04/10/2011 11:46 GMT+7 | Italy
(TT&VH) - Conte đã lớn. Tay HLV từng dẫn dắt những CLB nhỏ như Siena ấy đang trưởng thành trong giai đoạn ngắn đầu mùa với Juve. Sau 5 trận đấu, còn quá sớm để đưa ra những khẳng định chắc như đinh đóng cột vào kết cục mùa này của Juve với Conte, nhưng không thể không vỗ tay trước những gì vị HLV 42 tuổi đã làm được. Anh đã tiến xa hơn rất nhiều nhà cách mạng nửa vời Del Neri mùa trước, khi tiến hành một quá trình “tiến hóa” lối chơi của Juve theo 2 quá trình, không khác gì chính Allegri đã thực hiện ở Milan mùa trước một cách quyết đoán, khi dần gạt bỏ Ronaldinho và Pirlo để chiến thắng bằng một hàng tiền vệ cơ bắp và chất lượng.
Juventus hạ gục Milan - Ảnh Getty
Sau cả một mùa hè nghiên cứu áp dụng sơ đồ siêu tấn công 4-2-4 mà có lẽ anh bị ám ảnh nặng nề, Conte đã chuyển Juve thành một đội bóng thực dụng hơn, từ 4-2-3-1 sang 4-1-4-1 trong trận gặp Milan nhằm tăng thêm khả năng cơ động và tranh chấp nhờ Vidal, giải phóng sức sáng tạo cho Pirlo và tăng thêm phạm vi hoạt động cho Marchisio. Đấy là một cuộc cách mạng thực sự, bởi sơ đồ ấy rút đi một tiền đạo để tăng thêm một tiền vệ. Vidal, từng chơi mờ nhạt ở Catania trong trận hòa đáng tiếc tuần trước, đã biến thành một nhân vật then chốt trong trận đấu mà tuyến giữa của Juve bẻ gãy hàng tiền vệ Milan và cắt đối thủ thành hai nửa. Vidal, trở thành người thừa trong sơ đồ 4-2-4 chú trọng tấn công biên, đã trở thành hòn đá tảng quan trọng cho chiến thắng trước Milan theo cách ấy, khi tốc độ và khả năng kiểm soát bóng giúp Juve thắng thế. Conte đã đánh bại Allegri nhờ sự uyển chuyển và thông minh về sự bố trí tuyến giữa ấy, trong khi hàng tủ được củng cố nhờ Bonucci trở lại đá cặp với Barzagli, trong khi Chiellini bịt chặt biên trái. Juve đã luôn vượt trội Milan ở trung tuyến nhờ sự có mặt của Vidal, trong Vucinic lùi về uyển chuyển để tăng khả năng đột biến và cầm bóng (Juve cầm bóng 56%). Chính sự di chuyển miệt mài và những đường bóng nhả về sau của Vucinic nhằm kéo dãn cặp trung vệ Milan đã tạo ra những khoảng trống cho các tiền vệ (Marchisio và Vidal) dứt điểm. Chính lối đá ấy đã giúp Vucinic có tới 5 cú sút cầu môn (1 quả trúng xà) và giúp anh trở thành cầu nối cho các đồng đội.
Trong lối chơi ấy, có thể thấy rất rõ Juve đã sống thế nào trên lối chơi của Pirlo-Marchisio. Buffon mô tả Pirlo: “Xem anh ấy đá, cứ ngỡ Chúa tồn tại”. Anh lại mô tả Marchisio: “Đấy là một juventino có gương mặt thiên thần”. Cặp Chúa-thiên thần ấy là xương sống của Juve, một người chơi trung tâm, người kia chơi tiền vệ con thoi lệch trái và Vidal che chở cho họ khi một trong hai tiến lên cao. Pirlo đang chờ bàn thắng đầu tiên. Vidal đã có 1 bàn và trong trận gặp Milan, anh là người dứt điểm nhiều nhất (6 cú sút). Marchisio đã có bàn thứ 13 trong 139 lần khoác áo Juve. Không ít đối với một cầu thủ mới 25 tuổi đã được coi là cựu binh có thói quen ghi những bàn quyết định trong các trận đấu lớn, như với Napoli, Fiorentina và cả Inter (ngày 5/12/2009). Giờ anh có thêm nạn nhân mới, Milan.
Cuộc cách mạng của Conte, với Pirlo, Marchisio và Vidal. Ngày Juve đánh bại Milan.
A.N
Sau hơn một tháng thi đấu, cán cân quyền lực của calcio đã thay đổi. Inter và Milan cùng đại bại một vòng đấu, không ghi nổi bàn nào. Juve và Torino đứng đầu bảng Serie A và B. Ưu thế tuyệt đối mùa trước của các đội bóng Milano đã nhường chỗ cho các đối thủ ở Torino, cách đó một giờ chạy xe. Xứ Piemonte hạnh phúc. Bởi Novara, đội mới trở lại Serie A sau 55 năm hiện cũng đang đứng đầu một BXH hạng khác: Với 10 bàn thắng ghi được sau 5 trận, Novara đang là đội ghi nhiều bàn nhất giải (6 trong số đó được ghi từ phút 85 trở đi!). Sau 5 vòng đấu, tổng điểm của Inter và Milan dừng lại ở con số 9, không bằng số điểm của riêng Juve, 11 điểm, đội đang giữ vị trí đầu bảng, trong khi cả Milan và Inter đều đã ở phía bên kia của BXH (Milan đứng thứ 15, trong khi Inter thứ 17). Milan bây giờ giống ĐKVĐ Serie A Napoli ở mùa 1990/91, khi cũng chỉ thắng 1, hòa 2 và thua 2 trong 5 trận đầu giải. Mùa ấy, họ kết thúc giải ở vị trí thứ 8, kém Samp, đội đoạt Scudetto đến 14 điểm. Còn Inter? Sau 28 năm mới lại thế này. Mùa 1983/84, với Gigi Radice, họ cũng thua 3/5 trận đầu mùa, cả 3 trận này đều thua 3 bàn. Nhưng mùa này, Inter còn tệ hơn thế, khi đang là đội để lọt lưới nhiều nhất (11 bàn thua). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất