12 nhà văn xin rút

06/08/2010 11:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Lúc 8h sáng qua 5/8, tại Hà Nội, Đại hội nội bộ Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) đã khai mạc. Đây là buổi làm việc của toàn thể hội viên HNVVN để bỏ phiếu bầu BCH nhiệm kỳ 8 (2010 - 2015). Theo báo cáo của BTC Đại hội, có 736 hội viên có mặt tại hội trường, 187 hội viên vắng mặt.

>> Chuyên đề: Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII

Cuộc trùng phùng hiếm có
 
Như nhiều nhà văn cho biết, đại hội lần này là dịp để gặp mặt tất cả đồng nghiệp, thăm hỏi nhau về sức khỏe cũng như chúc nhau ngày càng viết hay hơn. Nhà thơ Phan Vũ nói rằng lâu lắm rồi ông chỉ “chơi” với các họa sĩ vì mê vẽ nên không biết các đồng nghiệp cầm bút bây giờ ra sao, dịp này thật hiếm có với ông để nhắc nhở mình... làm thơ.


736 nhà văn cả nước đã có mặt tại Đại hội
Trong số 736 nhà văn có mặt, rất nhiều người hoặc tuổi cao hoặc sức yếu nên có thể đây là Đại hội cuối cùng mà họ tham gia. Do vậy, tổ chức Đại hội toàn thể thay vì Đại hội đại biểu khiến các nhà văn vô cùng hân hoan. Như đoàn nhà văn Thừa Thiên - Huế đến Hà Nội vào chiều 3/8, rất nhiều nhà văn cao tuổi như Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ... vẫn ngồi xe ô tô sung sức như thanh niên. Một số nhà văn như Lê Văn Nghĩa, Lê Lựu... dù đang mang trọng bệnh vẫn “chống gậy” đến chung vui với ngày hội của các nhà văn. Có nhà văn mang theo “cả gia đình” mình như, vợ chồng nhà văn Trần Thị Thắng - nhà thơ Lê Quang Trang, nhà văn Trần Thị Huyền Trang - nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Nhà văn, nhà giáo và cũng là “nhân vật trong sách giáo khoa” Nguyễn Ngọc Ký đi cùng vợ mình. Vợ Nguyễn Ngọc Ký không phải hội viên HNVVN nhưng bà đi để chăm sóc ông vì ai yêu mến Nguyễn Ngọc Ký đều biết rằng ông là “nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng... chân” do bị liệt hai tay từ nhỏ. Nhà văn Trần Thanh Hà đang sinh sống tại TP.HCM dù đang có con nhỏ vẫn bồng cháu bé đến dự Đại hội.

Kỳ vọng

Danh sách 12 nhà văn xin rút

Hữu Ước, Lê Minh Khê, Đỗ Bích Thúy, Lê Văn Thảo, Thanh Thảo, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Mai, Trương Nam Hương, Bằng Việt, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh và Trần Đăng Khoa.

Trong buổi sáng, các nhà văn đã bầu ban Chủ tịch đoàn điều hành đại hội và thông qua điều lệ bầu BCH khóa 8. Một số nhà văn có ý kiến đóng góp cũng như bày tỏ sự kỳ vọng vào Đại hội này sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới cho văn chương nước nhà.


Trước khi các nhà văn viết vào phiếu đề cử BCH nhiệm kỳ mới, một số ý kiến đã được nêu ra. Nhà thơ Dư Thị Hoàn cho rằng: “Nên cải tiến các ấn phẩm là cơ quan ngôn luận của HNVVN như báo Văn nghệ, website của Hội... làm sao hấp dẫn người đọc hơn, cụ thể hấp dẫn các nhà văn. Vì những tờ báo, tạp chí này là nơi các nhà văn có thể “gặp mặt” hàng ngày chứ không nhất thiết phải 5 năm một lần”.

Nhà thơ Vi Thùy Linh lập lại các ý mà chị đã viết trên một số tờ báo về vấn đề quan tâm kết nạp hội viên trẻ cũng như có người trẻ vào BCH. Vi Thùy Linh nhấn mạnh: “Hội phải có những hoạt động hấp dẫn người trẻ, vì nhiều nhà văn trẻ có tâm lý không muốn vào Hội”.


Bỏ phiếu đề cử ủy viên BCH
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ nêu: “Những người vào BCH nhiệm kỳ cũ mà không làm việc cần giải trình, vì thực tế có nhà văn được bầu vào BCH nhưng không làm việc cho sự phát triển của Hội. Vậy nên, các nhà văn lần này cần cân nhắc kỹ khi đề cử hoặc bỏ phiếu bầu BCH mới”. Nhà thơ người dân tộc thiểu số Triệu Lam Châu cụ thể hơn: “Nhà văn nào ứng cử vào BCH nên lên bục thuyết trình những điều sẽ làm cho HNVVN nhiệm kỳ mới, có như thế hội viên mới theo dõi được những điều mà nhà văn đó đã hứa trước đại hội”.

Kịch tính đề cử BCH

Sáng nay 6/8, Đại hội toàn thể HNVVN khóa 8 chính thức khai mạc, nhận bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Đổi mới” do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng. Chiều nay 6/8, Đại hội sẽ công bố BCH và lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới.

Tại hội trường sáng qua, thủ tục để các nhà văn tự ứng cử và được đề cử đã diễn ra nhanh chóng. Mỗi nhà văn được phát một phiếu ghi danh sách 15 người mà mình đề cử. Từ danh sách các nhà văn được đề cử, Ban kiểm phiếu (do Đại hội bầu) sẽ chọn ra 30 người có phiếu cao nhất để từ đó bầu ra 15 người vào BCH. Nhà văn trúng cử vào BCH phải nhận được số phiếu quá bán từ các đại biểu. Mặc dù cách thức bầu BCH khóa 8 rõ ràng là vậy, nhưng trong hội trường vẫn “lưu truyền” một danh sách phát đến nhiều người nhằm vận động phiếu bầu 19 “nhân sự cần chú ý để bầu vào BCH khóa 8”. Hỏi nhà văn Lê Văn Thảo - Phó Chủ tịch HNVVN về bản danh sách này, ông khẳng định không phải do BTC đưa ra vì như thế là “sai luật”, nhiều khả năng là một hội viên nào đó yêu mến 19 nhà văn này nên muốn họ vào BCH.


Gần 7h tối qua, Đại hội công bố danh sách 30 nhà văn được các đại biểu đề cử để tiếp tục bầu vào BCH. Tuy nhiên, có 12 nhà văn đã xin rút. Đại hội đã thống nhất bỏ phiếu bầu tiếp BCH HNVVN khóa 8 từ danh sách 18 nhà văn được đề cử còn lại. Đêm qua, Ban kiểm phiếu tiếp tục khẩn trương làm việc để tìm ra 15 vị của BCH mới.

CHUYỆN HẬU TRƯỜNG:

Hơn 100 tham luận. Đó là số tham luận của các nhà văn gửi đến Đại hội HNVVN lần này. Chiều qua, một số tham luận đã được trình này về những vấn đề còn tồn đọng trong đời sống văn học hiện nay cũng như hướng phát triển sắp tới. Mỗi tham luận được tối đa 10 phút để tác giả trình bày. Có nhiều tham luận dài hơn thời gian cho phép nên các cử tọa “vỗ tay” nhắc nhở để dành thời gian cho tham luận khác. Hôm nay 6/8, các tham luận sẽ được tiếp tục trình bày và theo đề nghị của nhà phê bình Lê Quang Trang - Trưởng đoàn nhà văn TP.HCM có thể sẽ có một cái chuông hẹn giờ để các nhà văn không phải “mỏi tay” nhắc nhở đồng nghiệp.

Lão nhà văn Tô Hoài cũng được giới thiệu làm Chủ tịch Hội. Theo kết quả thăm dò từ 10 Đại hội cơ sở với 594 phiếu thu về trước thềm Đại hội toàn thể lần này, phát đến từng hội viên, có đến 28 nhà văn được giới thiệu làm Chủ tịch BCH HNVVN khóa 8. Nhà văn có phiếu thăm dò giới thiệu làm Chủ tịch cao nhất được 493 đề cử, 16 nhà văn chỉ được 1 phiếu, 4 nhà văn được 2 phiếu. Trong danh sách thăm dò này, lão nhà văn Tô Hoài (vừa sinh nhật 90 tuổi hồi đầu năm) cũng được giới thiệu làm Chủ tịch HNVVN khóa 8.

Hơn 194 tỷ đồng là nguồn tiền của HNVVN nhiệm kỳ 2005 - 2010. Trong đó có hơn 86 tỷ đồng do Nhà nước cấp. Nguồn tiền này được chi cho nhiều hoạt động của Hội, như: Tài trợ sáng tạo, giải thưởng - khen thưởng, nghiên cứu khoa học, sưu tầm hiện vật, sản xuất phim, xây dựng cơ bản... Riêng trong lĩnh vực xuất bản, kết quả 5 năm có 1.875 tác phẩm được công bố và 70 đầu sách tuyển chọn của các nhà văn được ấn hành bằng kinh phí đặt hàng.

Các lão nhà văn quên kính! Sau giờ giải lao trưa hôm qua 5/8, BTC Đại hội HNVVN thông báo: “Có 1 nhà văn bỏ quên kính ở nhà vệ sinh nam, 1 nhà văn bỏ quên kính ở nhà vệ sinh nữ và 1 nhà văn bỏ quên kính cùng điện thoại di động ở hội trường”. Nhìn vào những cặp kính của 3 nhà văn này, có thể đoán được chủ nhân của cặp kính là các nhà văn lão thành.

Người làm việc hăng say nhất Đại hội là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nghệ sĩ ấy nói đến thì hầu như nhà văn Việt Nam nào cũng biết tên, thậm chí biết mặt: Nguyễn Đình Toán. Trong Đại hội, kể cả giờ giải lao, Nguyễn Đình Toán vẫn không ngừng làm việc. Ông lúc nào cũng lăm lăm máy hình để “rình” những khoảnh khắc đẹp nhất của từng nhà văn. Nguyễn Đình Toán cho biết ông đang ấp ủ làm một cuốn sách về chân dung các nhà văn Việt Nam. Vậy nên Đại hội toàn thể hội viên nhà văn lần này là cơ hội để ông bổ sung, ghi nhận thêm những chân dung nhà văn ở xa Thủ đô vốn dĩ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link