29/03/2012 08:30 GMT+7 | Biếm Họa
(TT&VH) - Lần đầu tiên, biếm họa VN “xuống đường” sau 40 năm. Lần đầu tiên, doanh nghiệp trong nước nhiệt tình đứng ra ủng hộ cho một loại hình mỹ thuật - báo chí có tính phản biện xã hội cao như biếm họa. Lần đầu tiên, giải Nhất cuộc thi thuộc về một tác giả cũng... lần đầu bén duyên cùng tranh biếm. Nếu mỗi giai đoạn phát triển thường được đánh dấu bằng những sự kiện mang tính cột mốc thì cuộc thi Biếm họa Báo chí lần thứ III - Cúp Rồng tre do TT&VH tổ chức chính là một cột mốc như thế...
Tại Hà Nội, Lễ tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III - Cúp Rồng tre đã diễn ra vào chiều qua (28/3) trước sự chứng kiến của đông đảo giới truyền thông, mỹ thuật và độc giả yêu thích tranh biếm.
“Cuộc đua” giữa Miếng ghép ngược và Cá hóa thạch
Đưa ra những tiêu chí khắt khe hơn (về khổ tranh, số tranh dự thi) so với 2 lần tổ chức trước, Giải năm nay vẫn nhận được kết quả tích cực với hơn 400 tác phẩm của gần 100 tác giả. Trong đó, gần như toàn bộ những họa sĩ gạo cội từng được TT&VH vinh danh hai mùa giải trước như NOP (Hà Xuân Nồng), DAD (Đỗ Anh Dũng), LEO (Lê Phương), Phạm Thành Chung... vẫn tiếp tục tham gia với “phong độ” cao.
Thế nhưng, giải Nhất cuộc thi lại thuộc về một gương mặt mới của làng biếm họa: Trần Hải Nam (bút danh N9) với tác phẩm Miếng ghép ngược. Có chuyên môn tốt về kĩ thuật đồ họa nhưng đây là lần đầu tiên, N9 đến với thể loại khá hóc búa này. Bởi thế, món quà quá ấn tượng cho việc gia nhập làng tranh biếm khiến chủ nhân của Cúp Rồng tre khá xúc động và đề nghị được thay mặt cho cả giới họa sĩ chuyên nghiệp lẫn... nghiệp dư để cám ơn TT&VH vì đã tạo dựng sân chơi quan trọng này.
Bà Trương Lê Kim Hoa - Trưởng BTC-TBT báo TT&VH, ông Nguyễn Hoài Dương-Phó Tổng Giám đốc TTXVN, HS Trần Hải Nam và ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN. |
Ít người biết, việc chọn được Miếng ghép ngược để trao Cúp Rồng tre cũng là một… thách thức lớn với Hội đồng Giám khảo, khi mà những ý tưởng độc đáo xuất hiện khá nhiều tại cuộc thi này. Cụ thể, đó là những hình ảnh đầy tính tượng trưng quốc tế như thần Atlas với nỗi đau vô bờ bến vì phải vác trái đất quá bẩn, là bản sắc Việt Nam được “chế tác” thành tranh biếm họa như bức hình chú cá chép trong tranh dân gian Lý ngư vọng nguyệt bỗng còn độc bộ xương bởi nước thải công nghiệp đen ngòm (tác phẩm Cá hóa thạch, giải nhì). Giám khảo Trần Lương bật mí: “Những người chấm giải đã phải tranh cãi khá nhiều khi lựa chọn giữa Miếng ghép ngược và Cá hóa thạch. Cuối cùng, bức tranh biếm của N9 được vinh danh bởi người chấm giải đánh giá cao nỗ lực sáng tạo của anh trong việc tìm tòi, áp dụng yếu tố mới về ngôn ngữ tạo hình hiện đại...”.
Đáng chú ý, Miếng ghép ngược của N9, cũng như nhiều tác phẩm dự thi lần này, đã khai thác mảng đề tài về chất độc màu da cam trong chủ đề chung của cuộc thi. Ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Tổng giám đốc TTXVN - cho biết ông thật sự xúc động về điều này. “Đụng đến đề tài này không phải để chúng ta cười mà ngược lại là để thể hiện truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc ta. Và vì lẽ đó, thay mặt cho ban lãnh đạo TTXVN tôi đặc biệt hoan nghênh báo TT&VH đã tổ chức một hoạt động rất thiết thực để chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam: Tổ chức bán tranh và quyên góp ủng hộ Quỹ Vì nỗi đau da cam của TTXVN, góp tiếng nói đáng trân trọng vào việc nhắc nhở xã hội, nhắc nhở những công dân Việt Nam, bạn bè quốc tế về hậu quả chiến tranh gây ra cho môi trường, cho các gia đình, làng xóm Việt Nam” - ông Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại Lễ khai mạc.
Lần đầu tiên doanh nghiệp “nội” vào cuộc
Trước câu hỏi của nhà báo Lê Đông Hà đến từ báo Quân đội Nhân dân về việc Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam của TT&VH luôn gặp khó khăn trong việc tìm tài trợ từ những doanh nghiệp trong nước, bà Trương Lê Kim Hoa - Trưởng BTC Giải, TBT báo TT&VH - đã ôn lại những khó khăn của lần tổ chức đầu tiên (2007-2008). Vào thời điểm đó, từ sáng kiến đến rất nhanh sau loạt bài về lịch sử 85 năm Biếm họa VN (1922-2007) của họa sĩ Lý Trực Dũng, TT&VH đã nỗ lực một mình đứng ra lo liệu tổ chức cuộc thi mà không có tài trợ.
“Chúng tôi tự bỏ kinh phí và công sức với mong muốn góp phần khuyến khích và cổ súy cho phong trào biếm họa nước nhà, đồng thời nâng cao uy tín cũng như tìm sự quan tâm của độc giả về loại hình này” - Bà Trương Lê Kim Hoa khẳng định - “Đến bây giờ, có lẽ do dư âm và sức ảnh hưởng từ hai lần tổ chức trước, cuộc thi đã nhận được tài trợ của một số tổ chức nước ngoài và đặc biệt, lần đầu tiên có sự xuất hiện và ủng hộ rất tích cực từ một doanh nghiệp Việt Nam là Công ty TNHH Đất Xanh”.
Như phân tích của họa sĩ biếm/KTS Lý Trực Dũng, thay vì ủng hộ những cuộc thi “thuận lợi và an toàn”, việc các doanh nghiệp “chủ động” đứng ra tài trợ cho thi biếm họa - một kênh phản biện trực tiếp và rất quyết liệt với tất cả những điều chưa hoàn thiện trong xã hội - là chuyện ít gặp cả ở Việt Nam và thế giới. Có nghĩa, sau một giai đoạn “thụt lùi” vì nhiều lý do như thiếu thu nhập, thiếu điều kiện sáng tạo, việc biếm họa Việt Nam “hồi sinh” và bắt đầu nhận được sự hưởng ứng từ những doanh nghiệp tư nhân vì tính chiến đấu của mình là một bước ngoặt và một niềm vui lớn.
Trả biếm họa về không gian đích thực
Sau 3 lần tổ chức, Giải đã chọn mô hình triển lãm ngoài trời, tại hè phố 61 phố Lý Thái Tổ - Hà Nội. Như lời của bà Trương Lê Kim Hoa, sự lựa chọn này nhằm mục đích “để mọi người dân và du khách qua đây, đều có thể dừng lại xem tranh biếm họa, cùng cười và cùng ngẫm ngợi với các hoạ sĩ biếm về môi trường sống của tất cả chúng ta”.
40 năm trước, tranh biếm họa VN từng có một lần “xuống đường” như vậy trong cuộc triển lãm đả kích tội ác của máy bay B52 Mỹ vào những ngày cuối năm 1972. Nhưng đi xa hơn, theo nhận xét của họa sĩ Trần Lương, lần “xuống đường” thứ hai này cũng chỉ là một bước tiến trong nỗ lực đưa tranh biếm tiếp cận gần hơn với vai trò đích thức của mình. “Trong suốt lịch sử phát triển, những loại hình nghệ thuật có tính tương tác cao như tranh biếm họa vẫn thường gắn với không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Việc trả tranh biếm họa về không gian đích thực của nó là một giải pháp tâm lý tuyệt vời của Ban tổ chức. Ở đó, giữa vỉa hè Hà Nội, cuộc triển lãm sẽ dễ dàng và thuận tiện để tất cả mọi người có thể cùng tiếp cận, cùng chia sẻ và luận bàn. Xa hơn, sự bố trí ấy cũng cho thấy xã hội của chúng ta đã bước sang một giai đoạn thay đổi mới, khi những loại hình nghệ thuật có tính phản biện và xây dựng xã hội cao được xuất hiện một cách tự do và thoải mái giữa không gian công cộng”.
Như lời chia sẻ của ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Biếm họa không lời nhưng biếm họa lại nói được rất nhiều điều. Tuy nhỏ thôi nhưng biếm họa lại làm được rất nhiều việc lớn. Cho nên, biếm họa luôn có tác dụng, tác động riêng của nó đến đời sống xã hội”. Bởi thế, những thay đổi quan trọng trong giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III của TT&VH lại càng khiến cho người ta hi vọng ở ngày hội tổ chức 2 năm/ lần của những người yêu biếm họa trên toàn quốc, để từ đó cả họa sĩ và người xem cùng có dịp mài sắc tiếng cười - thứ vũ khí vô cùng sắc bén có khả năng tác động trực diện và không khoan nhượng vào những cái xấu, cái ác, cái chậm tiến trong cuộc sống.
Cùng chờ tới giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ IV sẽ được khởi động vào năm sau, khi mà TT&VH dự định mời thêm nhưng cây vẽ biếm nổi tiếng của khu vực Đông Nam Á cùng tham gia để mang lại màu sắc mới cho “ngày hội của tiếng cười”.
Các giải thưởng Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III * 01 giải Nhất được trao cho HS Trần Nam Hải với tranh Miếng ghép ngược. Hoạt động bán tranh ủng hộ Quỹ Vì nỗi đau da cam kéo dài tới hết triển lãm. |
P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất