06/09/2015 09:01 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - “Nói như ông Nguyễn Bá Thanh thì không có sợi dây nào dài như sợi dây kinh nghiệm của Việt Nam, rút hoài mà vẫn không hết. Vấn đề thì ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng sau mỗi thất bại, người ta không muốn ngồi lại với nhau để phân tích vì sao như thế”, ông Xương phát biểu.
Xem thất bại toàn diện của U19 Việt Nam với U19 Thái Lan mới thẩy cách biệt đẳng cấp của 2 nền bóng đá bây giờ rõ ràng như thế nào. Người Thái không chỉ mạnh ở cấp độ ĐTQG mà thực lực họ đồng đều tất cả các tuyến từ lứa trẻ trở lên. U19 Thái Lan chơi bóng không khác gì ĐTQG của họ do HLV Kiatisuk dẫn dắt. Họ áp dụng một phương thức tổ chức lối chơi xuyên suốt, thống nhất ở mọi cấp độ đội tuyển.
Thái Lan bây giờ đá 4-3-3, họ có những trung vệ to khỏe, đầy sức mạnh. Hàng tiền vệ có tiền vệ phòng ngự mạnh mẽ, tranh chấp tay đôi tốt. Tiền vệ tấn công thì chơi bóng tư duy, sút xa tốt. Tiền vệ cánh, tiền đạo di chuyển linh hoạt, tỳ đè tốt. Trong những tình huống tấn công, họ di chuyển đội hình đều và luôn có đông người để áp đảo đối phương. Nó khác với U19 Việt Nam, mỗi đợt lên bóng chỉ có vài cầu thủ, khó làm nên chuyện trước khung thành U19 Thái Lan.
Nhìn thành công của bóng đá Thái Lan thời gian qua, nó là kết quả của cách làm đúng đắn, khoa học. Thái Lan học các nước có nền bóng đá tiên tiến trên thế giới và áp dụng. Chẳng hạn như mô hình bóng đá từ học đường, các CLB làm đào tạo trẻ rất tốt từ U11 đến U19. Đặc biệt, cách làm của họ không tự phát, mạnh ai nấy làm mà phải thống nhất một cách làm. Họ có hệ thống giải đấu cho các CLB trẻ, không đặt nặng tính thắng thua. Câu chuyện thành tích trong bóng đá trẻ Việt Nam nhiều năm qua là một vấn đề nhức nhối, và có lẽ Thái Lan không còn tình trạng này.
Hàng năm, các đội tuyển trẻ của họ được tập hợp và có kế hoạch thi đấu rõ ràng. LĐBĐ Thái Lan vạch kế hoạch rất chu đáo để thực hiện. Ví dụ trước giờ lên đường dự giải này thì cần tập gì, cọ xát ở đâu. Chính việc được tập huấn nước ngoài, giao hữu nhiều nên các cầu thủ Thái Lan có bản lĩnh trận mạc, kinh nghiệm, khả năng chịu đựng sức ép đáng nể như trong trận chung kết U19 Đông Nam Á vừa qua.
Ba năm liên tiếp U19 Việt Nam đều chỉ dừng lại ở danh hiệu á quân tại các giải khu vực. Ảnh: Phạm Kiên – Nguyễn Chiến
Trong khi đó, không chỉ đội U19 Việt Nam mà các đội tuyển còn lại "xuân thu nhị kỳ" mới được tập trung. Thời gian chuẩn bị cho các giải đấu thường gấp gáp, VFF lâu nay duy trì cách làm được đến đâu hay đến đó. Họ gặt lúa trời có sẵn từ các CLB, cách làm cầu may thì làm sao tốt hơn người ta được?
Ví dụ như bây giờ khi U19 Việt Nam thất bại, hãy hỏi VFF rằng đối với lứa U19 Việt Nam vừa thua U19 Thái Lan 0-6 thì họ đã có kế hoạch gì chưa, lý giải nguyên nhân thất bại đó cụ thể ra sao. Làm sao nâng nó lên từ từ, đưa lứa này lên đóng góp cho ĐTQG trong tương lai không xa hay khi giải đấu kết thúc, ai về nhà nấy là xong.
VFF hiện tại thiếu một GĐKT phụ trách chuyên môn, người có trách nhiệm hoạch định bóng đá Việt Nam. Cách làm hiện tại là được đâu hay đó. Như hôm nay VFF thuê HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn đội U19 thì ngày mai lại chọn một HLV khác. Chính vì như thế nên đâm ra rối bời, không có hiệu quả cao, ổn định. Hệ quả là các ĐTQG có thể đá hay tưng bừng trận này nhưng chỉ là nhất thời, không thể duy trì được phong độ đó lâu dài.
Tôi nghĩ hệ thống HLV của các ĐTQG Việt Nam bây giờ cần phải quy hoạch lại. Phải có những HLV chuyên đào tạo lứa U15, U17, U19. Họ chịu trách nhiệm đào tạo xuyên suốt với nhau theo một hệ thống phù hợp, trong một thời gian dài thì hiệu quả mới mong thấy được.
Thành công của lò đào tạo HAGL, PVF, Viettel thời gian qua thì nhiều người khen rồi. Nhưng phải phân tích thêm họ vẫn chưa được điểm gì, điều gì cần cải thiện. Quy trình đào tạo của HAGL là tiên tiến nhưng thời gian qua họ bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Mô hình hoạt động của họ đáng học hỏi nhưng vẫn còn hạn chế, các lò đào tạo khác sẽ lấy đó là bài học để bổ sung những hạn chế như thể lực, thể hình, phương pháp huấn luyện để phát triển cầu thủ của mình toàn diện hơn.
Vấn đề thì ai cũng biết, thất bại thì cứ liên tục nhưng không ai chịu ngồi lại với nhau để tìm ra hướng đi lên cho bóng đá Việt Nam. Hội đồng HLV QG thì không hiểu có được trọng dụng không trong những lúc thế này?! Nói như HLV Lê Thụy Hải thì ước mơ chỉ là mơ ước và chuyện đâu vẫn còn đó mà thôi.
Việt Hà (ghi)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất