22/01/2011 13:15 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Trước diễn biến bất thường của thời tiết, giá rét kéo dài nhiều gia cầm và gia súc bị bệnh, tại Hà Nội và TP.HCM đã lẻ tẻ xuất hiện bệnh nhân cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1, Bộ Y tế cảnh báo: các cơ sở y tế và người dân cần chủ động đối phó tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trong dịp Tết, đặc biệt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và dịch cúm A/H1N1, A/H5N1.
ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: “Để phòng ngừa nhiễm cúm A/H5N1 trong thời điểm giáp Tết, người dân tuyệt đối không mua bán, vận chuyển và sử dụng gia cầm, thủy cầm chết, không rõ nguồn gốc”. Tuy nhiên, để đối phó với cơ quan chức năng, giới buôn bán gia cầm lậu đang có nhiều chiêu thức mới.Từ trứng vịt lộn...
Gần Tết, lượng gia cầm vận chuyển vào Thủ đô đang vào mùa cao điểm. Tại các tuyến đường chính có bố trí lực lượng kiểm tra liên ngành gồm CSGT, Quản lý thị trường, cán bộ thú ý, gia cầm vận chuyển được kiểm soát 24/24. Tuy nhiên, cũng không ai có thể thống kê hết lượng gia cầm vận chuyển tràn lan vào thành phố qua các đường “tiểu ngạch”, không qua kiểm dịch. Với tình trạng trên, cùng với thời tiết khắc nghiệt, thuận lợi cho virus cúm phát triển, Hà Nội đứng trước nguy cơ dịch cúm bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Trước sự siết chặt quản lí của các cơ quan chức năng, gia cầm được đưa vào thành phố với các chiêu thức mới, tinh vi hơn. Theo một tài xế xe khách chạy tuyến cố định tại bến xe Yên Nghĩa, mỗi ngày xe vận chuyển thuê khoảng 10 sọt trứng vịt lộn cho các đầu mối đưa vào thành phố. Trứng được đặt dưới các khoang chứa hàng của xe khách, được tập kết rải rác dọc đường từ thị trấn Văn Điển đến gần bến xe. Tại đây, trứng được đội ngũ xe thồ tiếp nhận. Họ đưa trứng len lỏi qua những đường ngang ngõ tắt, tránh các chốt kiểm dịch để giao cho các mối hàng quen. Mỗi sọt chứa khoảng gần 1 nghìn quả, tính sơ qua mỗi ngày “đường dây” này cũng đưa trót lọt vào thành phố gần một vạn quả trứng chưa qua kiểm dịch.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ thú y quận Thanh Xuân, thuộc chốt kiểm dịch Khương Đình, công tác kiểm dịch hiện gặp khó khăn hơn trước rất nhiều. Những người vận chuyển nắm rõ địa bàn hoạt động của các chốt, họ dễ dàng tránh được. Các chốt hiện nay chủ yếu thực hiện phúc kiểm, tức là kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia cầm đã có chứng nhận “sạch” vào các siêu thị và chợ lớn.
... đến gà làm sẵn
Tại bến xe Lương Yên, tưởng chừng không tồn tại việc vận chuyển gia cầm vì ở đây chủ yếu là xe buýt và xe khách đường dài. Nhưng thực tế, theo một phụ xe cho biết: “Có xe chở cả tạ, chủ yếu là gà, ngan, vịt đã được làm. Họ bỏ trong các thùng xốp thì ai biết đấy là hàng gì. Nếu trời quá nóng thì có người ta ướp thêm ít đá, nhưng đa số để không. Trời lạnh như mấy ngày hôm nay thì khỏi cần”.
Gia cầm được phun thuốc phòng dịch trước khi vào thành phố
Riêng xe của tài xế trên, chạy tuyến Bắc Giang – Lương Yên cũng có mối hàng quen. Chuyến cuối cùng trong ngày lúc 18hh30 xe anh nhận hàng tại thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang, 4 thùng gà thịt. Theo tuyến, xe đi sâu vào nội thành sau đó mới vòng lại Lương Yên. Khoảng 20h30 chủ hàng đón xe trên đường Yên Phụ trong nội thành, lúc này đã qua các chốt kiểm dịch ở Dốc Lã, Long Biên. Từ đấy, gà ung dung tỏa đi các chợ, về các nhà hàng, quán ăn.
Khu vực chợ đầu mối Long Biên, lực lượng quản lí kiểm tra hễ thấy gia cầm vận chuyển không có dấu kiểm dịch, không có nguồn gốc là tịch thu toàn bộ. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán vẫn diễn ra ngoài khuôn viên chợ, tại khu vực bãi xe. Hàng sáng, khoảng mấy chục tiểu thương tập trung ở bãi xe này để đón hàng, chỉ sau độ vài phút số gia cầm chuyển xuống đã mất hút theo các xe ôm chờ sẵn.
Mọi nẻo đường đều dẫn về… Hà Nội
Ai cũng biết, nhu cầu thực phẩm gia cầm của người dân phụ thuộc phần lớn vào các chợ tạm, chợ cóc khắp thành phố. Đa số các chợ này, gia cầm sống và chín đều chưa qua kiểm dịch. Đa số những người buôn bán gia cầm đều nhập hàng từ “mối quen”.
Tuy có nhiều điểm bán gia cầm “lậu” nhưng có lẽ không ở đâu bày bán quy mô lớn như chợ tạm gần đường Lê Hồng Phong, Hà Đông. Có đủ các loại gia cầm từ ngan ngỗng, gà công nghiệp, gà ri, gà ác đen, gà tre. Những người buôn bán ở đây cho biết, gia cầm thịt sẵn để phục vụ người dân ở đây, còn gia cầm sống chủ yếu đưa vào Hà Nội. Hàng ngày cũng có thú y đi kiểm dịch, nhưng hầu như là không xuể, bởi kiểm dịch chỉ có số lượng và thời điểm nhất định. Còn ở đây gà luân chuyển cả ngày với số lượng rất lớn không thể kiểm soát được. Mỗi ngày, hàng chục lồng gà ních chật được đưa vào thành phố.
P.Linh – T.Vy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất