08/03/2015 06:35 GMT+7 | Di sản
(Thethaovanhoa.vn) - Giới chính trị và khảo cổ Iraq đã bày tỏ sự phẫn nộ sau khi hay tin lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng san bằng thành phố Nimrud thuộc nền văn minh cổ đại Assyria.
Theo giới chức Iraq, phiến quân IS bắt đầu phá hủy di chỉ Nimrud vào hôm 5/3. UNESCO lên án sự phá hủy có hệ thống của phiến quân IS ở Iraq là một “tội ác chiến tranh”.
Thế giới phẫn nộ
IS hiện đang kiểm soát các khu vực lớn ở Iraq và Syria. Chúng quan niệm rằng các đền thờ và tượng trong khu vực bị chiếm đóng là “biểu tượng giả” nên phải phá đi.
Những hành động của IS diễn ra chỉ một tuần sau khi tổ chức cực đoan này đăng tải một video cho thấy hình ảnh các phiến quân cầm búa tạ và khoan điện phá hủy các bức tượng có niên đại khoảng 3.000 năm, trong một bảo tàng ở Mosul.
Jim Muir, phóng viên của BBC ở Trung Đông, cho biết IS không chỉ phá hủy các di sản, mà còn buôn bán cổ vật. Đây là một trong những nguồn thu chính của chúng.
Theo Bộ Du lịch và cổ vật Iraq, “IS đã tấn công thành phố lịch sử Nimrud và san bằng thành phố này bằng các xe ủi". "Các nhóm phiến quân tiếp tục thách thức ý chí của thế giới và nhân loại, khi cộng đồng quốc tế kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tổ chức cuộc họp để bàn về việc bảo vệ di sản văn hóa ở Iraq như thế nào”.
Nimrud bao phủ một diện tích lớn và hiện nay các chuyên gia chưa biết rõ thành phố này đã bị phá hủy đến mức nào. Tuy nhiên, theo một nguồn tin địa phương "phiến quân IS đã tới Nimrud và đánh cắp nhiều di sản có giá trị, sau đó phá hủy thành phố". Nguồn tin nói rằng nơi đây từng có nhiều bức tượng, tường thành và một lâu đài, nhưng IS đã phá hủy hết.
Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, lên án hành động này là “một cuộc tấn công khác nhằm vào người Iraq". "Sự kiện này nhắc nhở chúng ta rằng không có gì là an toàn trong hoạt động hủy diệt văn hóa của IS ở Iraq. Việc phá hủy có chủ đích di sản văn hóa có thể coi là tội ác chiến tranh. Hoàn toàn không có lý do chính trị hay tôn giáo nào để biện hộ cho hành động phá hủy di sản văn hóa của nhân loại”.
Nhà khảo cổ Iraq Lamia al-Gailani thì nói: “Nimrud là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng nhất. Ở đây còn rất nhiều di sản, nhiều phù điêu và tượng, gồm tượng bò đực có cánh nổi tiếng. IS đang tẩy xóa lịch sử của chúng tôi”.
Ông John Curtis, Viện trưởng Viện nghiên cứu Iraq của Anh, bất bình bày tỏ: “Đây là tội ác rùng rợn đối với di sản văn hóa của toàn thế giới. Nimrud là di chỉ Assrya còn nguyên vẹn nhất ở Iraq”.
IS đã giành quyền kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq và các khu vực gần đó, từ hồi tháng 6/2014. Mosul có gần 1.800 trong số 12.000 di chỉ đã được thống kê của Iraq. Hiện nay, các lực lượng của Iraq và quân đội Shia đã phối hợp với nhau nhằm đẩy IS ra khỏi thành phố miền Bắc Tikrit.
Viên ngọc quý của nền văn minh Assyria
Nimrud, tọa lạc trên sông Tigris (miền Bắc Iraq hiện nay), được thành lập vào thế kỷ 13 trước Công nguyên. Đây là một trong những di chỉ khảo cổ nổi tiếng nhất ở Iraq, đất nước thường được mô tả là “chiếc nôi” của nền văn minh.
Nimrud là kinh đô của Assyria (Assyria là một vương quốc của người Akkad, bắt đầu tồn tại như là một nhà nước từ cuối thế kỷ 25 hoặc đầu thế kỷ 24 trước Công nguyên, đến năm 608 trước Công nguyên) trong khoảng 150 năm.
Thành phố này được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1820. Người châu Âu bắt đầu tiến hành các cuộc khai quật đầu tiên ở thành phố này hồi những năm 1840. Di sản được tìm thấy tại đây có nhiều phần của các cung điện hoàng gia, tượng người và đồ tạo tác nhỏ. Sau đó các cuộc nghiên cứu ở vùng này đã bị ngưng lại trong nhiều thập kỷ. Phải tới năm 1949, Max Mallowan (chồng nữ văn sĩ truyện trinh thám Agatha Christie) mới tiến hành các cuộc khai quật mới.
Nhiều di sản được tìm thấy ở đây đã được chuyển tới các bảo tàng ở thủ đô Baghdad và hải ngoại như London (Anh) và Paris (Pháp). Người ta tin rằng di chỉ Nimrud vẫn còn nhiều cổ vật quý, như các bức tượng bò đực có cánh mang đầu người.
Bộ sưu tập “di sản Nimrud” được phát lộ hồi năm 1988, gồm 613 tác phẩm dá quý, đồ trang sức bằng vàng và nhiều món trang sức khác nhau, được giới khảo cổ mô tả là “phát hiện có ý nghĩa nhất kể từ khi tìm thấy lăng mộ Pharaoh Tutankhamun ở Ai Cập hồi năm 1923”.
Bộ sưu tập này, có niên đại vào thời hoàng kim của đế chế Assyria cách đây khoảng 2.800 năm, từng được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia ở Baghdad trong một thời gian ngắn, trước khi Iraq xâm lược Kuwait. Sau đó, bộ sưu tập này được giấu đi và nhiều người không biết tung tích của nó cho đến khi được tìm thấy hồi năm 2003, trong một ngân hàng đã bị ném bom, ngay sau khi quân Mỹ lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Saddam Hussein.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất