12/10/2012 10:05 GMT+7 | Pháp
(TT&VH) - Những đội tuyển mạnh nhất luôn có những thủ môn xuất sắc, như Iker Casillas của Tây Ban Nha hay Gianluigi Buffon của Italia. Đội tuyển Pháp cũng có một thủ môn chất lượng là Hugo Lloris. Anh vẫn còn đó, mới 25 tuổi, không chấn thương và còn lâu mới giải nghệ, nhưng vị trí của anh đã trở thành một thách thức với màu áo Lam.
Không hiếm ĐQTG lớn gặp vấn đề ở vị trí thủ môn. Nó từng làm đau đầu các HLV đội tuyển Anh cho tới khi Joe Hart xuất hiện và cơn khủng hoảng “số 1” được giải quyết. Giống như Joe Hart, tài năng của Hugo Lloris đã phát lộ từ rất sớm. Anh từng bắt chính cho CLB Nice ở Ligue 1 khi mới 19 tuổi và 21 tuổi đã là thủ thành số 1 của “Les Bleus” sau sự ra đi của Gregory Coupet. Rắc rối chỉ xuất hiện kể từ vụ chuyển nhượng tai hại tới Tottenham vào những ngày cuối kỳ chuyển nhượng hè 2012. Đó là khởi đầu của một chuỗi ngày buồn tẻ. Tại White Hart Lane, cựu thủ môn Lyon phải dự bị cho ông lão 41 tuổi Brad Friedel, mới chỉ bắt duy nhất một trận Premier League (gặp Aston Villa cuối tuần qua) cùng 2 trận Europa League, mặt trận bị xem là thứ yếu của Spurs.
Ngay sau loạt trận quốc tế cùng “Les Bleus”, Lloris sẽ trở lại Tottenham, đội bóng của anh sẽ tiếp Chelsea (ngày 20/10). Vẫn chưa rõ ai sẽ bắt chính ở derby London, và HLV Villas-Boas thì lảng tránh chủ đề này. Hôm ấy Lloris sẽ gặp lại Christophe Lollichon, người từng làm việc với anh ở đội tuyển Pháp và hiện là HLV thủ môn Chelsea. Lollichon tỏ ra đồng cảm với nỗi buồn mà người học trò cũ phải chịu đựng và lý giải tại sao anh không được trân trọng: “Hugo (Lloris) rời Ligue 1 để khám phá một giải đấu mà các tiền đạo hung hãn hơn, số đường chuyền bổng vào khung thành nhiều hơn và quỹ đạo bay của trái bóng rộng hơn. Ở Anh, người ta đòi hỏi các thủ môn quyết đoán và phán đoán tốt hơn, đặc biệt trong những tình huống cố định. Có những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới đang chơi ở Premier League, nhưng cũng có những tiền đạo “đặc chất Anh” như Grant Holt của Norwich. Lối chơi của các CLB cũng rất đa dạng, nhiều đội chơi hiện đại theo phong cách châu Âu nhưng cũng có các đối thủ chơi bóng dài đơn giản như Stoke. Những đội này thường có các cầu thủ chuyên che khuất tầm nhìn và cản đường băng ra của thủ môn, Hugo phải làm quen với điều đó bởi ở Pháp các trọng tài sẽ thổi phạt nhưng ở Anh thì rất hiếm khi.”Bài học từ De Gea
Lịch sử chỉ ra rằng các tiền đạo xuất thân từ Ligue 1 sẽ hòa nhập rất nhanh với môi trường bóng đá Anh (như Henry, Drogba, Adebayor…) nhưng các thủ môn thì ngược lại.
Lloris đang phải đương đầu với những rắc rối mà tiền bối Fabien Barthez từng trải qua khi chuyển từ Monaco tới M.U với bản hợp đồng kỷ lục vào năm 2000. Thủ môn vô địch châu Âu và thế giới với tuyển Pháp cũng từng bị xem như trò cười ở xứ sương mù, Lloris chưa đạt tới đẳng cấp của Barthez nên việc anh hòa nhập chậm cũng không quá khó hiểu. Ngoài ra, không hiểu vì lý do gì mà các thế hệ thủ môn Pháp (từ Bernard Lama cho tới Barthez, Coupet, Lloris) khi xuất ngoại đều bắt không tốt dù trong thời đại của họ luôn có rất nhiều các hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo đồng hương chơi rất xuất sắc ở các giải VĐQG lớn nhất châu Âu.Sân cỏ Anh không phải điểm đến dễ chịu với các thủ môn, ở đó những sân bóng rộng hơn và cũng ầm ĩ hơn. “Thủ môn rất khó trao đổi với các hậu vệ bởi âm thanh huyên náo từ khán đài. Các đội bóng dù thua tới 4-0 cũng vẫn cố gắng tìm bàn thắng, Bolton từng bị Chelsea dẫn với tỷ số ấy nhưng vẫn chiến đấu để gỡ còn 4-3 và Petr Cech phải làm việc đến những giây cuối cùng. Hugo đã nhìn thấy từ Aston Villa, anh ấy rời vị trí để phá bóng lên bằng chân nhưng tiền đạo đối thủ không dừng lại mà vẫn cố lao đến chặn bóng. Tôi thấy Hugo ngạc nhiên nhưng anh ấy phải luôn nhớ điều đó,” Lollichon nói.
HLV Arsene Wenger từng đúc kết rằng Premier League là sân chơi khó khăn đối với các tiền đạo và các thủ môn. Lollichon tán thành ý kiến ấy: “Hãy nhìn bài học của David De Gea. Anh ấy từng là thủ thành xuất chúng ở Liga nhưng những mùa đầu tiên ở M.U lại vô cùng khó khăn. De Gea cao hơn Hugo (1m92 so với 1m88) và về lý thuyết sẽ thích nghi với bóng đá Anh nhanh hơn, nhưng thực tế thì ngược lại.”
Dù sao thì Lloris cũng có thể tạm gác lại những rắc rối để tìm kiếm niềm vui cùng tuyển Pháp. HLV Deschamps khẳng định vẫn sẽ để anh bắt chính. Thầy cũ Lollichon đánh giá anh là thủ môn “thông minh, nhanh nhẹn, thận trọng và tài năng không cần bàn cãi”. Màn trình diễn thuyết phục ở 2 trận đấu với Nhật Bản và Tây Ban Nha sẽ giúp Lloris tìm lại sự tự tin, cũng là cơ hội để anh chứng tỏ mình trước Villas-Boas. Lloris, đừng đánh rơi cơ hội của mình!
2h00 ngày 13/10, sân Stade de France: Pháp - Nhật Bản: Hồn ở Madrid Didier Deschamps thừa nhận, chuyến làm khách ở Tây Ban Nha đã choán đầy tâm trí của các cầu thủ và trận giao hữu với Nhật chỉ để thử nghiệm. Nhưng thử nghiệm quan trọng nhất, cặp trung vệ Sakho - Koscielny, có nguy cơ phá sản do ngôi sao Arsenal chấn thương đầu gối và phải nhờ 2 bác sĩ dìu khỏi sân trong buổi tập muộn tối thứ Tư. Deschamps có lẽ sẽ phải miễn cưỡng kết hợp Rami và Sakho, đồng thời cầu nguyện cho Koscielny kịp bình phục trước trận gặp TBN. Sự vắng mặt của Mavuba, ngôi sao ở 2 trận đầu vòng loại khiến “DD” phải đẩy Capoue vào giữa thay thế, Matuidi sẽ lấp chỗ trống bên cánh trái của cầu thủ Toulouse. Cabaye và Ribery chấn thương nhẹ cũng sẽ được cho nghỉ dưỡng sức, Moussa Sissoko sẽ đá thay cầu thủ mang dòng máu Việt trong khi Benzema lệch sang cánh trái, vị trí quen thuộc của Ribery trong sơ đồ 4-3-3. Bên cánh phải có thể là Menez hoặc Valbuena. Giống như TBN, Nhật sở hữu nhiều cầu thủ nhỏ con nhưng rất kỹ thuật như Kagawa, Honda hay Nagamoto… Đó sẽ là cơ hội để Pháp tập dượt lần cuối trước chuyến hành quân tới Madrid. Dự đoán: 1-0 Đội hình dự kiến: Pháp: Lloris - Debuchy, Rami, Sakho, Clichy - Sissoko, Capoue, Matuidi - Menez, Giroud, Benzema. Nhật: Kawashima - Uchida, Yoshida, Konno, Nagatomo - Hasebe, Endo - Kiyotake, Kagawa, Honda - Havenaar. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất