Victor Vũ “áp đảo” Cánh diều 2012

10/03/2013 06:26 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao giải Cánh diều 2012 vừa diễn ra lúc 20h15 ngày 9/3/2013 tại Nhà hát Đài Truyền hình TP.HCM, trực tiếp trên HTV9 và chuyển phát sóng đến nhiều đài khác. Dù công tác tổ chức vẫn còn cập rập và có một số thiếu sót, nhưng nhìn chung giải Cánh diều 2012 đã công minh hơn, điều mà người hâm mộ và giới làm nghề đã trông mong bấy lâu nay.

Nhìn chung, giải Cánh diều năm nay được đầu tư ít tốn kém nhưng khá bài bản, do một ê-kíp giỏi nghề thực hiện; đây cũng là hoạt động quan trọng để góp phần kỷ niệm 60 năm ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013). Giải cũng đặt mục tiêu “lôi cuốn sự quan tâm và ủng hộ của công chúng, khán giả đối với điện ảnh nước nhà”.

Chấm giải “dễ”

Tiêu điểm của giải Cánh diều - cũng như nhiều giải thưởng điện ảnh phổ thông trên thế giới - luôn thuộc về hạng mục phim điện ảnh, vì nó luôn được đông đảo dư luận quan tâm. Với 9 thành viên, ban giám khảo (BGK) hạng mục phim điện ảnh năm nay đã làm việc khá thong dong, vì phim hay phim dở phân biệt khá dễ dàng.

Toàn cảnh lễ trao giải Cánh diều 2012

Sau khi xem xong, các thành viên đã nhanh chóng khu biệt được những phim cần trao giải, không lan man hay “băn khoăn” như một vài năm trước.

Nếu phải phân loại thì 11 phim điện ảnh năm nay có mấy thiên hướng khác nhau: 1) Dạng phim nghiêng về tác giả: Lấy chồng người ta (ĐD: Lưu Huỳnh), Lạc lối (Nhuệ Giang), Mùa Hè lạnh (Ngô Quang Hải); 2) Phim độc lập: Dành cho tháng Sáu (Nguyễn Hữu Tuấn); 3) Phim cổ trang: Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ); 4) Phim tâm lý xã hội: Đam mê (Phi Tiến Sơn), Cát nóng (Lê Hoàng), Scandal - Bí mật thảm đỏ (Victor Vũ); 5) Phim tình cảm, hài hước: Cưới ngay kẻo lỡ (Charlie Nguyễn), Gia sư nữ quái (Lê Bảo Trung), Nhà có 5 nàng tiên (Trần Ngọc Giàu)... Rõ ràng đây là cách phân loại “cho có” và chấp nhận khập khiễng, vì nó không cùng nội hàm và khác nhau về tiêu chí.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (ủy viên) nói rằng BGK chỉ tập trung phân tích, thảo luận 3-4 phim, sau đó nhanh chóng đặt lên “bàn cân” hai phim là Thiên mệnh anh hùngScandal - Bí mật thảm đỏ để quyết định trao giải.

“Bản thân tôi thì đánh giá Scandal - Bí mật thảm đỏ cao hơn hẳn về tay nghề, thủ pháp và cả kịch bản, ngược lại ý kiến của vài ủy viên khác. Nhưng sau khi thảo luận, mọi người đã đồng ý chọn Thiên mệnh anh hùng, vì mấy lý do: 1) Cùng một ê-kíp thực hiện, trao phim nào cũng được; 2) Tính nhân văn cao; và 3) Khích lệ được những đầu tư quy mô lớn, cho những dòng phim mà Việt Nam ít ai dám làm” - Bùi Tuấn Dũng nói.

Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Vinh Sơn (ủy viên) nói rằng trong tình trạng gom phim cho có số lượng mà chấm, nên chẳng thể nào “rập khuôn” các tiêu chí chấm giải nơi khác, dù nơi đó có nổi tiếng về sự hoàn chỉnh tiêu chí. “Tiêu chí chính của chúng tôi là xét đến các nguyên lý chung để làm nên một tác phẩm điện ảnh, còn thể loại và màu sắc của từng phim, dù quan trọng, nhưng chưa được ưu tiên cứu xét. Bởi chúng ta còn quá ít phim, nếu phân theo thể loại, có hạng mục chỉ có một phim hoặc chẳng có phim, làm sao mà chấm cho được”. Chính quan điểm này đã được vài ủy viên khác ủng hộ, vì quá trình cấu thành Thiên mệnh anh hùng đáng khích lệ hơn, nên nó đã vượt qua “đứa em cùng cha” vào phút chót, dù về mặt nghề nghiệp, 5-6 ủy viên BGK đều đánh giá cao Scandal - Bí mật thảm đỏ.

Đoàn làm phim Thiên mệnh anh hùng nhận giải Phim truyện xuất sắc nhất

Bùi Tuấn Dũng cũng cho biết thêm, năm nay BGK chẳng chịu bất kì áp lực hay chỉ đạo nào từ bên ngoài, họ chỉ làm bằng chính quan điểm thẩm mỹ của mình. Cắt nghĩa điều này cũng đơn giản, thứ nhất BTC đang muốn giải Cánh diều công minh và uy tín hơn, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Thứ hai, 11 phim tham dự năm nay chẳng có câu chuyện nào thuộc diện “đại tự sự”, ngay cả 3 phim do nhà nước đầu tư thì cũng mang đậm dấu ấn cá nhân của biên kịch và đạo diễn, nên BGK được toàn quyền chọn lựa.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (trưởng BGK công trình nghiên cứu - lý luận-phê bình) cho rằng giải đang ở tình trạng “bó đũa chọn cột cờ”, nên phải gạn đục khơi trong, cố gắng tìm ra tác phẩm hoặc công trình tốt nhất. Nếu cứ chịu o ép này nọ mà chọn sai, uy tín của giải sẽ đi xuống.

Điều này cũng đúng với hạng mục của giải báo chí - phê bình điện ảnh, khi 15 thành viên đã nhanh chóng chót lại hai phim của Victor Vũ, để cuối cùng bỏ phiếu chọn Scandal - Bí mật thảm đỏ.

Victor Vũ đại thắng

Trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, Victor Vũ là đạo diễn chăm chỉ và có quyết tâm làm nghề cao độ, khi anh liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm ăn khách; hiện nay anh là đạo diễn đắt show bậc nhất. Nhìn một cách nào đó, con đường xướng danh của Victor Vũ khá lận đận, khi phim chào sân Chuyện tình xa xứ không gây được ấn tượng, rồi Giao lộ định mệnh bị quy kết “đạo phim”. Thế nhưng, đạo diễn này đã không quỵ ngã, mà liên tục làm mới mình bằng các phim giải trí lành mạnh, mà Cô dâu đại chiến là một cột mốc sang trang.

Nhà phê bình Tô Hoàng, nhà báo Đinh Trọng Tuấn, các đạo diễn Đặng Nhật Minh, Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Tuấn Dũng… đều cho rằng việc Victor Vũ giành cú đúp là hoàn toàn xứng đáng, vì năm nay các phim của đạo diễn này nổi trội hơn. Việc trao giải cũng cho thấy mọi người đang nỗ lực để công minh và khách quan hơn trong việc đánh giá. “Nếu Victor Vũ hay bất kì đạo diễn nào có 3-4 phim, mà tất cả đều hay, tôi cho rằng cũng nên chọn các phim đó để chấm giải, đừng vì tư tưởng “dĩ hòa vi quý” mà lệch lạc. Đây là con đường duy nhất để chúng ta hướng đến việc xây dựng một giải thưởng uy tín hơn” -  Bùi Tuấn Dũng khẳng định.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

8 giải thưởng mà Victor Vũ và ê-kip nhận được:

- Đạo diễn điện ảnh xuất sắc: Victor Vũ (Thiên mệnh anh hùng)

- Cánh diều vàng phim điện ảnh: Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ)

- Giải Báo chí - Phê bình điện ảnh: Scandal - Bí mật thảm đỏ (Victor Vũ)

- Bằng khen phim điện ảnh: Scandal - Bí mật thảm đỏ (Victor Vũ)

- Quay phim điện ảnh xuất sắc: Nguyễn K’ Linh (Thiên mệnh anh hùng)

- Âm thanh điện ảnh xuất sắc: Trần Đức Quang - Trần Anh Khoa (Thiên mệnh anh hùng)

- Nam diễn viên chính phim điện ảnh xuất sắc: Huỳnh Đông (Thiên mệnh anh hùng)

- Nữ diễn viên phụ phim điện ảnh xuất sắc (Maya): Scandal - Bí mật thảm đỏ

Kết quả giải Cánh diều 2012

* Giải thưởng tác phẩm:

Cánh diều vàng:

- Phim điện ảnh: Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ)

- Phim truyền hình: Thái sư Trần Thủ Độ (Đào Duy Phúc)

- Phim ngắn: Chiếc hộp Pandora (Đặng Việt Đức)

- Phim hoạt hình: Càng to càng nhỏ (Trịnh Lâm Tùng)

- Phim khoa học: Những gia đình ở Tràm Chim (Vũ Hoài Nam)

- Công trình nghiên cứu, lý luận phê bình: Năng khiếu, tài năng và vấn đề tuyển chọn sinh viên (PGS - TS Trần Thanh Hiệp)

Cánh diều bạc:

- Phim điện ảnh: Lạc lối (NSƯT Nhuệ Giang)

- Phim truyền hình: Con mắt bão (NSƯT Văn Lượng - Ngọc Thùy), Đồng quê (Lê Phương Nam)

- Phim ngắn: Nợ (Bùi Thị Hà), Căn phòng 2012 (Nguyễn Hồng Quân)

- Phim hoạt hình: Trần Quốc Toản (NSƯT Trần Trọng Bình), Bù nhìn rơm (Phùng Văn Hà) - Phim khoa học: Bí mật những pho tượng Phật (Nguyễn Hoàng Lâm), Vượn đen má hung (Nguyễn Hồng Quảng).

- Phim tài liệu điện ảnh: Những người chốt giữ thành cổ (NSƯT Phạm Huyên), André Menras - một người Việt (Đào Thanh Tùng).

- Phim tài liệu truyền hình: Chuyện hai người lính (Vũ Phong Cầm), Dòng chảy không có tận cùng (NSƯT Nguyễn Lê Văn - Vũ Minh Bảo), Những cột mốc người (Nguyễn Minh - Phúc Thành), Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - người cộng sản trung kiên (Nguyễn Quốc Khánh).

- Công trình nghiên cứu, lý luận phê bình: Phương pháp phê bình điện ảnh (PGS - TS Trần Luân Kim), Đạo diễn Nguyễn Hồng Sến - con người và tác phẩm (NSND Hải Ninh).

Bằng khen:

- Phim điện ảnh: Lấy chồng người ta (Lưu Huỳnh), Nhà có năm nàng tiên (NSND Trần Ngọc Giàu), Scandal - Bí mật thảm đỏ (Victor Vũ), Cát nóng (NSƯT Lê Hoàng)

- Phim truyền hình: Bước qua bóng tối (Hoàng Trung), Đàn trời (Bùi Huy Thuần), Chuyện làng Bè (Hồ Ngọc Xum - Dương Minh Hoàng), Chiến hạm nổ tung (Trần Chí Thành - NSƯT Khương Đức Thuận)

- Phim ngắn: Chuyện của con (Phùng Văn Định), Trực nhật với Thư Kỳ (Đỗ Quốc Trung), Sông cướp dòng (Võ Quốc Thành)

- Phim hoạt hình: Khoảng trời (Lê Bình), Bò vàng (Trần Khánh Duyên), Cuộc phiêu lưu của búp bê thiên thần (Bùi Nga)

- Phim tài liệu truyền hình: Chuyện những người ở lại (Bùi Tuấn), Con mắt còn có đuôi (NSƯT Huỳnh Hùng), Chuyện dài ở bệnh viện (Trịnh Quang Tùng).

* Giải thưởng cá nhân:

- Phim điện ảnh: Đạo diễn: Victor Vũ; Quay phim: Nguyễn K’ Linh; Họa sĩ: NSND Phạm Quang Vĩnh; Âm thanh: Trần Đức Quang - Trần Anh Khoa; Nhạc sĩ: Lương Minh; Nam diễn viên chính: Huỳnh Đông; Nữ diễn viên chính: Đinh Y Nhung; Nam diễn viên phụ: Hứa Vĩ Văn; Nữ diễn viên phụ: Maya.

- Đạo diễn phim hoạt hình: Trần Khánh Duyên

- Đạo diễn phim khoa học: Vũ Hoài Nam

- Đạo diễn phim tài liệu: NSƯT Nguyễn Lê Văn - Vũ Minh Bảo

- Biên kịch phim truyền hình: Nguyễn Mạnh Tuấn

- Đạo diễn phim truyền hình: Đào Duy Phúc

- Nam diễn viên chính phim truyền hình: Quý Bình

- Nữ diễn viên chính phim truyền hình: Huệ Minh

* Giải Báo chí - Phê bình điện ảnh: Scandal - Bí mật thảm đỏ (Victor Vũ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link