Vợ chồng Kim Lân như đang dắt nhau về làng Phù Lưu

22/07/2012 14:02 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Phù Lưu, chợ Giàu - làng nổi tiếng nhất Kinh Bắc bởi lắm văn nhân, là quê hương nhà văn Kim Lân (1920 - 2007). Ở đó, ông và người vợ thân yêu đang được “sống’’ trong ngôi nhà thực sự của mình, nơi “chôn nhau cắt rốn”, bên cha mẹ nơi vùng đất cất giữ tình yêu truyền đời của ông.

1. Hàng ngàn bài viết, phỏng vấn nhà văn Kim Lân, về chuyện văn, chuyện đời, chưa ai viết về vợ ông - bà Nguyễn Thị Tám (1926 - 2001). Thảng hoặc, bà được nhắc đến trong các trả lời phỏng vấn của ông, chứ không phải người ta chủ động viết về bà. Bà khiêm nhường tránh chụp, quay hình ảnh lên báo, đài, lặng lẽ bên người chồng và đàn con nổi tiếng.

Sự nghiệp của Kim Lân và các con được trợ giúp căn bản bởi người vợ, người mẹ đảm đang, tảo tần. Bà Nguyễn Thị Tám là con út trong số 8 anh em cùng làng chợ Giàu với ông Nguyễn Văn Tài (Kim Lân). Sau giải phóng Thủ đô, bà về sống ở Hà Nội, cùng anh trai - nhà quay phim NSND Nguyễn Đăng Bảy (1923 - 2007). Nhà Kim Lân là phòng tầng trệt của một biệt thự Pháp ở số 6 Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm, tính cả mảnh vườn nhỏ mới được 38m2/10 người sống.

Kim Lân có 2 lần nhắc đến vợ ấn tượng hơn cả. Đó là việc bà cầm càng xe cám, ông đẩy đằng sau, từ đó sinh “tứ” viết Vợ nhặt. Lần hai, ông nói với tôi “Các con đa số giống mẹ, đẹp là nhờ mẹ”.



Nhà văn Kim Lân dắt tay vợ - bà Nguyễn Thị Tám - xem triển lãm của con trai Thành Chương tại Gallery Nam Sơn, Tràng Tiền, HN 1998

2. Nhiều tập quán, trong đời sống và hình ảnh đưa vào văn chương Kim Lân đều có bóng dáng người vợ chiều chồng. Bà lo đời sống, kinh tế nuôi cả nhà. Theo kháng chiến, họ lên sống ở ấp Cầu Đen, Đồi Cháy (Yên Thế, Bắc Giang) cùng nhiều nghệ sĩ lớn. Bà nhận làm quân nhu: vá, chữa quần áo chăn màn, rồi mua thóc xát gạo cho bộ đội, lấy cám dùng nuôi lợn. Về Thủ đô, bà nhận móc khăn, đan len, đan túi lưới, các con cùng làm.

Kim Lân làm biên tập ở báo Văn nghệ, rồi NXB Tác phẩm mới, chơi thân nhiều hoạ sĩ (HS), hướng con vào hội họa từ nhỏ, bởi ông rất mê vẽ. Có tình bạn với nhiều tài năng nên khi họ bị xếp “có vấn đề” (dẫu sau này được hóa giải), thì ông cũng bị không lên lương nhiều năm; đời sống gia đình trông vào sự thu vén của bà. Qua bà, ta sẽ càng hiểu thêm về ông, qua những chi tiết công bố lần đầu trên TT&VH.

Bà Tám nom khỏe mạnh hơn chồng. Các đồng nghiệp, bạn bè gọi là “chị/ bà Kim Lân” - bà thích cách gọi này và các con vẫn gọi u như thế khi nhắc đến. Thực ra, bà bị tiền đình, huyết áp cao, và bệnh khớp từ trẻ. Vất vả lo toan, cứ gồng lên suốt; qua bát thập, bà bị u trong gan, ăn uống phải kiêng. Ăn được xếp hàng đầu trong các sinh thú ở đời, ai phải ăn kiêng là thiệt một phần. Bà Lân không buồn cho mình, bà vẫn nấu ăn ngon cho chồng, niềm vui bền bỉ nhất.

