Huyền Chip trình hộ chiếu đi 25 quốc gia

19/09/2013 13:02 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trước những nghi vấn về tính xác thực của bộ sách du ký Xách ba lô lên và đi, Huyền Chíp đã giải thích cặn kẽ trong lễ ra mắt tập 2 của cuốn sách mang tên Đừng chết ở Châu Phi. Đồng thời, Huyền Chíp cũng công bố cuốn hộ chiếu có dấu đỏ của 25 quốc gia cô đi qua, bác lại mọi tin đồn về việc cô “chém gió” về cuộc hành trình.

Đó là nội dung chính của buổi ra mắt tập 2 bộ sách Xách ba lô lên đường và đi của Huyền Chíp tại Trung tâm văn hóa Pháp (24, Tràng Tiền) sáng nay (19/9).

Nóng vì “lùm xùm”

Chẳng mấy khi ở Hà Nội có một cuộc ra mắt sách rầm rộ đến vậy. Khán phòng Trung tâm văn hóa Pháp chật cứng. Dù BTC đã kê thêm ghế nhưng vẫn có khán giả phải chen chân đứng. Sự hấp dẫn của buổi ra mắt sách không hoàn toàn nằm ở nội dung sách mà bởi “nghi án Huyền Chíp nói dối” đã lùm xùm cả tuần qua trên các diễn đàn mạng.

Ngoài giới trẻ, những người ở “hai bên chiến tuyến” trong những cuộc tranh cãi gần đây về bộ sách, lễ ra mắt sách của Huyền Chip hôm nay còn có sự tham gia của những diễn giả là những người đi trước như: GS. Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên...

Buổi lễ ra mắt sách đông hiếm có tại Trung tâm Văn hóa Pháp

Lễ ra mắt mở đầu bằng những cảm nhận của Huyền cùng những câu chuyện “bếp núc” về bộ sách. Mọi thứ được Huyền Chíp bình tĩnh trình bày tự nhiên, nhẹ nhàng “như chưa hề có scandal”.

Song đến phần hỏi đáp, buổi ra mắt sách lập tức nóng lên với những nghi vấn liên tiếp, thậm chí có những câu hỏi thiếu thiện chí dành cho Huyền. Khán giả tên Thành mở đầu phần hỏi đáp bằng một câu hỏi “gài bẫy”: “Mình trước có mua sách tập 1 của Huyền Chíp và xin chữ ký bạn, không biết Huyền có nhớ mình?”

Huyền Chíp đáp "có" theo nguyên tắc xã giao. Lập tức thái độ của khán giả thay đổi, Thành cho hay: "Tôi chưa từng xin chữ ký Huyền". Và cậu ám chỉ qua một câu hỏi nhỏ cũng “test” được độ thành thực của Huyền Chip.

Liền sau đó, khán giả này đặt một loạt câu hỏi mà dư luận đang dấy lên sóng nghi ngờ: Huyền xin Visa kiểu gì? Huyền kiếm việc ra sao? Tại sao Huyền viết đi Palestine sau đó sang Israel trong khi trên thực tế, khi hộ chiếu đã có dấu của một quốc gia thì quốc gia còn lại sẽ không chấp nhận?

Hơn thế, “ở tập 1, Chương 55, dòng 2 Huyền có viết đại ý bị gãy chân. Nhưng ngay đoạn sau, Huyền lại viết đi lại vui chơi bình thường. Điều này là phi thực tế và không thể chấp nhận được!”- khán giả Thành nói.


Các diễn giả chia sẻ tại buổi lễ ra mắt sách

Đáp lại, Huyền Chíp cho hay: Về vấn đề visa, mỗi quốc gia mỗi khác. Các bạn không thể vin vào câu tôi nói đùa với nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan là “nài nỉ” xin visa để áp dụng vào trong mọi trường hợp. Còn chuyện xin Visa ở Israel và Palestine, tôi không thể giải thích vì chức phận của tôi không phải nhà ngoại giao. 

Về vấn đề tài chính, Huyền cho hay, những việc cô làm cũng không quá cao sang như mọi người nghi vấn. Và Huyền cũng không tính thu nhập theo tháng để “giải trình” với mọi người

Buổi ra mắt cũng thu hút sự quan tâm đông đảo của giới truyền thông

“Tôi làm nhiều việc: từ những việc ở sòng bạc 150 USD/ tuần, hay viết blog 10 USD/ bài, hoặc tổ chức sự kiện cho 1 CLB ở Nepal. Và tôi cũng cả viết báo gửi về nước nữa” - Huyền Chíp nói.

Ngay tại buổi ra mắt sách, đại diện một tờ báo cũng lên tiếng xác nhận việc thường xuyên nhận bài và gửi tiền nhuận bút cho Huyền Chíp.

“Không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ ai”

“Huyền Chíp không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ ai. Cũng như việc không thể đổ lỗi cho giới trẻ hút thuốc phiện là tại John Lennon, bỏ nhà ra đi là tại Daniel Defoe khi ông viết Robison” - PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh đáp lại những chỉ trích khi cho rằng Huyền Chíp đã “lãng mạn hóa” hành trình khiến nhiều người trẻ ảo tưởng vào chuyện phượt với hai bàn tay trắng.

Lập tức một độc giả cho hay: “Đang có một sự đánh tráo khái niệm ở đây. Vấn đề là Daniel Defoe viết Robinson dưới dạng tiểu thuyết. Đó là chuyện hư cấu. Còn Huyền Chíp viết dạng nhật ký hành trình, đồng nghĩa với phi hư cấu. Để tăng tính xác tín và “bào chữa” cho những nghi vấn của độc giả, Huyền nên đưa ra những luận cứ thuyết phục và cả “bằng chứng” chứng minh chuyến đi là thực.”

Huyền cười, nụ cười hiếm hoi suốt cuộc tranh luận nảy lửa: “Người ta chỉ chứng minh mình vô tội khi và chỉ khi quan tòa khép người ta có tội. Còn khi chẳng ai có đủ lý lẽ chứng minh tôi nói dối, nói sai sự thực trong cuốn sách thì tôi không việc gì phải chứng minh mình nói thật”.

GS Nguyễn Lân Dũng lật từng trang hộ chiếu của Huyền

Cuộc tranh luận cứ giằng co qua lại nhiều lần như vậy cho đến thời điểm gần kết thúc buổi lễ ra mắt. Để giải quyết rốt ráo vấn đề, Huyền đã mang tấm hộ chiếu cho các học giả và cũng là diễn giả của tọa đàm là GS Nguyễn Lân Dũng và PGS Hồng Ánh kiểm chứng. Đồng thời những trang hộ chiếu cũng được trình công khai tại sân khấu buổi ra mắt sách.

Buổi ra mắt sách kết thúc, đoàn người ùn ùn ra đường chật cứng cửa. Một vài người hả hê ra mặt vì nghĩ mình đã không đặt niềm tin nhầm chỗ. Một vài người khác vẫn chau mày hòa lẫn vào đám đông.

"Sách du ký là thể loại mới ở Việt Nam nhưng không mới ở thế giới. Và trên thế giới chẳng có buổi ra mắt sách du ký nào, độc giả nằng nặc đòi người viết phải đưa ra bằng chứng như buổi ra mắt sách hôm nay" - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trao đổi với Thethaovanhoa.vn


Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link