Cả nước hướng ra Biển Đông: Cuộc “giải cứu” chàng câu mực Trường Sa khỏi lưỡi hái tử thần

25/05/2015 05:25 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Khuôn mặt trái xoan điển trai, râu quai nón dài, đôi mắt hiền... Mới gặp tôi cứ tưởng Huỳnh Duy Khánh (29 tuổi) là một tài tử cải lương. Ai ngờ Khánh chỉ là chàng ngư dân bình thường, hơn chục năm nay cặm cụi câu mực trên biển hàng 3 tháng liền mỗi chuyến ra khơi... Bất ngờ một tai nạn xảy ra, và anh vừa trải qua những ngày thật khó quên.
 
Câu chuyện xảy ra vào một buổi sáng tinh sương như 3.600 buổi sáng giữa ngư trường Trường Sa. Khánh lục tục dậy sớm phơi mực. Nước mực đen ngòm chảy nhoe nhoét khắp tay chân, như một thứ a-xít khiến cho da anh bị bong tróc ra từng mảng, hết lớp này đen lớp khác. 
Sáng đó, gió bất ngờ giật cấp 5 khiến con thuyền chao đảo, hất anh ngã bổ ngửa.
Khánh thấy buốt nhói ở bàn tay trái. Anh vô tình chống tay trúng chiếc đinh của giàn phơi mực.

* 20 ngày chống chọi với... chiếc đinh gỉ
Khánh rửa tay, thấy vết thương chỉ hơi chảy máu, anh tiếp tục công việc, và gần như quên bẵng mất nó. Buổi tối anh vẫn tiếp tục bơi thuyền thúng ra câu. Ngày hôm sau, vết xước đã se lại rồi đóng vảy...
Một buổi tối, khi đang câu, anh chợt thấy nhói đau ở bàn tay. Vẫn là vết xước cũ. Anh để ý thấy nó nhưng nhức mỗi khi ấn vào. “Chỉ là cái đinh thôi mà” - Khánh nghĩ – “chắc cũng chẳng là cái... đinh gỉ gì đâu”.
Nghề câu mực là nghề lênh đênh trên biển lớn. Mỗi chuyến đi ra tận ngư trường Trường Sa hay thềm lục địa phía Nam mấy trăm cây số. Tiền xăng dầu, tiền đèn, tiền ăn uống, và chi phí các loại... sẽ chia đều ra cho mỗi thuyền viên, mỗi người đóng chừng ba chục triệu để có ba tháng làm ăn trên biển. Tính ra mỗi buổi câu trung bình phải được 15 ký mực (tính khi đã phơi khô), bán giá khoảng 80 ngàn đồng/kg thì mới hòa vốn và có lãi chút đỉnh. Không ra câu ngày nào là... lỗ ngày đó.
Thế là Khánh cứ nấn ná trên thuyền. Vả lại, thuyền câu 30 người, đang lúc vào vụ, sao có thể  bắt mọi người chạy thuyền vào bờ cho Khánh chữa? Mà chạy vào bờ thì cũng phải mất 4 ngày 4 đêm...
Khánh vẫn tiếp tục đẩy thuyền thúng ra câu mực. 
Nào ngờ, tay Khánh càng ngày càng sưng tấy lên, lan tới tận khuỷu với những cơn đau nhức kinh hoàng...


Tác phẩm "Trường Sa - Việt Nam" của Lê Văn Hùng - giải Nhất Cuộc thi Ảnh nghệ thuật về biên giới, biển đảo 2012

Khánh mới nghĩ tới cái hòn đảo như một hình tam giác xanh mướt trên đó có ngọn hải đăng lớn mà thi thoảng trong hành trình lênh đênh câu mực khắp ngư trường, anh vẫn trông thấy. Thực ra Khánh đã cập đảo Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa) rồi, khi thì xin nước ngọt, khi thì cùng cả thuyền vào tránh bão. Khánh biết rằng ở nơi đó, một ngư dân bình thường và vô danh như Khánh, bất cứ khi nào cần cũng có thể cập vào, liên hệ để nhờ vả cái nọ cái kia. Bất cứ cái gì, trực ban trên đó cũng luôn thường trực hướng dẫn, giúp đỡ... 

