Asian Cup 2010: Sạch bóng Ả-rập

24/01/2011 09:32 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Khu vực Tây Á đóng góp tới gần một nửa các đội tuyển tham dự Asian Cup nhưng hiện tại tất cả "đội nhà" đã sạch bóng kể từ vòng bán kết.

ĐKVĐ Iraq vừa chính thức bị hạ bệ sau trận thua 0-1 ở hiệp phụ trước Australia hôm thứ Bảy. Đội chủ nhà Qatar cũng đành phải dừng bước trước Nhật Bản ở vòng tứ kết, còn

Uzbekistan vượt qua Jordan với tỷ số 2-1. Bahrain, Kuwait, Saudi Arabia, Syria và UAE thì bị loại từ vòng bảng. Và với chiến thắng của Hàn Quốc trước Iran cách đây 2 ngày, giải đấu cũng không còn quốc gia Trung Đông nào nữa. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1972, bốn đội bóng mạnh nhất châu Á không có sự góp mặt của một đại diện Ả rập.


Iraq đã trở thành cựu vô địch sau trận thua trước Australia - Ảnh Getty

HLV Bruno Metsu của Qatar tin rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là nhiều đại diện của Ả-rập không có vòng sơ loại và được vào thẳng vòng bảng Asian Cup từ cúp Vùng vịnh. "Thật là khó khi đến từ một giải đấu khác và được vào thẳng giải đấu lớn hơn. Đó rõ ràng là vấn đề ảnh hưởng không chỉ tới thể chất mà còn về tinh thần", Metsu nói.

HLV Afshin Ghotbi của Iran thì cho rằng điều quan trọng là các quan chức trong khu vực đã không quan tâm đúng mức tới nền bóng đá khu vực: "Tây Á đã không còn đội tuyển nào ở giải đấu. Chúng ta phải phát triển nền bóng đá tại đây. Cần có mối liên kết giữa các đội bóng trẻ với giải đấu chuyên nghiệp. Chúng ta cũng cần chú trọng tới BHL nữa".

Chiến lược gia 46 tuổi vừa bị sa thải này sẽ dẫn dắt Shimizu S-Pulse tại J-League trong thời gian tới. Ông cho rằng nền bóng đá của Nhật Bản và Hàn Quốc là những tấm gương để các quốc gia khác noi theo. "Họ đã tạo ra những mô hình tuyệt vời. Chúng ta cần nghiên cứu và học hỏi mô hình đó và cả ở những quốc gia khác tại châu Á. Tất cả phải được đầu tư dài hạn và cần có những kế hoạch đúng đắn", Ghotbi tiếp tục.

Nhưng HLV Holger Osieck của Australia thì nghĩ rằng rất khó để tìm ra lý do thất bại cho nền bóng đá Tây Á chỉ sau vài trận đấu tại Doha. "Khi một đội bóng thua, các cầu thủ và BHL sẽ cùng nhau tìm ra nguyên nhân. Nhưng tôi không nghĩ vấn đề ở quy mô như thế này có thể trả lời theo cách đơn giản tương tự", Osieck nói.

Thực ra sự sụp đổ của các đội tuyển Tây Á đã được cảnh báo sau vòng loại World Cup 2010, khi mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Australia tỏ ra vượt trội so với phần còn lại và đại diện cho châu Á. Bahrain đã rất nỗ lực nhưng cuối cùng họ vẫn thất bại trong trận play-off trước New Zealand. Đó là World Cup đầu tiên kể từ Argentina 1978 vắng bóng các đại diện của Ả rập. Trước đó Kuwait (1982), Iraq (1986), UAE (1990) và Saudi Arabia (1994-2006) đã có được những vinh dự góp mặt ở Giải đấu lớn nhất hành tinh.

Sự thất thế của bóng đá Ả rập tại Asian Cup làm người ta nghi ngờ về tham vọng của FIFA. LĐBĐ thế giới đã bất ngờ chọn Qatar làm nước chủ nhà World Cup 2022. Giám đốc của Asian Cup, ông Tokuaki Suzuki cũng tự nhận xét đẳng cấp của các đội tuyển châu Á không thật sự cao.

"Bóng đá châu Á không thể sánh với nền bóng đá thế giới và chúng tôi cần phát triển rất nhiều từ bây giờ cho tới năm 2022", ông nói, "Những đội bóng như Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đang tiến lên nhưng chúng ta cần tất cả các quốc gia còn lại cũng làm được điều như vậy".

Hà Dương


Kết quả tứ kết Asian Cup 2011

Nhật Bản - Qatar: 3-2

Uzbekistan - Jordan: 2-1

Australia - Iraq: 1-0

Iran - Hàn Quốc: 0-1

Lịch thi đấu bán kết

Thứ Ba ngày 25/1

20h25: Nhật Bản - Hàn Quốc

23h25: Uzbekistan - Australia

Tội nhất trong 4 thập kỷ

Lần đầu tiên kể từ năm 1972, vòng bán kết Asian Cup không có đại diện đến từ các quốc gia Ả rập. Năm 2007, trận CK đã diễn ra giữa hai đội bóng Ả rập là Iraq và Saudi Arabia.

+ Năm 1976 Kuwait - Iraq Iran - Trung Quốc

+ Năm 1980 Iran - Kuwait Hàn Quốc - Triều Tiên

+ Năm 1984 Saudi Arabia - Iran Trung Quốc - Kuwait

+ Năm 1988 Hàn Quốc - Nhật Bản Saudi Arabia - Iran

+ Năm 1992 Nhật Bản - Trung Quốc Saudi Arabia - UAE

+ Năm 1996 UAE - Kuwait Saudi Arabia - Iran

+ Năm 2000 Hàn Quốc - Saudi Arabia Trung Quốc - Nhật Bản

+ Năm 2004 Bahrain - Nhật Bản Trung Quốc - Iran

+Năm 2007: Iraq - Hàn Quốc Saudi Arabia - Nhật Bản

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link