Phát biểu trước khi lên đường tới dự hội nghị G8 ở Nhật Bản, Thủ tướng Gordon Brown kêu gọi dân Anh cần từ bỏ ngay thói quen lãng phí thực phẩm. Theo một nghiên cứu của văn phòng nội các Anh, trung bình mỗi gia đình Anh dùng 9% thu nhập để mua thức ăn và họ vứt đi lượng đồ ăn trị giá khoảng 8 bảng/tuần. Mỗi năm một gia đình Anh lãng phí khoảng 420 bảng tiền mua quá nhiều thức ăn và họ vứt đi khoảng 4 triệu tấn lương thực.
Theo ông Brown, thói quen chi tiêu mua sắm thực phẩm vô tội vạ này đã góp phần khiến giá cả tăng cao. Ông đề nghị người dân lên kế hoạch cho các bữa ăn và cất giữ thực phẩm đúng cách thay vì vứt đi.
Giá thực phẩm ngày càng tăng
Trong khi đó tại Ireland, Thủ tướng Brian Cowen đã công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Mục tiêu của Cowen là tiết kiệm cho ngân sách khoảng 500 triệu euro ngay trong năm nay. Với lời tuyên bố "không có con đường nào ít đau thương cho việc cắt giảm chi tiêu", ông Cowen yêu cầu họp nội các để tìm ra khu vực nào đang sử dụng tiền ngân sách nhiều nhất. Khả năng tinh giảm biên chế đã được đặt ra. Thậm chí có tin một số bộ sẽ bị ông Cowen giải tán hoặc sát nhập với bộ khác để thực hiện bằng được mục tiêu tiết kiệm.
Tương tự, ở Philippines, Tổng thống Arroyo đã ra chỉ thị tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng, trong đó yêu cầu các viên chức nhà nước phải đi đầu trong việc tiết kiệm điện. Còn ở Nhật Bản, Thủ tướng Fukuda đã trở tự nguyện làm gương cho người khác khi tuyên bố ông sẽ tới dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh bằng chiếc máy bay cỡ nhỏ của quân đội để tiết kiệm xăng. Tổng thống Colombia Alvaro Uribe thì khẳng định sẽ cắt giảm 1,5 triệu peso (857 triệu USD) chi tiêu ngân sách trong năm nay thông qua việc giảm bớt chi tiêu đi lại và sử dụng điện thoại của các cơ quan trong chính phủ.
Chính phủ hành động
Các nước đều tính toán phương án cắt giảm chi tiêu |
Trên tinh thần cắt giảm tối đa những chi tiêu không cần thiết, vừa qua chính phủ của Thủ tướng Hàn Quốc Han Seung-soo đã công bố kế hoạch đối phó với cái gọi là "cơn sốt dầu thứ 3". Theo kế hoạch này chính phủ sẽ giảm khoảng 30% việc sử dụng xe công. Công sở sẽ được lắp các máy điều nhiệt để giảm bớt tình trạng sử dụng hàng loạt điều hoà nhiệt độ. Đèn thắp sáng ban đêm tại nhiều khu vực công cộng sẽ bị cắt. Ngay cả đèn đường trên một số tuyến phố cũng bị cắt nốt.
Trong trường hợp giá dầu thô vượt ngưỡng 170 USD/thùng, chính phủ Hàn Quốc sẽ chuyển qua giai đoạn 2, buộc thành phần kinh tế tư nhân phải giảm lượng tiêu thụ điện. Các tụ điểm vui chơi giải trí sẽ bị buộc phải giảm số giờ hoạt động. Chính phủ hiện đang xem xét việc có tạm ngừng các chương trình TV phát đêm hay không. Với kế hoạch trên, chính phủ Hàn Quốc hy vọng có thể giảm 6,6% lượng tiêu thụ năng lượng.
Còn từ đầu tháng 6, 11 bộ trưởng thuộc các nước Công nghiệp phát triển G8 và Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc nhóm họp tại Aomori, Nhật Bản, đã thông qua thỏa thuận thành lập một liên minh tiết kiệm năng lượng mang quy mô quốc tế. Trong tuyên bố chung Aomori, các nước này cho hay sẽ tổ chức một diễn đàn chung có nhiệm vụ cung cấp thông tin về kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng, nhất là dầu lửa, trong thời buổi giá dầu cắt cổ như hiện nay.
Doanh nghiệp hưởng ứng
Ngay sau khi chính phủ ban bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng, Bộ trưởng năng lượng Hàn Quốc cho hay các doanh nghiệp trong nước sẽ đầu tư khoảng 2,66 tỉ USD trong giai đoạn từ nay tới năm 2012 để cho ra đời các nhà máy tiết kiệm năng lượng. Các công ty như STX Shipbuilding, Hanwha Petrochemical Corp và POSCO đã cam kết sẽ cắt giảm lượng nhiêu liệu tiêu thụ tương đương với 11,46 triệu thùng dầu/năm, tiết kiệm khoảng 8,4 ngàn tỉ won.
Trong lúc đó ở Philippines, rất nhiều công ty hàng đầu quốc gia bắt đầu chủ động triển khai các biện pháp tiết kiệm. Công ty Jollibee Foods Corp. đưa vào sử dụng một hệ thống vệ sinh đặc biệt không cần sử dụng tới nước xả, qua đó tiết kiệm 150.000 lít nước/năm. Công ty cũng giảm việc sử dụng điều hòa và tiết kiệm khoảng 25.000kw/h điện/điều hoà mỗi năm. Công ty Unilever Corp. chủ trương đơn giản hoá các hoạt động để giảm bớt việc dùng điện, thay các bóng đèn đỏ bằng đèn neon và thay các mái nhà bằng vật liệu trong suốt để đỡ phải bật đèn vào ban ngày. Công ty Figaro Coffee Corp. quy định phải tắt điều hoà nhiệt độ khoảng 1 tiếng trước giờ tan tầm và tắt mọi máy tính khi không sử dụng...
Người dân đồng tình
Người dân lao động có lẽ là đối tượng "thấm" nhất gánh nặng của bão giá. Vì thế, ngay ở quốc gia giàu nhất thế giới như Mỹ, vô số người dân đã thay đổi thói quen sinh hoạt. Phil Lempert, một chuyên gia khảo sát xu hướng thị trường cho các siêu thị, nhận xét người Mỹ giờ đây đã từ bỏ thói quen mua hàng vô tội vạ và bắt đầu có sự chọn lọc, ngã giá. Họ thường mua đồ rẻ, đồ khuyến mãi, mua theo lô để được giá bán buôn. Những người cẩn thận còn mang theo cả danh sách mua hàng để chắc chắn họ chỉ bỏ ra một lượng tiền vừa phải, đủ để mua những thứ thật cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Người Mỹ bắt đầu chi tiêu tiết kiệm hơn
Một số người Mỹ như Rebecca Woods ở vùng Lathrop, bang Missouri thì tự tay trồng rau và nuôi gà ngay trong mảnh vườn sau nhà chị để khỏi phải đi mua sắm. Chị cho biết như thế vẫn còn đỡ hơn một số bạn bè không có điều kiện tự trồng trọt, phải đi tới các siêu thị để mua đồ ăn giá rẻ hoặc chấp nhận dùng bữa với thực đơn nghèo nàn.
Và tất nhiên, người Mỹ những ngày này tiết kiệm triệt để. Đồ ăn thường được chia ra nhiều bữa bỏ vào tủ lạnh dùng dần chứ không có chuyện đổ đi như trước. Việc tiết kiệm là rất cần thiết bởi theo tờ USA Today, trong năm 2007, giá thực phẩm ở Mỹ đã tăng 4% và dự báo sẽ tăng thêm 5,5% trong năm nay. Còn theo một cuộc thăm dò mới đây của USA TODAY và Gallup Poll trên 1.016 người lớn, 46% cho hay giá cả tăng đã gây áp lực cực lớn lên khả năng tài chính cho họ. Vì lẽ đó tiết kiệm được coi là giải pháp dài hạn để các gia đình Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Gia Bảo