Viễn cảnh hải chiến Mỹ-Iran

06/01/2012 10:46 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 27/12, Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi đe doạ sẽ đóng eo biển Hormuz trong trường hợp bị Mỹ và các nước lớn ở phương Tây cấm vận nhập khẩu dầu lửa của nước này. Đô đốc Habibollah Sayyari, chỉ huy các lực lượng Hải quân Iran tuyên bố việc đóng eo biển rất dễ thực hiện về mặt kỹ thuật. Diễn biến gây căng thẳng này đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng xảy ra hải chiến giữa Mỹ và Iran.

Giới phân tích nói rằng nền kinh tế Iran đã phải trải qua cuộc khủng hoảng khá nghiêm trọng nên khó có thể trụ vững trước biện pháp trừng phạt đánh vào dầu lửa, nguồn thu chủ yếu của nước này. Sự trừng phạt như vậy có thể đẩy Iran đến bên bờ  khủng hoảng xã hội trầm trọng và khơi mào cho những bất ổn làm lung lay thể chế chính trị hiện hành.

Tàu ngầm, thủy lôi, tàu cao tốc đen đặc vùng biển

Trong tình huống Iran bị dồn tới đường cùng bằng các lệnh cấm vận, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Pasdaran) có thể sẽ nhận lệnh đóng eo biển Hormuz, vốn nằm trong khả năng của họ.

Hiện Hải quân Iran đang sở hữu 3 tàu ngầm 877 EKM hạng Kilo; một tàu khu trục Jamaran, 5 tàu hộ tống chống tàu ngầm; 3 tàu hộ tống Bayandor 81, Naghdi 82 và Hamzeh 802; 12 thuyền máy hạng Combattante II và 10 tàu bắn tên lửa hạng Thondor 021. Được triển khai dọc bờ biển nam Iran, tất cả các đơn vị hải quân này được phép phản ứng trên khu vực biển Oman.

Iran hiện có trong tay một kho vũ khí phòng thủ biển rất mạnh và không kém phần hiện đại

Ngoài tàu chiến, Iran còn có các tên lửa đất đối hải hiện đại, tầm xa từ 200-400 km, gồm loại Raad (HY-2 của Trung Quốc), SS-N-22 Sunburn và SS-N-26 Yakhont. Thêm vào đó, phần lớn máy bay Su-24 Fencer, F-4 D và E Phantom, có khả năng bắn tên lửa không đối hải C-801K, C-802 Noor và Kowsar-2, có thể cũng đã được triển khai trong khu vực nhạy cảm nhằm hỗ trợ cho các đội tàu của Hải quân.

Tại khu vực vịnh Persique, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran được trang bị các tàu cỡ nhỏ, trong đó có 10 tàu China Cat, khoảng 40 chiếc tàu tốc độ cao do Iran hoặc CHDCND Triều Tiên sản xuất, trang bị tên lửa hải đối hải hoặc ngư lôi và 1.300 xuồng nhẹ mang pháo.

Bên cạnh đó, Hải quân Iran còn mua 17 tàu ngầm cỡ nhỏ Ghadir, 4 chiếc hạng Yougo và hai chiếc Nahang, dùng để thả thuỷ lôi trong vịnh Persique và khi cần tấn công tàu chiến mang ngư lôi. Tehran cũng nửa kín nửa hở hé lộ về một chiếc tàu ngầm siêu lớn được đóng tại chỗ mang tên Fateh.

Việc phong toả eo biển Hormuz có thể được tiến hành với trợ giúp của các tàu dân sự có trang bị thuỷ lôi, hiện ước tính lên đến hàng trăm chiếc. Trên thực tế, hiện Iran đang sở hữu khoảng 5.000 thuỷ lôi có xuất xứ từ Triều Tiên, thế hệ EM-11, EM-31 và có thể là EM-52. Nga đã chuyển giao cho Tehran khoảng 1.000 thuỷ lôi, trong đó có loại MDM-6 với khả năng chống cả tàu nổi lẫn tàu ngầm. Hải quân Iran còn sử dụng rất nhiều tên lửa đất đối hải Kowsar, Noor, Seersucker và Raad, điểm bắn được bố trí tại các vị trí cần được bảo vệ trên dọc bờ biển và trên các đảo Abou Moussa, Tumb, Siri và Qeshm.

Đe doạ nhằm vào hạm đội số 5 của Mỹ

Hạm đội số 5 của Hải quân Mỹ nằm dưới quyền chỉ huy của CENTCOM, có đại bản doanh đặt tại Manama, Bahreïn, với nhiệm vụ chính là đảm bảo giao thông thông thoáng trong eo biển Hormuz.

Bình thường, hạm đội này được trang bị một tàu sân bay (hiện thời là chiếc USS John C. Stennis) và một tàu trực thăng với khoảng 20 chiếc làm nhiệm vụ tuần tra và trợ giúp. Trong cuộc chiến Iraq, hạm đội này từng được tăng cường 5 tàu sân bay và 6 tàu trực thăng.

Các lực lượng quân đội Iran là nguy cơ hiện hữu đối với hạm đội này của Mỹ. Giới tướng lĩnh cấp cao trong Hải quân Mỹ cảnh báo chính quyền Mỹ rằng trong trường hợp xung đột trực tiếp với với Iran, hạm đội số 5 có thể phải chịu tổn thất nặng nề. Nguyên nhân do hệ thống phòng thủ hiện nay của hạm đội không có khả năng đương đầu với số lượng lớn các loại vũ khí khác nhau mà quân đội Iran tung ra.

Tàu sân bay John C. Stennis hiện diện tại vịnh Hormuz hồi tháng 10 năm ngoái

Kịch bản cuộc hải chiến

Người ta đã phỏng đoán về một kịch bản đụng độ trên biển giữa Mỹ và Iran, theo các bước như sau. Thứ nhất, các máy bay Su-24 Fencer và F-4 Phantom tấn công tàu chiến đối phương bằng tên lửa không đối hải C-802 Noor, với khoảng 48 tên lửa được bắn đi. Nếu hạm đội Mỹ ở cách bờ biển Iran khoảng dưới 250km, gần như đồng thời, các bệ phóng tên lửa đất đối hải của Iran có khả năng bắn loạt đầu tiên gồm 8 tên lửa SS-N-22 Sunburn và một lượng không xác định các tên lửa SS-N-26 Yakhonts, khoảng 12 tên lửa Raad, mang đầu đạn chừng 315 kg, tổng ước tính sẽ là 25 tên lửa.

Nếu hạm đội Mỹ ở vị trí gần hơn, dưới 180km cách bờ biển Iran, Tehran có thể tung thêm khoảng 45-75 tên lửa Noor (C-801 và 802), như vậy số tên lửa được bắn đi là khoảng 70-100 quả!

Giai đoạn 2, hàng trăm xuồng tốc độ cao trang bị tên lửa, thiết bị bắn rốc két, thậm chí là ngư lôi và tên lửa Kowsar đồng loạt tấn công các tàu thuộc Hạm đội số 5. Một số trong đó có thể mang thuốc nổ làm các nhiệm vụ tấn công cảm tử.

Cuối cùng, ba tàu ngầm 877 EKM hạng Kilo có thể bắn tên lửa có khả năng thay đổi hành trình Noor-3. Số khác sẽ phóng ngư lôi hoặc thả thuỷ lôi MDM-6. Tóm lại, ở vị trí dưới 180km cách các bờ biển Iran, hạm đội số 5 của Mỹ sẽ vấp phải gần như đồng thời 80-110 tên lửa nhắm tới, ở khoảng cách 180-250 km sẽ là 33 tên lửa, đó là chưa tính đến các vụ tấn công của các thuyền xuồng tốc độ cao và và ba tàu ngầm.

Khả năng phòng thủ của Mỹ trước các SS-N-22 và SS-N-26 chưa hề được đánh giá, bởi loại vũ khí này chưa từng được sử dụng trong quá khứ. Nhưng các chiến lược gia Mỹ giả thuyết rằng phần lớn trong số chúng có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ chủ động lẫn bị động của hạm đội số 5.

Nếu vượt qua đợt tấn công phủ đầu này, hạm đội 5 sẽ vướng phải rất nhiều thủy lôi ở Eo biển Hormuz. Hoạt động tháo dỡ thủy lôi rất khó khăn và những người tham gia phá thủy lôi có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công của pháo binh Iran bảo vệ bờ biển.

            ***

Những điều này lý giải vì sao giới tướng lĩnh Hải quân Mỹ luôn phản dối phát động một vụ tấn công răn đe Iran.Vì vậy, nhiều khả năng Washington từ chối sử dụng biện pháp mạnh với Iran mà chỉ dừng lại ở việc phong toả các hoạt động kinh tế mà thôi.

Ngọc Nhàn (Tổng hợp từ báo Pháp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link