(Bài dự thi) - Chuyến đi thực tế của lớp tôi năm nay là Tây Bắc, ngay từ đầu khi biết tin chúng tôi hét ầm lên vì vui và vì bất ngờ. Mỗi bước đi, mỗi vùng đất mà chúng tôi đã đến và sắp đến đều có những nét đẹp riêng mà chúng tôi chưa biết. Thời sinh viên vô tư, năng động và tinh nghịch gắn bó với nhau như một gia đình, những chuyến đi thực tế như thế này sẽ tích lũy cho chúng tôi những kiến thức mới, những trải nghiệm mới và những kỷ niệm mãi không thể nào quên.
Đường lên Tây Bắc xanh thắm, màu xanh tươi non của bạt ngàn núi rừng. Những con đường quanh co, uốn lượn lên xuống nhìn xa xa tựa như sợi chỉ trắng giữa tấm thảm xanh mượt mà. Núi tiếp núi, một biển núi mênh mông như tụ họp ở nơi đây. Màu xanh nối tiếp màu xanh, điểm vào đó là những bụi dã quỳ màu vàng, thấp thoáng một vài ngôi nhà sàn giản dị và đơn sơ, thi thoảng một vài cây mận nở hoa sớm làm cho khung cảnh đẹp hiền hòa thật thanh bình. Dòng suối Loóng Sập chảy ngược như đồng hành cùng bước đường chúng tôi lên Sơn La. Đường xa là thế, đèo dốc và đồi núi là thế mà trên gương mặt mỗi người vẫn ngời lên nét tươi vui kỳ lạ. Thầy trưởng khoa ôm đàn ghita bắt nhịp cho chúng tôi hát “Đường lên Tây Bắc”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn tây”, “Nhạc Rừng”… những bài hát tưởng chừng như đã cũ mà giờ đây ùa về trong chúng tôi những cảm xúc mới nguyên và vui nhộn, tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh và tình yêu với núi rừng Tây Bắc.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là bản Áng I, xã Đông Sang của Mộc Châu, Sơn La. Ai cũng vui mừng vì được nhìn tận mắt những ngôi nhà sàn nối tiếp nhau, thấy những trang phục dân tộc độc đáo, những cô gái Thái xinh tươi, duyên dáng với những bộ váy rực rỡ của mình. Chúng tôi được biết ở mỗi ngôi nhà sàn đều có một thanh gỗ dài chừng một gang tay để ở trước cửa nhà, vì theo người Thái, thanh gỗ đó để trừ ma, trừ tà. Bước vào ngôi nhà sàn chúng tôi đều thắc mắc vì sao bên phải và bên trái gian nhà đều có ban thờ thì được giải thích là người Thái có phong tục thờ cả bố mẹ vợ. Đã sắp đến tết, mỗi gia đình người Thái đều có một con chuột mây bắt từ trong núi đá, họ nói dùng chuột mây cúng ông bà tổ tiên vào ngày tết thì mới coi là năm mới đến…
Bao nhiêu điều mới lạ chúng tôi được biết qua chuyến đi thực tế lần này, đi đến đâu người dân bản cũng tươi cười chào đón. Và có lẽ không ai trong đoàn có thể quên đêm múa xòe hôm ấy. Buổi tối chúng tôi đến giao lưu ở nhà văn hóa của bản, được nghe những cô gái Thái hát, xem những điệu múa đặc trưng của dân tộc Thái trắng…Khi tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc vang lên, dân bản kéo chúng tôi ra sân, tay nắm trong tay tạo thành một vòng xòe xung quanh đống lửa lớn, những bình rượu cần được mang ra. Mỗi người chúng tôi ai cũng hào hứng và hân hoan vì được tận mắt chứng kiến và tham gia sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Thái trắng nơi đây. Cứ thế vòng xòe được tăng thêm hai vòng, ba vòng, cùng xòe rồi cùng uống rượu cần. Men rượu cần bốc lên làm hồng thêm đôi má, cho thêm ít nồng nàn để thêm yêu Tây Bắc hơn.
Các cụ trong bản nói “rượu cần là mùi vị của Tây Bắc, ai đến Tây Bắc rồi mà chưa uống rượu cần thì coi như chưa đến…” tôi chưa một lần uống rượu vậy mà mùi vị Tây Bắc cứ cuốn tôi theo, vị ngòn ngọt, cay cay của men rượu cần thật đặc biệt. Loại rượu làm từ lúa nếp nương và ủ bằng lá cây rừng, khi uống thì pha bằng nước suối ấy làm trái tim chúng tôi như rộn ràng hơn, nồng nàn hơn. Những vòng xòe, những nhịp chân như không muốn dừng lại, những câu hát cứ hát mãi “điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ, mà vẫn đau đây như thủa nào. Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ, chân đi nhịp nhàng mà sao bối dối. Tay trong tay đêm nay, lòng ngất ngây bồi hồi, em lung linh trong điều xòe như cành ban trắng mùa xuân…em say sưa trong điệu xòe để lại hơi ấm bàn tay…”. Tiếng hát, tiếng chiêng, tiếng trống cứ vang lên mãi. Thế rồi chúng tôi phải chia tay đêm xòe về nghỉ tại nhà sàn của bác trưởng bản để ngày mai tiếp tục cuộc hành trình. Ai cũng thấm mệt nhưng trên môi mỗi người vẫn tươi rói nụ cười, ánh mắt vẫn chứa chan niềm vui mới…
Mỗi chuyến đi là những hiểu biết, là những tri thức mới, là tiếng cười, là kỷ niệm gắn với thời sinh viên in sâu trong mỗi người đến suốt cuộc đời. Ngày mai, chúng tôi chia tay Mộc Châu, chia tay nơi đây để tiếp tục chuyến thực tế của mình, ai cũng nhớ điệu xòe, cũng giữ trong mình chút lâng lâng của men rượu cần; nhớ mãi ánh mắt, nụ cười thân thiện, cởi mở của người dân nơi đây.
Và tiếng cười, tiếng đàn, giọng hát và dấu chân của chúng tôi sẽ còn in ở nơi này một dấu kỷ niệm. Điệu xòe, rượu cần, nững ngôi nhà sàn, những cô gái Thái duyên dáng và người dân nơi đây đã tiếp cho chúng tôi một tình yêu mới, niềm say mê mới, thêm yêu mỗi bước chân của mình. Chúng tôi thêm yêu Tây Bắc, thêm yêu đất nước mình hơn, mỗi vùng đất đều có những điểm đáng yêu, đáng nhớ và mỗi người khi bước chân đến đều để lại dấu ấn khó quên. Như Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Tôi thiu thiu ngủ, bên kia vẫn nghe thấy câu nói của bác trưởng bản “con trai Thái xưa có tục chọc sàn để tìm vợ...” Hình như tối hôm ấy chúng tôi được chọc sàn…
Mộc Châu tháng 1năm 2007
Cao THị Hồng Cảnh