(Thethaovanhoa.vn) -
Không thể ngăn chặn được cây đinh ba sắc nhọn của Barcelona, Juventus đã lãnh đủ ba bàn thua (1-3) để rồi phải đứng nhìn đối thủ của bước lên bục đăng quang ở Champions League. Sức tấn công hủy diệt của Barcelona, thông qua bộ ba “MSN” - Messi, Suarez, Neymar, là điều ai cũng biết. Và tất nhiên, đã có nhiều phương án được những nhà chuyên môn, các cựu danh thủ đưa ra để phong tỏa cây đinh ba này. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng làm lại là chuyện hoàn toàn khác. Đội bóng nào cũng tin rằng họ có cách trị được bộ ba “MSN” nhưng cuối cùng kết quả chỉ có một: phải chuốc lấy thất bại mà thôi.
Juventus cũng không ngoại lệ, dù họ là một đội bóng Italia, cái nôi của chiến thuật và nghệ thuật phòng ngự, và đang sở hữu hệ thống phòng thủ vững vàng thứ ba trong cả 5 giải VĐQG hàng đầu của châu u, chỉ với 24 bàn thua ở Serie A trong mùa bóng vừa kết thúc.
Chẳng có hậu vệ nào của Juventus bám theo Luis Suarez, giúp tiền đạo này thoải mái băng vào đá bồi để ghi bàn
Có thể thấy lối chơi và cách di chuyển của bộ ba “MSN” không hề thay đổi theo từng trận đấu hay phụ thuộc vào đối thủ. Họ chơi khá rộng, đặc biệt là Luis Suarez và Lionel Messi, nhưng nhìn chung cách di chuyển của họ như sau:
Suarez chơi ở mũi nhọn nhưng thường có khuynh hướng lệch sang phải, ngược lại, Messi thường từ cánh phải, ở một vị trí lùi khá sâu, dịch chuyển vào trung lộ. Trong khi đó, Neymar bám biên trái nhưng thường cắt vào trung lộ ở những thời điểm cuối cùng. Điều đó có nghĩa là họ để ngỏ hai hành lang cho các hậu vệ cánh băng lên.
Thế nhưng, dù đã thuộc lòng cách di chuyển của họ thì hàng phòng ngự của Juventus đã không ít lần phải trở thành nạn nhân của “MSN”. Stephan Lichtsteiner đã cố gắng kềm chân Neymar, với sự hỗ trợ của trung vệ Andrea Barzagli hoặc tiền vệ Claudio Marchisio, Barzagli và Leonardo Bonucci thay nhau đeo bám Suarez trong lúc Patrice Evra, và một phần nào đó là Paul Pogba cùng Andrea Pirlo, thường xuyên theo sát Messi.
Tuy nhiên, kết quả là Suarez đã thoát khỏi mọi sự đeo bám để băng vào đá bồi ghi bàn thắng thứ hai cho Barcelona, sau khi thủ môn Gianluigi Buffon bắt không dính cú sút của Messi. Kết quả là Neymar đã bắn “phát súng ân huệ” vào phút cuối cùng khi trước mặt anh chẳng có Lichtsteiner hay Barzagli. Đó là chưa kể chính Neymar đã vượt qua Barzagli trước khi chuyền bóng cho Andres Iniesta để tiền vệ này kiến tạo cho Ivan Rakitic lập công hoặc những tình huống khác mà Juventus phải nhờ đến tài nghệ của Buffon mới không bị thủng lưới nhiều hơn nữa.
Mặt khác, bất kỳ ai cũng có thể nói vanh vách rằng điểm mạnh của Barcelona - bộ ba “MSN” - cũng chính là điểm yếu của họ khi cây đinh ba này ít chịu khó lui về hỗ trợ phòng ngự. Đúng vậy, ở trận đấu này cũng thế. Tuy nhiên, có bao nhiêu đội bóng khai thác được điểm yếu đó của Barcelona và bao nhiêu đội bóng chết vì chiêu “hồi mã thương” của cây đinh ba này?
Câu trả lời chắc chắn sẽ đưa đến một con số rất chênh lệch mà chỉ riêng trận chung kết vừa qua cũng đủ để chứng minh cho điều đó. Juventus đã rất nỗ lực khai thác điểm yếu này của Barcelona bằng những pha phản công nhưng điều tốt nhất mà họ có thể làm được chỉ dừng lại ở vài cơ hội. Ngược lại, hai bàn thắng cuối của Barcelona đều xuất phát từ đòn “hồi mã thương”. Ở đây, có thể thấy rằng do bộ ba “MSN” không lùi sâu để hỗ trợ phòng ngự nên trong mỗi đợt phản công, Barcelona đều áp đảo Juventus về quân số. Thường thì 5 chọi 3 và cũng có lúc 3 chọi 2 như tình huống dẫn đến bàn thắng cuối cùng. Chỉ tiếc rằng Barcelona vẫn chưa tận dụng tốt những pha phản công của họ để nâng cao cách biệt.
Khi không thể phong tỏa được bộ ba “MSN”, thất bại chỉ còn chờ thời gian để đến với Juventus, như điều đã xảy ra, chứ hoàn toàn không thể mong đợi điều ngược lại.
Nam Khang