'Hủ tục' trong lễ hội - đâu là điểm dừng?

02/04/2015 17:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau hàng loạt tranh cãi quanh những lễ hội liên quan tới các tục "đâm trâu", "chém lợn", "cướp phết", "tranh lộc", một câu hỏi chung đang đặt ra cho ngành quản lý: chúng ta nên giữ gì, bỏ gì, và điều chỉnh những gì với các trường hợp này?

Mới nhất, trong công văn 943, Bộ VH,TT&DL đã yêu cầu các cơ quan văn hóa địa phương tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến cộng đồng, vận động nhân dân loại bỏ, thay thế tập tục... đối với các trường hợp trên. Mặt khác, không cấp phép mới, phục dựng đối với những lễ hội có hình thức, nội dung tương tự.

Bị cho là "phản cảm", "bạo lực"

Nhìn ngược lại, cách đây dăm bảy năm, những hạn chế của mùa lễ hội chủ yếu chỉ được nhắc tới ở các vấn đề như chen lấn giẫm đạp, đốt vàng hương bừa bãi, tổ chức hàng quán tràn lan. Để rồi, từ vài năm qua, những tranh cãi về các tục đâm trâu, chém lợn bắt đầu được đẩy lên cao, nghĩa là "chạm" vào phần nghi thức của lễ hội chứ không còn dừng ở khâu tổ chức.

"Đây là câu chuyện gắn với truyền thông, đặc biệt là sự phát triển của internet. Chỉ cần những hình ảnh hoặc thước phim về cảnh chém lợn xuất hiện một lần trên không gian mạng, rất nhiều du khách đã lập tức chú ý, để rồi đổ dồn về lễ hội này trong những năm tiếp theo" – GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) lý giải. "Càng đông, càng nhiều người chứng kiến và chụp ảnh, quay phim thì lại càng có nhiều ý kiến trái chiều".


Lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng là một trong những nghi lễ hiến sinh gây tranh cãi trong năm qua. Ảnh: AAF

Đáng nói, ở thời điểm ban đầu, các ý kiến phê phán nghi thức đâm trâu, chém lợn chủ yếu tập trung vào góc độ phản cảm, gây tác động tới nhận thức của trẻ em... Tuy nhiên, bước sang mùa lễ hội 2015, câu chuyện đã được đẩy lên mức cao hơn với những thông tin về các màn ẩu đả, đánh lộn liên quan tới nghi thức tại một số lễ hội như Hội Gióng Sóc Sơn hay Hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ)... Nghĩa là, câu chuyện không còn dừng ở nghi thức liên quan tới động vật, mà lan sang cả vấn đề về sự an toàn của khách hành hương.

Những nghi thức lễ hội đang gây tranh cãi có thể tạm chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là tục hiến sinh như đâm trâu, chém lợn, cầu trâu. Loại thứ hai là nghi thức có tính đối kháng, diễn ra giữa chính người tham gia lễ hội với nhau. Có thể kể tới các hình thức tranh lộc, hoặc diễn xướng đánh trận tại những lễ hội thờ tướng trận".

Gián đoạn, đứt gẫy

Thực tế, trong quá khứ, đã có một thời gian rất dài các lễ hội truyền thống của VN không có điều kiện được tổ chức, thực hành. Và, cùng với trào lưu khôi phục lễ hội truyền thống, các trường hợp "có vấn đề" nói trên cũng chỉ có điều kiện xuất hiện trở lại từ thập niên 1990 cho tới này. Điển hình, lễ hội Ném Thượng và nghi thức chém lợn phục dựng vào năm 1998, sau khi đình Ném Thượng được tu bổ. Lễ hội "cầu trâu" tại Tam Nông, Phú Thọ (có hình thức dùng búa... khảo vào đầu trâu) được phục dựng vào các năm 2000 (xã Hương Nha) và 2010 ( xã Xuân Quang). Hoặc, các lễ hội có nghi thức "tranh lộc" như Gióng Sóc Sơn, Gióng Phù Đổng... cũng chỉ chính thức được khôi phục một cách đầy đủ và bài bản trong vòng 10 năm trở lại đây.

"Tạm thời, tôi chưa nhắc tới tính đúng - sai trong các nghi thức các lễ hội này. Nhưng rõ ràng, việc gián đoạn một thời gian dài trong quá khứ đã tạo nên những đứt gãy lớn trong cách nhìn của xã hội" – PGS Ngô Đức Thịnh nhận xét - "Những cộng đồng bản địa phục dựng lễ hội và nghi lễ dựa trên cái gốc tín ngưỡng vẫn được họ lưu giữ. Trong khi đó, một bộ phận đông dư luận gần như không biết, không nghe về các nghi lễ này. Khi có dịp chứng kiến tận mắt, họ phản ứng từ cái nhìn của người ngoài cuộc là dễ hiểu thôi".

GS Thịnh cũng cho rằng trong sự gián đoạn vài chục năm qua, các quan điểm về văn hóa, xã hội của cộng đồng đã có khá nhiều thay đổi nên lại càng "có vấn đề" với những nghi thức vốn ra đời từ vài trăm năm trước. Phần nào, đó cũng là lý do để trong cuộc tranh luận vừa qua, chỉ có giới nghiên cứu văn hóa truyền thống là thiên về luồng ý kiến "thông cảm" với các nghi thức trên.

"Đây là câu chuyện mà lẽ ra chúng ta phải tính đến khi trào lưu phục dựng lễ hội xuất hiện. Bởi, những thứ gây tranh cãi ấy vốn dĩ đã từng bị lãng quên trong hàng chục năm rồi" – nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN), nhận xét - "Bây giờ, khi những nghi thức ấy được phục dựng lại, cộng đồng bản địa đã khôi phục niềm tin và tín ngưỡng của họ, thì việc xóa bỏ là rất nhạy cảm”.

Đón đọc kỳ 2: Khi truyền thống bị bóp méo

Cúc Đường - Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link