01/11/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Có những thứ của báu mà Israel sẽ không cho phép bất kỳ ai mang ra khỏi Thư viện Quốc gia của nước này.
Rất nhiều nước tìm cách lưu giữ, bảo tồn các văn kiện lịch sử giá trị nhất của họ qua nhiều đời người. Israel thì không như thế. Nước này tìm kiếm các văn kiện giá trị ở mọi quốc gia mà người Do Thái từng sống, trước khi mang chúng về Israel lưu trữ.
Giờ đây Thư viện Quốc gia Israel đang gỡ bỏ bức màn bí ẩn quanh một số văn kiện thuộc hàng "quốc bảo" này, trong nỗ lực thu hút sự chú ý của dư luận, nhằm bảo tồn chúng tốt hơn. Nhân dịp này, phóng viên hãng tin AP đã có cơ hội xem một số văn kiện giá trị, chưa từng công bố, mà Thư viện đang lưu giữ. "Dù các văn kiện đều rất độc đáo, thứ khiến chúng trở nên đặc biệt hơn nữa chính là các câu chuyện đằng sau chúng" - Aviad Stollman, người phụ trách quản lý các bộ sưu tập của Thư viện cho biết.
Các vương miện của Damascus
Từ "vương miện" ở đây chỉ các bản thảo kinh Thánh tiếng Hebrew được người Do Thái tôn thờ. Chúng là một trong số các bản thảo kinh Thánh Hebrew hoàn chỉnh nhất. Các văn kiện này được viết tại Trung Đông và Châu Âu từ cách đây 700 tới 1.000 năm. Chúng đã được bảo vệ bởi một cộng đồng Do Thái cổ, sống tại Damascus (Syria), trong hàng trăm năm.
Đầu những năm 1990, cựu Tổng thống Syria là Hafez Assad đã dỡ bỏ lệnh giới hạn đi lại với người Do Thái. Một số người Do Thái đã tới Israel định cư và nhờ sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Mossad, họ mang theo các bản thảo giá trị trên.
"Chúng tôi nhận các văn kiện này từ Mossad với điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối" - Raphi Weiser, người từng là quan chức Thư viện Quốc gia nói. Ông cho biết thời điểm đó chỉ có chừng 10 người tại Thư viện biết về các văn kiện quý này. Phải tới năm 2000, Israel mới công khai nói về sự tồn tại của các "vương miện Damascus).
Giá trị nhất trong các bản thảo đó là một cuốn kinh Thánh Tây Ban Nha viết hồi thế kỷ 13. Cuốn kinh này từng được lưu trữ tại thánh đường cổ Jobar ở Damascus. Năm ngoái, thánh đường đã bị hủy diệt trong cuộc nội chiến Syria.
Sổ tay tiếng Hebrew của Kafka
Cuốn sổ tay rất mỏng này chứa 20 trang viết về các từ vựng trong ngôn ngữ Hebrew. Nó thuộc về nhà văn Do Thái nói tiếng Đức Franz Kafka. Về cuối đời, Kafka đã cân nhắc việc chuyển tới sống ở Israel.
Ông đã học tiếng Hebrew từ một thanh niên 18 tuổi gốc Jerusalem ở Prague. Kafka không bao giờ di cư tới Israel, quốc gia đã giành độc lập vào năm 1948. Tuy nhiên người thầy trẻ tuổi kia đã tặng lại cuốn sổ tay mà Kafka dùng để ghi từ vựng cho bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia.
Các cuốn sách của Kafka lẽ ra đã không còn tồn tại tới nay. Trước khi qua đời, Kafka đề nghị một người bạn thiêu hết bản thảo tác phẩm của ông. Tuy nhiên người bạn đã xuất bản chúng, qua đó đưa ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ 20.
Các lý thuyết thần học của Newton
Isaac Newton đã mang tới cho thế giới 3 định luật về chuyển động nổi tiếng. Nhưng ông còn có các lý thuyết khác, về kinh Thánh Hebrew và ngày tận thế. Trong văn kiện dùng tiếng Anh, thi thoảng pha trộn ngôn ngữ Hebrew, Newton đã ứng dụng tư duy khoa học của ông để tính toán về ngôi đền Do Thái cổ ở Jerusalem và dự đoán thế giới sẽ bị hủy diệt vào năm 2060.
Văn kiện của Newton lẽ ra đã được đưa tới Đại học Cambridge, nơi các hậu duệ quyên tặng phần lớn văn bản gốc của ông vào năm 1872. Nhưng tại thời điểm đó, Cambridge không hứng thú với các nghiên cứu thần học của Newton.
Năm 1936, hậu duệ của Newton đã bán lại văn kiện cho nhà đấu giá Sotheby's. Tuy nhiên những người tham gia đấu giá đã quan tâm nhiều hơn tới các bức tranh theo trường phái Ấn tượng, được bán tại nhà đấu giá Christie's trong cùng ngày. Kết quả là học giả Do Thái Abraham Shalom Yahuda đã mua được văn kiện của Newton với giá hời và đã quyên tặng lại nó cho thư viện quốc gia.
Cuốn kinh dùng tiếng Yiddish cổ xưa
Đây là một cuốn kinh Thánh rất dày, nặng, được viết bằng chữ Hebrew trong thế kỷ 13. Cuốn kinh được các giáo sĩ sử dụng để dẫn các tín đồ tham gia lễ hội tới một thánh đường ở thành phố Worms, Đức. Cuốn kinh này là chứng cứ lâu đời nhất về Yiddish, thứ ngôn ngữ cổ được người Do Thái Ashkenazi sống ở Trung và Đông Âu sử dụng trong nhiều thế kỷ.
Cuốn kinh tiếp tục được sử dụng cho tới khi thánh đường ở Worms bị phá hủy vào năm 1938 trong sự kiện Kristallnacht - đêm xảy ra hàng loạt vụ tấn công tài sản và công trình của người Do Thái ở Đức. Những người hiểu biết về giá trị của cuốn kinh đã nỗ lực lấy nó ra khỏi tầng hầm một văn phòng của Gestapo và giấu nó trong tòa tháp nhà thờ của thành phố. Việc này còn giúp cuốn kinh thoát khỏi số phận bị hủy diệt bởi bom đạn quân Đồng minh.
Năm 1957, trong động thái chuộc lỗi, chính quyền Đức đã trao cho Israel cuốn kinh này.
Các bản nháp bị xé nát của nhà văn đoạt giải Nobel
Người Israel duy nhất đoạt giải Nobel Văn chương là S.Y. Agnon. Do có tính cách cầu toàn, khi sáng tác tuyệt phẩm Shira, ông đã xé nát nhiều bản thảo và đốt chúng trong lò sưởi. Tuy nhiên về sau này, ông đã trở nên quá yếu tới mức không thể xuống thang và ném các bản thảo bị xé vào lò được nữa.
Con trai của Agnon đã thu gom các mảnh bản thảo rách nát từ thùng rác và từ lò sưởi của ông rồi để lại một chỗ. Sau khi ông qua đời vào năm 1970, gia đình đã gửi chúng cùng các bản thảo tiểu thuyết của ông tới Thư viện Quốc gia.
Các bản thảo cho thấy Agnon bị ám ảnh với hoạt động biên tập. Ông thường chỉnh sửa, gạch xóa, thay tên nhiều nhân vật, suy nghĩ rất nhiều về các từ ngữ sẽ được sử dụng. "Nếu (Agnon) dồn sức lực đó vào các cuốn truyện mới" - Weiser nhận xét - "Chúng ta hẳn đã có được rất nhiều tác phẩm của ông.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất