(TT&VH) - Một điều đáng ghi nhận qua Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm là nỗ lực tìm kiếm điều mới mẻ không phải là lời hô hào suông mà hiển hiện dưới những mức độ khác nhau cũng như trên tất cả các phương diện cấu thành vở diễn từ biên kịch, đạo diễn, biểu diễn đến âm nhạc, mỹ thuật sân khấu, thậm chí tới khâu kỹ thuật chiếu sáng… Song vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra.
Chưa tôn vinh xứng đáng Những quân bài định mệnh.
Độ đậm và sự mạo hiểm của sự thể nghiệm rơi vào hai vở Đến bến bờ bên kia của đạo diễn Anh Tú - CLB Sân khấu Thử nghiệm (Hội Nghệ sỹ sân khấu VN) - và Những quân bài định mệnh (đạo diễn Trần Nhượng, đoàn kịch Công an nhân dân). Đến bến bờ bên kia là kịch bản của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp mà cốt truyện cơ bản của nó đã qua thử thách từ nhiều năm trước dưới dạng truyện ngắn (Sang sông) - vừa sâu sắc vừa gai góc lại vừa chật chội bởi quá nhiều ý tưởng chen chúc nhau trong giới hạn ngặt nghèo về không gian và thời gian hạn định của sàn diễn. Còn Những quân bài định mệnh lại là sáng tác của một nữ tác giả mới chập chững cầm bút nhưng đầy vốn sống thực tế ở một phạm vi hiện thực chống phá, ngăn chặn tội phạm. Kịch bản này dường như đơn giản đến mỏng manh về diễn biến tình tiết và ít phức tạp về vấn đề đặt ra nhưng lại rất nồng nhiệt và khỏe khoắn trong thái độ lật tẩy đến cùng động cơ cái xấu, cái ác.
Vở Đến bến bờ bên kia
Cả hai vở diễn thực sự là những thử nghiệm công phu nghiêm túc và đầy tài hoa của hai đạo diễn trẻ. Cái mạnh của Anh Tú là sự thông minh sắc sảo đã phần nào giải mã được một kịch bản đa tầng nghĩa, nhiều nhân vật mà ai trong họ cũng đa ngôn thậm chí thích triết lý cao xa lúc thì huỵch toẹt lúc thì bâng quơ, hàm ẩn như đánh đố công chúng… Nhưng hạn chế của anh lại là một cái gì đó vừa khoa trương vừa “tham”, muốn phô bày ra hết điều này đến điều này điều nọ trong lòng một vở diễn nên nhiều khi làm khán giả mệt mỏi khó tiêu.
Trần Nhượng tìm được một hướng đi đầy triển vọng: đưa kịch nói trở về học tập tinh hoa của sân khấu kịch hát truyền thống dân tộc với cách xử lý dàn đế và hình tượng chiếc quạt quen thuộc đã tạo thêm nghĩa và tăng sức truyền cảm cho vở diễn nâng tầm một câu chuyện kịch mang tính vụ án hình sự đạt tới ý nghĩa rộng lớn hơn về quá trình tha hóa và sám hối của một kẻ tội phạm từng có chức có quyền… Nhưng lúng túng của anh lại thể hiện ở chỗ chưa kết hợp được các thành phần sáng tạo từ âm nhạc, mỹ thuật, nhảy múa đến diễn xuất một cách thật ăn ý, nên để lọt vào đôi cảnh diễn ồn ào, pha tạp…
Vở Câu kiều ru một đời người
Song điều băn khoăn nhất lại nằm ở thái độ ứng xử của Ban giám khảo với hai vở diễn này. Nếu việc trao Giải Đặc biệt cho Đến bến bờ bên kia chứng tỏ sự mạnh dạn của BGK nhằm cổ vũ cho nhân tố thử nghiệm của lớp đạo diễn trẻ đang sung sức vươn lên thì sự dè dặt đã khiến BGK chưa tôn vinh xứng đáng những tìm tòi đáng trân trọng của Những quân bài định mệnh, trong khi hiệu quả thực tế trong đa số công chúng có mặt tại Nhà hát lớn gặp gỡ ý với sự khẳng định thành công vở diễn của một số cây bút lý luận phê bình.
Những tìm tòi và những đáng tiếc…
Oan hồn của Trường Cao đẳng SKĐA TP.HCM đi theo phong cách “sân khấu nghèo”, hạn chế tối đa đạo cụ vật dụng trang trí, các diễn viên gần như không hóa trang và thay đổi trang phục tất cả trông cậy vào khả năng ca hát cải lương và diễn tả động tác, nét mặt để thể hiện cũng đem vào Liên hoan một tiếng nói là lạ.. Tiếc rằng chuyện kịch lại được khai thác theo cách nhìn cách nghĩ phiến diện đầy định kiến cứng nhắc, xưa cũ về hình, ảnh, những doanh nhân thành đạt trên thương trường thời kỳ đổi mới hiện nay, xem họ chỉ là những kẻ đốt tiền vô tội để thoả mãn nhu cầu bản năng...
Vở kịch hình thể Biến vĩ tình yêu (Ảnh: Dân trí)
Kịch hình thể đạt tới trình độ chuyên nghiệp, vững vàng
Bên cạnh dạng thức kịch nói cổ điển, một nhánh mới của nó là kịch hình thể, dẫu vẫn thập thò như vị khách lạ trong sinh hoạt sân khấu, nhưng đã xuất hiện tại liên hoan với hai tiết mục đạt tới trình độ chuyên nghiệp vững vàng, hé lộ khả năng diễn tả mới lạ những sự kiện và vấn đề của đời sống đương đại nên đã chiếm lĩnh được cảm tình của khán giả với Biến vĩ của tình yêu và Ngẫu hứng từ chuyện cô bé bán diêm đều do tập thể nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện. Đạo diễn Lan Hương kiên trì không mệt mỏi với sân khấu hình thể, lần này với Biến vĩ của tình yêu đã thuần thục hơn, trong sáng hơn, dễ hiểu hơn xứng đáng nhận giải thưởng cao. |
Tiết mục
Câu Kiều ru một đời người (Nhà hát dân ca Nghệ An) chủ yếu là sự thử nghiệm về phương diện âm nhạc, nhằm khẳng định thêm một lần nữa chỗ đứng của một hình thức kịch hát non trẻ nhất trong đại gia đình sân khấu Việt Nam, nhất là xu hướng đưa kịch chủng này đến với đề tài hiện đại, thể hiện cuộc sống và con người đương đại. Đây gần như là vở diễn của diễn viên. Bởi thành công của nó chủ yếu trông cậy vào tài năng diễn xuất chân thực và tiếng hát với nhiều cung bậc khác nhau mà rất điêu luyện của NSƯT Hồng Lựu. Có điều cung cách khai thác và diễn tả xung đột kịch theo đường mòn quen thuộc của kịch bản làm giảm đi hiệu quả tác động của vở diễn.
Khâu biên kịch đang là một lỗ hổng lớn
Ấn tượng nổi bật của Liên hoan lần này một mặt là sự bứt lên phía trước của đội ngũ đạo diễn trẻ, đã thực sự khẳng định được chỗ đứng của mình trong ngành nghệ thuật mang tính tổng hợp và tập thể cao này với
Lan Hương, Anh Tú, Trần Nhượng, Lý Khắc Lynh (Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần Thành Phố HCM). Mặt khác, Liên hoan cũng cho thấy sự thiếu đồng bộ trong các thành phần tham gia làm nên tác phẩm sân khấu. Nếu khâu đạo diễn đang chuyển động với những tìm tòi thử nghiệm sát cánh với đội ngũ diễn viên đầy tiềm năng thì khâu biên kịch đang là một lỗ hổng lớn cả về lực lượng lẫn với xu hướng cách tân, tìm tòi nghệ thuật để có thể đồng hành với nhịp độ biến chuyển mau lẹ của hiện thực cuộc sống và đòi hỏi ngày càng cao, càng khắt khe về cái mới của công chúng, nhất là lớp trẻ. Sự hẫng hụt về phương diện biên kịch đủ khiến cho âm vang của đời sống hiện tại với bao nhiêu vấn đề bức xúc đầy kịch tính chưa phả vào liên hoan hơi thở nóng hổi của nó.
Rút lại những tìm tòi thử nghiệm vẫn dừng lại ở tầm mức thủ pháp, biện pháp diễn tả trên phương diện biểu diễn. Mà xưa nay mọi tìm tòi đổi mới thực sự trong nghệ thuật, trong đó có sân khấu, bao giờ cũng là nỗ lực khám phá, phát hiện những vấn đề vừa quan thiết vừa thời sự lại vừa lâu dài đang đặt ra trong hiện thực, những hình mẫu nhân vật thời đại, những thân phận con người trong chiều sâu nhân bản của nó và trên cơ sở đó hướng đến những tìm tòi, những cách thức, những biện pháp nghệ thuật để trình bày những vẫn đề và những phận người một cách mãnh liệt, độc đáo, tân kỳ đầy sức mạnh truyền cảm và lay thức. Giới hạn của Liên hoan cho thấy hành trình thử nghiệm của sân khấu còn đầy gập ghềnh.
Nguyễn Văn Thành (Phó viện trưởng Viện Sân khấu Điện ảnh)