Kathy Uyên độc lập bên người đàn ông của mình

28/07/2011 20:02 GMT+7 | Người đẹp

Kathy sâu sắc hơn hình dung về người đẹp ở thế giới hào nhoáng; Việt hơn nhiều so với làng showbiz với nhiều người đang “giả Tây”.

Với hai năm rưỡi ở Việt Nam, Kathy Uyên cho rằng cô đã thạo tiếng Việt đủ để hiểu và gần ba mẹ mình hơn. Và câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ cái sự hiểu đó.


Nếu chứng minh là “Mỹ”, thì về Việt Nam làm gì?

- Chị nhận lời trả lời phỏng vấn hơi trễ, với lý do dành thời gian cho ba mẹ vừa về thăm Việt Nam. Câu đầu tiên xin được hỏi, những ngày qua, chị nói chuyện với ba mẹ bằng… tiếng Việt chứ?

- Tất nhiên, dù hồi ở Mỹ, tôi và ba mẹ thường nói chuyện bằng tiếng Anh. Những câu chuyện bằng tiếng Việt là những chuỗi bất ngờ với chính tôi, khi hiểu thêm về ba mẹ mình. Vừa rồi ba mẹ cùng tôi đi Sóc Trăng để thăm bạn bè. Bốn tiếng rưỡi từ Sóc Trăng về Sài Gòn, ba mẹ kể cho tôi nghe những câu chuyện cuộc sống của ba mẹ hồi ở Việt Nam và tôi thấy rằng, có những điều chỉ  tiếng Việt mới chia sẻ được.

Học tiếng Việt, tôi có cảm giác mình gần ba mẹ hơn, hiểu được những hy sinh của ba mẹ để có được tôi như bây giờ, cũng như những điều sâu kín mà không thể hiểu nhau được bằng một ngôn ngữ khác.

Hồi ở Việt Nam hay những năm đầu qua Mỹ, ba mẹ tôi đã trải qua quá nhiều khó khăn, để rồi tôi biết rằng những khó khăn mà tôi trải qua không bằng một phần ngàn những gì ba ba mẹ tôi đã trải qua. Tôi tự hào về sự chăm chỉ của ba mẹ nói riêng cũng như những người Việt ở Mỹ nói chung. Họ đã làm việc đến quên mình để cho con một tương lai ở xứ người. Gia đình tôi không giàu, cỡ trung bình nhưng ba mẹ lo cho chị em tôi được những gì chúng tôi cần một cách đầy đủ.

Tôi nhớ, khi tốt nghiệp trung học, ba mẹ mua cho tôi một cái xe mới, còn ba mẹ thì vẫn đi xe cũ. Gần như ba mẹ hy sinh hết cho con cái mà chẳng chăm chút nhiều cho mình, để giáo dục chị em tôi rằng những gì hào nhoáng bên ngoài không quan trọng bằng những gì bên trong. Nếu bạn nhìn ba mẹ tôi ở ngoài sẽ thấy họ bình thường lắm. Không hàng hiệu. Không hưởng thụ. Tất cả nhường cho con cái.

- Chị có vẻ cho tôi thấy hình ảnh một “người con Mỹ” về Việt Nam khác với những gì tôi thấy ở những người trước rồi đấy!

- Trước đây, nhìn một ai đó ăn mặc đẹp, lái xe sang trọng, đứa trẻ trong tôi thấy thích vì tôi nghĩ rằng đó là người thành đạt. Nhưng rồi lớn lên, tôi hiểu rằng những hào nhoáng bề ngoài không hẳn sẽ đồng nghĩa với những gì bên trong. Và, cũng có những người bên ngoài rất giản dị, nhưng bên trong họ lại chứa đựng những suy nghĩ, những lối sống biết vì người khác. Để rồi, theo một chiều dài thời gian và trải nghiệm công việc, tôi sẽ công bằng hơn với mọi người cũng như công bằng hơn với chính bản thân mình.

- Chưa nói đến những phát hiện mới về ba mẹ để rồi chị có những suy nghĩ khác, mà trước đây, cô bé Kathy Uyên đã thừa hưởng những gì trong tính cách ba mẹ mình từ thời cô bé ấy chỉ biết nói tiếng Anh với ba mẹ?

- Bắt đầu từ mẹ tôi, một người phụ nữ hiền lành, thương người, vì người khác hơn là quan tâm đến bản thân mình. Từ nhỏ đến giờ, chưa một phút mẹ nặng lời với tôi cũng như với những người khác. Có những chuyện không vui, mẹ thường giấu vào trong và chịu đựng một cách thầm lặng, tuyệt đối không làm cho người khác không vui về nỗi buồn của mình. Khi còn nhỏ tôi nghĩ rằng mẹ nào cũng vậy, nhưng rồi lớn lên tôi thấy không phải người mẹ nào cũng vậy nên càng thấy mẹ tôi là trường hợp hiếm.

Tôi không hiền được như mẹ vì cuộc sống dạy tôi rằng, hiền lành quá là điều không nên. Phụ nữ phải biết bảo vệ mình trước những biến cố của cuộc sống. Nhưng điều tôi học được ở mẹ là trước mọi tình huống, mình phải bình tĩnh và biết kiềm chế để cho mọi việc không bị phức tạp. Sự mạnh mẽ cũng được thể hiện ở sự biết vượt qua mọi khó khăn như chính mẹ tôi. Tức là, mẹ tôi hiền đấy, nhưng lại là một người mạnh mẽ, chịu đựng được tất cả nhưng lại hiểu và vượt qua tất cả.


- Cách đây hai năm tôi có phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, anh buồn vì có người gọi anh là Việt kiều. Vì anh cho rằng, như thế anh không là Việt mà cũng chẳng là Mỹ. Chị có cảm giác tương tự không?

- Tôi không nghĩ nặng nề như thế. Tôi lớn lên và sinh ra bên Mỹ, có thể cung cách của tôi hơi Mỹ. Nhưng lúc này đây, tôi đã Việt lên rất nhiều sau khi rành tiếng Việt hơn và hiểu ba mẹ mình hơn. Đó là may mắn vì tôi đã có được cái gốc. Nên đó cũng là lý do mà tôi ở đây nhiều hơn. Tôi không đến nỗi sốc khi ai đó gọi tôi là Việt kiều, vì điều đáng suy nghĩ là cách tôi sống chứ không phải tôi mang một cái “mác” gì bên mình cả. Tôi về Việt Nam, tôi là Việt Nam còn nếu tôi muốn mình là người Mỹ thì tôi về Mỹ mà sống, chứ không muốn chứng minh cho mọi người biết một sự lỡ cỡ của mình. Bởi vì nếu về Việt Nam mà sống như người Mỹ thì uổng quá.

Sẽ xây một hạnh phúc bền vững

- Những gì là Kathy Uyên của hai năm rưỡi qua là một hình ảnh không hào nhoáng, rất giản dị. Nhưng khi về Việt Nam, cuộc sống giữa một giới hào nhoáng như showbiz Việt, chị không thay đổi mình?

- Thói quen tôi sẽ phải thay đổi, nhưng tính cách thì không. Cuộc sống của tôi ở Mỹ khá nhanh và để có một cái hẹn, phải lên lịch trước cả tuần vì bên đó ai cũng bận. Một cuộc gặp gỡ phải lái xe 30 - 40 phút, nên có những lúc cảm giác như cuộc sống hơi buồn. Còn ở Việt Nam, mọi người tình cảm, mọi cuộc gặp gỡ cũng dễ dàng hơn, đi lại cũng thuận tiện hơn.

Môi trường sống ở Việt Nam hoàn toàn khác. Tôi được sống sâu hơn và được sống với nghề của mình một cách đã hơn. Các vai diễn không trôi qua một cách nhanh chóng. Những nhân vật rất đầy đặn và được nhiều khán giả chia sẻ hơn. Thế nên, tôi sống chậm hơn nhưng cũng có nhiều cơ hội để thưởng thức cuộc sống của mình.

