Hợp tác sản xuất và phát hành phim: Cần bắt tay, thay vì… mạnh ai người nấy sống

16/10/2013 09:21 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 18, hội thảo “Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim” diễn ra chiều qua (15/10) tại TP Hạ Long.

1. Vấn đề được hội thảo đề cập vẫn là những chuyện muôn thuở như Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - nhà biên kịch Hồng Ngát - phản ánh: "Thị trường ngổn ngang, sản xuất điện ảnh manh mún, phát hành phổ biến không theo một hệ thống nào"; hoặc vẫn là “những nỗi đau điện ảnh Việt bất lực nhìn thị trường và khán giả rơi vào tay các đơn vị nước ngoài”.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, những tưởng vấn đề sát sườn của điện ảnh sẽ được các đại biểu quan tâm, song chỉ được một nửa thời gian, 2/3 người tham dự đã bỏ về... Nhiều người cho biết, họ bỏ về vì không tìm thấy điều họ cần từ hội thảo.

Vợ chồng nhà sản xuất, diễn viên Hồng Ánh - nhà phê bình Thanh Sơn thì ra hiệu được tham luận nhưng chờ mãi không ai gọi lên phát biểu đã ra về. Đạo diễn Lê Phong Lan ngồi đến cuối buổi cho biết chị cũng khá sốt ruột vì mọi người bỏ về: “Chúng ta vẫn có thói quen đặt ra những vấn đề lớn, cứ trình bày cả cục như vậy rất khó giải quyết. Theo tôi nên đề ra những mục tiêu nhỏ, bàn tập trung, tìm cách khắc phục”.

Nhà sản xuất phim Phước Sang khi được phóng viên hỏi đã thẳng thắn trả lời: “Đi LHP với mục đích là để gặp gỡ anh em, tìm kiếm cơ hội hợp tác, nghe ngóng tình hình. Đây là một hội thảo hết sức quan trọng nhưng nói có ai nghe đâu, không ai giải quyết được gì hết”.

Nhà sản xuất Phước Sang thẳng thắn: “Một hội thảo hết sức quan trọng nhưng nói có ai nghe đâu…”

2. “Ngành sản xuất phim là một ngành rủi ro rất cao, một bộ phim bỏ vốn 5 tỷ đồng có thể thu lời 20 tỉ đồng nhưng có người làm phim mất trắng không được một ly trà đá để uống. Cá nhân tôi thấy các đơn vị phải bắt tay nhau, cần sự hợp tác để chia sẻ rủi ro và quyền lợi. Chứ hiện các nhà sản xuất lẻ loi lắm, mạnh ai người nấy làm. Sản xuất và phát hành giống một con thiêu thân, lao vào thị trường mà không biết mình sẽ phải đối mặt với những gì. Cần phải có một hiệp hội sản xuất để thống nhất, cùng có tiếng nói chung mạnh mẽ, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được như vậy” - Phước Sang chia sẻ thêm.

Trong khi cơ quan quản lý vẫn tìm câu trả lời cho bài toán sản xuất và phát hành thì tư nhân như Hãng Phước Sang, hay nhiều đơn vị khác đã tự triển khai mà không nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông chủ của hãng phim tư nhân có kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với thị trường này cho biết anh hiểu mọi thứ rất rõ ràng rành mạch, chứ không phức tạp hóa vấn đề.

Nhà sản xuất Hà Thục Vân, Giám đốc công ty Red Bridge cho biết sau bao năm “lăn lộn”, công ty của chị đã gặt hái nhiều thành công nhờ hợp tác quốc tế. Hiện nay đơn vị này đã có tiền để sẵn sàng đầu tư cho những cá nhân có nhu cầu làm phim tài liệu và có kịch bản hay. Tuy nhiên, cá nhân nhà sản xuất này cho biết chị vẫn thấy thị trường phim ở Việt Nam bị phân tán, chưa có người đứng ra tập hợp, nên dù các cá nhân có mạnh cũng khó có thể phát triển cao hơn.

Vào cuối buổi hội thảo, nhà sản xuất Phước Sang cho biết nguyện vọng của mình: “Tôi không mong sự hỗ trợ của Nhà nước, chỉ mong Nhà nước có quy hoạch cơ sở hạ tầng của ngành. Tỉnh thành nào cũng có khu công nghiệp này nọ, tại sao không có quy hoạch để làm về văn hóa. Giá mà mỗi tỉnh thành quy hoạch cụm rạp cho nhân dân đầu tư. Khi có rạp, có “chợ”, được quản lý cái chợ của mình thì nói ai cũng nghe. Còn giờ có nói, không ai nghe mình đâu”.

Nhà sản xuất này cho biết, anh đã đi về nhiều tỉnh thành, theo khán giả vào rạp và biết khán giả Việt Nam rất yêu phim Việt Nam. “Làm phim là phải hướng tới khán giả, nhà sản xuất phải có trách nhiệm với đồng vốn được nhận làm phim, chứ cứ như các hãng Nhà nước làm xong phim không ai xem, chẳng ai bị cách chức. Cứ với cách làm đó sao khá lên được”.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link