* “Chậm tí nữa thì mất cả cánh tay, không khéo còn mất mạng”
 Khánh được đưa lên thuyền chạy suốt đêm tới đảo Trường Sa.
Thủ tục đơn giản, không phải mất tiền đặt cọc, cũng không phải xuất trình thẻ BHYT, cũng không mất bất cứ một loại phí nào..., Khánh nhanh chóng được đưa vào Bệnh xá thị trấn Trường Sa. Đó là một khu nhà mái bằng râm mát nằm dưới những tán cây nhàu, cây bàng quả vuông. Khánh được đưa thẳng vào phòng cấp cứu.


Chàng câu mực Huỳnh Duy Khánh (phải) được bác sỹ Bệnh xá thị trấn Trường Sa chăm sóc vết thương. Ảnh dưới là bàn tay Khánh chằng chịt vết khâu.

Bác sỹ Bình cho anh vào phòng siêu âm và chụp X-quang.
- Áp-xe (nhiễm trùng) lan toả lên tận cánh tay rồi, chậm tí nữa chưa chắc đã giữ được cánh tay, không khéo còn mất mạng - các bác sỹ trao đổi với nhau và kết luận “Phải mổ gấp”!
Bàn tay Khánh đã sưng to. 10h trưa mới cập đảo thì 2h chiều, anh đã được đưa lên bàn mổ. Các y bác sỹ phải gây tê cho anh. Bàn tay anh mất cảm giác đến tận vai. Anh kể, vẫn tỉnh táo để nhìn bác sỹ rạch ra tháo hết mủ, nạo hết những viêm không chỉ ở lòng tay mà lên tận khuỷu.
Khánh tỉnh dậy nhìn lòng bàn tay mình đã nhẹ đi. Nhưng vết mổ còn phơi ra. Bác sỹ nói, vết thương của anh còn tiếp tục ra mủ, vì thế cần phải nằm lại Bệnh xá, mủ ra đến đâu, hút rửa đến đấy, chứ không được khâu lại ngay.
Khánh nằm đó với cái tay đau suốt 16 ngày mới hết nhiễm trùng và được khâu lại.

* Những ngày “sống chậm” giữa trùng khơi nắng, gió
Tôi gặp Khánh hôm 14/5/2015 khi anh đang đứng ngoài hành lang Bệnh xá thị trấn Trường Sa, nụ cười hiền, khuôn mặt điển trai, rụt rè nhìn nhưng vị khách trong Đoàn công tác số 12 mới đến, mang theo niềm vui lớn tới cho Bệnh xá anh đang nằm. Ấy là, bệnh xá sẽ được cải tạo nâng cấp để có thể cứu chữa được nhiều ca nguy hiểm như của Khánh, cho quân dân của thị trấn đảo Trường Sa và ngư dân khắp ngư trường. 


Khuôn viên Bệnh xá thị trấn Trường Sa, thuộc quần đảo Trường Sa

Khánh cho tôi xem bàn tay sau 21 ngày nằm Bệnh xá, vết khâu chằng chịt đã kín miệng, những lớp da bị tróc vì nước mực cũng dần hồng hào trở lại.  
Bệnh xá còn khiêm tốn về trang thiết bị nhưng cũng có đầy đủ phòng mổ, phòng thuốc, phòng khám và phòng cho bệnh nhân điều trị nội trú. Trước đây, Bệnh xá này từng nổi tiếng cả nước vì mổ cấp cứu cho một ca sinh khó qua hệ thống trực tuyến với đất liền, nhưng đó chỉ là một trong hàng chục ca cấp cứu mỗi năm tại Bệnh xá. Và có lẽ, chính những ca thoạt đầu tưởng như “chỉ là cái đinh gỉ” như của Khánh mới thực sự làm “thót tim” các y bác sĩ, vì nó rất dễ xảy ra trong môi trường lao động vất vả của quân và dân ta trên vùng biển này, nhất là các ngư dân dầm mưa dãi nắng trên biển. Với những ca đó, cái sẩy rất dễ nẩy cái ung... 


Rảnh rỗi, Khánh cùng bệnh nhân Bệnh xá chơi cờ tướng với bác sỹ

Khánh không thể ngờ rằng làm một bệnh nhân bất đắc dĩ giữa biển khơi cách bờ đến mấy ngày đêm chạy tàu, mà lại được hưởng những ngày an nhàn đến lạ. Cùng điều trị với Khánh là một bác thợ lặn. Làm việc dưới 60m nước, chẳng may bác bị sức ép, khiến đầu óc mê man, choáng váng, để lại hội chứng tiền đình. Hai bác cháu hàng ngày rảnh rỗi trò chuyện, đánh cờ tướng với nhau và với các y, bác sĩ trong bệnh xá. 
Ở đây không khí trong lành, sống cùng quân và dân trên đảo, Khánh bỏ được thuốc lá.
Bệnh chưa khỏi hẳn, nhưng ngày về đã đến. Bạn thuyền thông báo một tuần nữa có thuyền về đất liền. Khánh xin xuất viện.

* Lời kết
Khi các bạn đọc những dòng này, có thể Khánh đã về tới đất liền ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với bàn tay coi như đã lành hẳn, chỉ còn lại những vết sẹo mờ. 
Có thể tháng tới, chàng trai 29 tuổi này lại ra khơi, như 10 năm qua đã ra khơi trên chiếc tàu số hiệu 95555 của Quảng Ngãi do ông Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tàu cùng 30 thuyền viên khác, chàng trai ấy đã sống giữa trùng khơi từ năm 19 tuổi như thế nên giờ vẫn chưa lấy vợ. Con thuyền thúng của Khánh vẫn thế, đêm đêm, nhằm hôm không có trăng, đậu im lìm trên ngư trường Trường Sa, hay đâu đó giữa Biển Đông, lặng lẽ kéo lên hàng đàn mực, con bé bằng hai đầu ngón tay, con lớn bằng cả bàn tay, bao nhiêu con, Khánh không đếm xuể, chỉ ước chừng 15 ký mực (sau khi phơi khô) là đạt mong ước. Là chèo thúng về thuyền. 
Hẳn rằng mai đây, những đêm như thế, nếu tình cờ trong những chuyến bôn ba câu mực khắp đó đây, khi ngoảnh lại nhìn thấy ngọn hải đăng trên hòn đảo hình tam giác phía xa xa, Khánh sẽ nhớ những ngày không thể quên ở cái bệnh xá thị trấn Trường Sa giữa biển. Nơi mà chẳng những bàn tay Khánh đã không bị cắt bỏ vì hoại tử, tính mạng Khánh đã được cứu khỏi căn bệnh nhiễm trùng quái ác, mà nơi đó còn có những ngày thật thư thái, ấm áp giữa trùng dương sóng gió.
Phương – Quyết - Điệp
Thể thao & Văn hóa
(Còn tiếp)

 

“Các đảo ở Trường Sa phải đủ năng lực y tế thì ngư dân mới yên tâm bám biển. Sau chuyến công tác này, chúng tôi sẽ làm hết khả năng của mình để thực hiện điều đó” – Phát biểu của Đại tá Trần Quốc Việt, PGĐ Bệnh viện Quân đội 175, Trưởng đoàn công tác số 12 ra Trường Sa và DK 1.


Cũng trong chuyến đi này, Đoàn công tác đã tổ chức bán đĩa có 8 ca khúc về biển đảo Trường Sa của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân đội 175, thu được 253 triệu đồng để góp phần mua máy thở cho Bệnh xá thị trấn Trường Sa.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link