ, thật tinh tế mà diễn viên đã công phu tập luyện.
Đây là lớp diễn rất mới nhưng rất thành công của bản dựng Nửa đời hương phấn tại Hoàng Thái Thanh. Nó vừa thể hiện đúng chất miền Nam, con người miền Nam với những sinh hoạt gần gũi như gội đầu cho nhau, lại vừa mang tính tả thực rất giống cải lương, mà khán giả hầu như đều thấm đẫm cải lương suốt 100 năm qua.
Nói cho cùng, kịch “melo” (thiên về tình cảm với khuynh hướng nhấn mạnh đạo lý) rất gần với cải lương, và nếu làm thật khéo thì đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật, khán giả miền Nam luôn yêu thích. NSND Kim Cương đã rất thành công trong loại kịch này. Giờ có Hoàng Thái Thanh nối tiếp.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất