19/10/2014 06:04 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Trên khán đài trận U19 Việt Nam - U19 Nhật Bản cách đây một tuần, tôi có hỏi Myatthu Myo, một anh bạn người Myanmar mới quen, rằng liệu anh có hy vọng đội U19 Myanmar có thể dự vòng chung kết U20 thế giới hay không, và nhận được câu trả lời khiêm nhường: "Tôi nghĩ ít nhất phải 10 năm nữa hẵng tính. Chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm".
Sau khi cuộc họp báo trận U19 Việt Nam - U19 Nhật Bản kết thúc, một nhóm phóng viên và thành viên BTC người Myanmar ngồi quây quần ở góc phòng họp báo, mắt dán vào màn hình mờ nhòe của một chiếc máy tính để xem trận U19 Myanmar - U19 Thái Lan.
Khi tỉ số rất bất ngờ đang là 3-0 nghiêng về phía Myanmar, tôi hỏi vui: "Vậy thì đội Iran (đã thua Thái Lan 1-2 ở lượt trận đầu tiên) có lẽ cũng không còn là vấn đề nhỉ?". Tất cả lắc đầu quầy quậy: "Ồ không, một trận thắng chỉ là một bất ngờ thôi".
Sự nhận thức lặng lẽ của người Myanmar
Đó không phải là một lời thừa nhận quá khiêm tốn, mà là thực tế: U19 Myanmar sau đó thua U19 Iran 0-2 ở lượt trận thứ 3, dù được chơi dưới sự ủng hộ của hàng chục nghìn khán giả nhà trên sân Thuwunna. Người Myanmar vẫn khiến những đường phố phải kín đặc người vào những ngày đội U19 thi đấu, nhưng trong sâu thẳm, họ không bao giờ để tình yêu lấn át nhận thức thực sự về bản thân.
Đó là một nhận thức lặng lẽ, nhưng lan tỏa trong cộng đồng mạnh mẽ đến mức mà nhìn vào đâu ở xứ sở này, bạn cũng có thể bắt gặp những chỉ dấu của tinh thần ấy, không phải chỉ trong bóng đá.
Đàn ông vẫn chưa vội tháo bỏ váy longyi truyền thống để diện quần âu và quần bò, dù là sải bước trên những con phố bắt đầu có dấu hiệu của phồn hoa. Phụ nữ vẫn thích dùng phấn Thanaka thoa mặt hơn là một loại mỹ phẩm đắt tiền nào đó, dù đó có là lễ tân của một khách sạn sang trọng bậc nhất cố đô Yangon.
Ôtô đi lại ngoài đường một cách trật tự đáng ngạc nhiên, làn ai người nấy đi, không có bóp còi, tranh cướp nhau mà đi. Một cuộc ùn tắc giao thông đơn giản chỉ là bạn phải đi chậm lại, không phải là một cái nút cổ chai tuyệt vọng mà ai cũng nhao nhao đòi vượt lên.
Người Myanmar luôn biết rằng mình đang đứng ở đâu, và biết bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không vội vã. Họ thậm chí thường xuyên đặt mình ở phía sau, thay vì oang oang rằng đã có thể dẫn đầu.
Nair Lien, anh tài xế taxi quen của nhóm phóng viên TTXVN ở Nay Pyi Taw, vẫn có một câu cửa miệng khi nói chuyện với chúng tôi: "Việt Nam phát triển hơn Myanmar 20 năm".
Nhưng thiếu đi sự ồn ào không có nghĩa là họ đứng yên. Tăng trưởng GDP của nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2014 là 7,5%. Du lịch năm 2013 mang lại gần 1 tỷ USD cho đất nước, và tăng hơn nửa tỷ so với năm trước đó. Năm ngoái, các phóng viên đi tác nghiệp ở SEA Games còn phải than trời vì mua sim điện thoại quá đắt (chừng 100-200 USD), thì tại giải U19 châu Á lần này, chúng tôi chỉ cần bỏ ra 20 USD cho một chiếc sim điện thoại, và thêm 10 USD để kích hoạt dịch vụ 3G.
Học được gì từ người Miến?
Tất nhiên không phải là những màn bạo loạn trên khán đài ở SEA Games 27 cách đây một năm, sau trận Myanmar thua Indonesia ở môn bóng đá nam. Nó cho thấy bóng đá và xã hội Myanmar vẫn mắc phải vấn đề riêng trong quá trình phát triển. Nhưng sự tiến lên âm thầm mà mạnh mẽ của xã hội nói chung và thể thao nói riêng ở Myanmar là không thể phủ nhận.
Thể thao Myanmar giành được 2 HCV tại ASIAD 17 ở Hàn Quốc vừa qua, xếp trên đoàn Việt Nam. Và giờ thì đội U19 của họ vừa giành quyền dự VCK U20 thế giới, giải đấu đã từng chắp cánh cho những Luis Figo, hay Lionel Messi...
Mọi sự diễn ra tự nhiên, như thể "đùng một cái" xảy ra, nhưng không phải thế. Bóng đá ở Myanmar đã được vạch sẵn một lộ trình từ cách đây 13 năm, khi FIFA đầu tư 2 triệu USD cho quá trình phát triển bóng đá ở đây.
Năm 2001, trụ sở của LĐBĐ Myanmar mới được xây dựng ở Yangon. Năm 2004, học viện bóng đá đầu tiên mới được thành lập ở Mandalay và 4 năm trước, chương trình tìm kiếm và đào tạo trẻ đặc biệt cho nền bóng đá mới được lên kế hoạch.
Nhưng thành tích dự VCK U20 thế giới cũng không được người Miến đón chào một cách ồn ào. Hầu hết các tờ báo lớn ở đây chỉ dừng lại ở mức độ đưa tin. Đội U19 Myanmar có thể vừa làm nên một kỳ tích, nhưng cuộc sống ở đây vẫn trôi.
Người Myanmar dường như không tin vào kỳ tích. Với họ, có thể đây chỉ là một giải đấu may mắn của các cầu thủ trẻ, vì bóng đá Myanmar còn quá non trẻ và kỳ tích đôi khi chỉ cho thấy hiện tượng, chứ không phản ánh bản chất: "Đến Hàn Quốc là ĐKVĐ còn bị loại, và chẳng phải là Myanmar vừa thua Việt Nam cách đây không lâu đó sao?" - Anh bạn Myatthu Myo trò chuyện với tôi qua Facebook.
Sự kiên nhẫn, âm thầm mà ẩn chứa nội lực tiềm tàng để phát triển ấy có lẽ là điều chúng ta có thể học tập. World Cup U20 là một mục tiêu đáng giá, nhưng bắn trượt nó không có nghĩa là chúng ta thành kẻ vô dụng ngay lập tức, cũng như một lần vào đến VCK U20 thế giới không có nghĩa là nền bóng đá đã sắp hóa rồng.
Người Myanmar hiểu điều đó, có lẽ vì cái tinh thần tự nhận thức bản thân tuyệt vời của mình. Chỉ cần biết rõ mình đang đứng ở đâu, là sẽ đủ sự bình thản và can đảm trước thành công lẫn thất bại. Còn chúng ta?
Phạm An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất