Người dân "chóng mặt" vì ngân hàng đua tăng lãi suất.
|
Sáng nay 12/6, người dân lại kéo đến những ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất tăng cao để đổi sổ tiết kiệm, lượng tiền gửi mới rất ít. Ngân hàng thừa nhận dù đã cố gắng tạo đột biến nhưng mức huy động vốn của họ không còn được như kỳ vọng.Thị trường ngân hàng bước vào dịp tăng lãi suất mới nhộn nhịp hẳn lên. Tuy nhiên, đó không hẳn là cảnh đổ xô đi rút tiền ở ngân hàng có lãi suất thấp để chuyển sang gửi ngân hàng lãi suất cao hơn như hai đợt tăng trước.
Theo đại diện của một ngân hàng TMCP, thời điểm này ngân hàng khó huy động vốn hơn, vì đợt điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản lên 12%/năm lần trước đã “hút” gần hết lượng tiền nhàn rỗi trong dân.
Đại diện này cho hay, với mức chạy đua lãi suất cao như hiện nay, các ngân hàng gần như không có lãi. Nhưng họ không thể làm khác, bởi cơ chế tăng lãi suất đã được Ngân hàng Nhà nước quy định, và hơn cả là vì “níu” chân khách hàng, ổn định dòng vốn huy động cũ tránh chảy qua ngân hàng khác.
SeABank, một ngày sau khi quyết định điều chỉnh lãi suất huy động VND lên tới 19,2%, lượng khách ra vào trụ sở chính nườm nượp. Điểm nổi bật nhất tại ngân hàng này, theo ghi nhận của phóng viên, là lượng người đến đổi sổ tiết kiệm để được hưởng mức lãi suất hấp dẫn mới chiếm áp đảo.
Cảnh giao dịch tại SeABank sáng 12/6.
Chị Hoa, nhà ở Đặng Tiến Đông (Hà Nội) cho biết, chị mới gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng tuần trước nên hôm nay đến để rút ra và gửi lại theo bảng lãi suất mới kỳ hạn 6 tháng.
“Tôi nghĩ các mức lãi suất huy động hiện nay đã lên tới “đỉnh”, gửi 6 tháng cho đỡ mất thời gian, mức 19,2% hấp dẫn thật đấy nhưng lâu quá”, chị Hoa nói.
Còn với bác Ngân, một khách hàng mới, lại có lý lẽ riêng của mình: “Tôi có nghe thông tin đồn tính thanh khoản của một số ngân hàng kém, nhưng tôi biết họ đều có ký quỹ. Vậy nên tôi chọn kỳ hạn 3 tháng để gửi, lãi suất vừa hấp dẫn, lại khá an toàn về mặt thời gian”.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sáng nay cũng đón nhận một lượng khách đến đổi sổ tiết kiệm. Dù mức tăng không cao so với mặt bằng chung hiện nay, mức huy động cao nhất là 17,5% đối với kỳ hạn 12 tháng, nhưng lại biết cách giữ chân khách hàng khi cộng thêm lãi bậc thang tiền gửi.
Một khách gửi tiền tại đây tâm sự: “Lãi suất tăng cao tôi rất mừng, vì nó bù đắp được phần nào lạm phát; nhưng điều tôi quan tâm nhất vẫn là tính ổn định của mặt bằng lãi suất. Mỗi ngân hàng có một cách giữ chân khách hàng khác nhau, chúng tôi cũng không thể chạy đua theo họ được”.
Tại BIDV, Vietcombank, Sacombank, Techcombank... dòng người đến ngân hàng khá đông nhưng không hẳn vì chuyện lãi suất, nhiều giao dịch là chuyển khoản, lấy tiền lãi tiết kiệm.
Bác Ngân được con gái đưa đến hội sở của BIDV để lấy tiền lãi và làm lại sổ nói: “Tôi xem ti vi thấy nói có ngân hàng tăng lãi suất lên trên 19%, nhưng con gái tôi khuyên cứ gửi tiếp tại ngân hàng cũ, vì nó là của Nhà nước nên tính an toàn cao hơn”.
Lời khuyên của các chuyên gia tài chính dành cho người dân hiện nay vẫn là: không nên chạy theo lãi suất huy động quá cao, mà quên đi những dấu hiệu được cảnh báo về khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Người dân nên gửi tiết kiệm ở những ngân hàng lớn, ngân hàng có uy tín.
Mặc dù người gửi tiền được bảo hiểm, nhưng theo chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành, cũng như các nước, bảo hiểm tài sản của Việt Nam có giới hạn nhất định.
Để bảo vệ an toàn cho tài sản của mình, người dân có tài khoản bên ngân hàng nhỏ sẽ bỏ sang bên ngân hàng lớn và các ngân hàng nhỏ sẽ mất đi một khoản tiền lớn ký gửi.
Theo Dân trí