- Với các diễn viên, người mẫu Việt kiều về Việt Nam, khán giả luôn chờ đợi một mẫu hình văn minh. Nhưng thời gian qua, rất ít người cho khán giả được điều đó…

- Tôi trả lời bằng cuộc sống của chính mình, bằng tính cách và khả năng của mình. Tôi sống thật với chính mình, đó là mạnh mẽ nhưng không đánh mất sự nữ tính và cơ bản là một người khá hài hước. Đặc biệt, tôi thích sự giản dị và chân thật, như là tôn trọng những khoảnh khắc thật khi tôi được chụp hình vậy. Lấy một giây của đời thật sự, không giả, không cố tình gồng mình dù đang vui, cảm động, mắc cỡ hay buồn, thì với tôi đó là những khoảnh khắc đẹp. Cái đẹp phải đến từ cái thật như chính cảm xúc thật của người diễn viên trong vai diễn.

Tôi sống khá thoải mái và sống thật với chính bản thân mình chứ không phải gồng lên để thành một điều gì đó. Dù ở Mỹ hay ở Việt Nam thì tôi vẫn là tôi thôi, chứ không phải để chứng tỏ một điều gì hay làm những điều không giống ai. Còn với điện ảnh, tôi muốn tri ân với khán giả bằng một hình ảnh chuyên nghiệp, chứ không phải là người dạo chơi, ăn xổi, để lại “dư âm” bằng suy nghĩ cứ đẹp và chân dài thì đóng phim được. Tôi chọn kỹ những vai mình đóng, để đóng hết mình. Những vai mà tôi không tin tưởng, tôi sẽ từ chối để chờ những cơ hội khác phù hợp.

- Cụ thể là như thế nào?

- Là luôn phải biết học dù bạn đã giỏi đi chăng nữa. Ở Mỹ tôi học diễn xuất 5 năm và tôi cho rằng đó là một con số quá ít ỏi. Tôi sẽ còn học nhiều. Ở Mỹ, nhiều diễn viên dù đã rất nổi tiếng nhưng họ vẫn luôn muốn tiến bộ, muốn học thêm. Nhưng ở đây có vẻ như một số người nổi tiếng rồi thì không cần phải học gì nữa. Tôi hy vọng khi ở đây sẽ tìm được nhiều người có cùng đam mê như mình để cùng phát triển và tôi cũng có nhiều cơ hội học thêm ở thực tế tôi đang sống và làm việc.

Tôi không biết tương lai sẽ trả lời mình thế nào, tôi chỉ biết nuôi một đam mê, giúp tôi suy nghĩ về cuộc sống được thú vị hơn. Ngoài diễn xuất, tôi thích sản xuất và tham gia viết kịch bản… Hoặc nếu mai mốt làm một công việc nào đó thì nó sẽ liên quan đến diễn xuất. Tôi đam mê và chịu trách nhiệm với đam mê của mình dù tôi sống ở đâu.

- Chị từng được xem như một hiện tượng của phim trường Việt Nam một thời điểm, nhưng một thời gian dài chị im lặng. Tại sao vậy?

- Vì tất cả những dự án công việc phải có sự chuẩn bị để chất lượng tốt. Tôi không ăn xổi, làm ẩu. Nhưng ở nhà không có nghĩa là tôi ngồi không mà vẫn rất bận bịu với những bước chuẩn bị. Tôi lấp đầy thời gian trống của mình bằng việc tập thể dục, học nhảy đầm, tập hát, học tiếng Việt, chuẩn bị kịch bản, các dự án điện ảnh.

Tôi chú trọng cho điện ảnh, tôi gọi đó là một niềm đam mê lớn chứ không phải là một công việc. Để sống cho niềm đam mê, cũng dễ và cũng khó. Vì cách làm điện ảnh của tôi là như kể chuyện mà trong câu chuyện của mình, người xem phải học được một điều gì đó hoặc có thể biết thêm một điều gì khác chứ không phải chỉ là giải trí. Từ công việc bắt mình phải sâu hơn những gì bề nổi, thì cuộc sống của tôi cũng vậy.

Tôi cũng có xuất hiện ở một số sự kiện, nhưng không dày đặc. Tôi không trốn mọi người nhưng mật độ xuất hiện không nhiều, xuất hiện ở nơi cần xuất hiện và sự kiện liên quan đến công việc hoặc với những bạn bè thân. Tôi muốn dành thời gian thêm để học tiếng Việt và chuẩn bị những thứ cho các dự án của mình chứ không phải đến những nơi vô bổ. Tôi muốn thời gian ở Việt Nam để tôi phát triển, để nghe nhiều hơn nói, làm được nhiều việc hơn là thể hiện bản thân.


Hạnh phúc phải được xây bằng sự nghiệp

- Có vẻ như trong những gì chị trả lời thì hình ảnh của chị là một phụ nữ dành hết tâm sức cho công việc. Như thế có… chán quá không?

- Ồ, không. Tôi không phải là người chỉ biết đến công việc. Tôi hưởng thụ cuộc sống của mình một cách khoa học. Và dĩ nhiên, với những riêng tư, tôi cũng rất trách nhiệm với bản thân. Tôi đang xây dựng nền tảng sự nghiệp để vừa vặn với hạnh phúc riêng tư của tôi sau này.

- Sau này, chứ không phải là bây giờ? Vậy có nghĩa là, một hình mẫu đàn ông cho riêng chị còn đang xa vời lắm nhỉ?

- Điều này lại khác. Tôi sống rất rõ ràng nên những gì tôi muốn cũng rõ ràng lắm. Tôi thích những người đàn ông siêng năng, có sáng tạo, có ý tưởng và tự chủ, độc lập trong ý tưởng của mình. Đặc biệt anh ta phải tự tin, biết mình cần gì và muốn gì và phải đam mê. Nhưng quan trọng là anh ta phải biết yêu thương mọi người và tôn trọng người phụ nữ mà anh ta yêu. Và tôi đang quen một người như vậy!.

- Đang quen, mà sao lại để cho hạnh phúc là một tương lai xa đến thế?

- Tôi quan niệm, muốn đòi hỏi một người đàn ông như ý mình muốn thì mình cũng phải cố gắng để tương xứng với anh ta chứ không phải cứ ngồi mơ để rồi mình không sở hữu được những giá trị bản thân, thì chẳng ai đồng hành với mình như mong muốn. Hãy là một người phụ nữ mà người đàn ông đó cần chứ không phải chỉ biết đi đòi hỏi ở người đàn ông của mình. Tức là, hai bên đều phải cầu tiến.

- Nhưng nếu người đàn ông đó cũng giống mình thì chán lắm!

- Ý tôi muốn nói, là hai người đều phải cố gắng trong sự nghiệp chứ tính cách thì nên khác, ví dụ nếu một người thích nói thì một người phải thích nghe, một người thích làm cho người ta cười còn một người thì thích cười, như thế sẽ rất thú vị. Nhưng bây giờ tôi đang phải tìm sự nghiệp cho mình. Hãy cho tôi thời gian để tôi có đủ một sự nghiệp độc lập bên người đàn ông của mình.

Tôi muốn một sự ổn định bắt đầu từ chính tôi, để khi tôi hài lòng với chính sự nghiệp của mình, tôi sẽ tự tin và có một hạnh phúc riêng tự xây dựng nên, không ai có thể lấy được. Và nếu như vậy, tôi sẽ có được một người đàn ông tương xứng và có một hạnh phúc bền vững. Tôi không thể sống được với kiểu chờ đàn ông mang lại giá trị vật chất cho mình mà là tự mình xây dựng cho mình. Sau đó, tôi sẽ chia sẻ niềm vui của mình với người đàn ông của tôi. Nói chung, tôi thích nền tảng sự nghiệp, để cho một hạnh phúc bền vững.

Theo TT&VH Đàn ông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link