Đàn con lớn lên, thành đạt, mỗi dịp quây quần, chỉ muốn ăn những món dân dã mà tinh tế do u nấu. “Cao thủ” nhất là kho cá, bà Lân kho cá gì cũng ngon. Kho ngày thường, Tết lại kho thêm thịt bò. Bánh chưng, bà gói tay, thành cao mà luộc vẫn dền, vớt ra không cần ép, gói cho nhà mình rồi gói hộ cả xóm.

Bao năm bà Tám đi bộ ra chợ 19/12 (thường gọi là chợ “Âm Phủ”). Món canh đặc sắc mà khá cầu kỳ nữa mà các HS Thành Chương, Nguyễn Thị Hiền dù đến mấy chục nước, thưởng thức đủ của ngon vật lạ, vẫn không thể tìm đâu được thứ canh thanh, thơm, hấp dẫn ấy. Trứng tôm đảo khô, nêm gia vị rồi nấu canh chua với quả nhót hay thanh trà, nước canh trong như hổ phách. Ở bên cha mẹ lâu nhất là cô Hạnh (SN 1951) con thứ ba, vì năm 1999 cô mới lấy chồng tận xã Mai Đình, Sóc Sơn cách phủ Thành Chương 8km.

Nhà văn Kim Lân ngậm ngùi nơi ngôi nhà thơ ấu đã đổ nát ở làng Phù Lưu Ảnh: Nguyễn Thị Hiền

Được mẹ truyền bí quyết nấu nhiều món ngon, cô kể: “Lúc thầy tôi ốm sắp mất, tôi nấu bún riêu - món khoái khẩu của thầy. Ông bảo: thầy cảm ơn các cụ nghĩ ra món bún riêu và cả u con đã nấu, dạy con nấu rất ngon cho thầy”. Cô là người phục dịch cha mẹ lúc đau ốm đến phút cuối.

Doanh nhân Nguyễn Dũng (SN 1956), con thứ năm của ông bà, năm 2000 lấy vợ, vẫn sống cùng bố mẹ. Anh luôn sát cánh giúp u mua sắm, kề cận thầy u mọi việc, được mẹ gọi là “quản gia đỏ”.

Anh Dũng và HS Từ Ninh em trai lại hay chở xe máy đưa thầy u về làng.

Làng, xưa lúc còn khỏe, ông Kim Lân vẫn đạp xe về. Chiếc Peugeot con gái cả mua bằng tiền vẽ tranh cổ động cho Sở Y tế, phòng truyền thống các huyện Bắc Giang năm 1966. Ông dùng cái xe đạp ấy cho đến khi về Hà Nội. Cơ quan gần, ông thường đi bộ, với chiếc túi vải vợ may bằng những mảnh vải vụn.

Ông bà rất thống nhất khi dạy con, nghiêm khắc. Bà chịu đựng thiếu thốn bằng sự bản lĩnh và tính cách thì cương quyết. Nhà văn rất cầu kỳ khi uống trà. Ông có bếp lò nhỏ đun nước, ấm trà nhỏ xíu để trong chén tống, nước sôi dội lần đầu cho ấm lên, nước trà đổ đi, lần thứ hai mới uống. Một mình dùng chén mít, lại có đủ bộ đối ẩm. Uống xong, đổ bã trà vào cái ấm to. Các con chỉ uống sái từ ấm to, thế mà đều nghiện trà.

Mực khô nấu canh, mực khô xào su hào cà rốt, bóng, là một trong các  món “xa xỉ” bà Lân đãi khách, bạn của chồng: các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Hồng, Tô Hoài, Văn Cao...

“Có những cuộc, thầy tôi và các bạn ngồi từ 9h sáng tới 3h khuya. Đầu ngõ đã nghe tiếng cười. U tôi chiều chồng, hiếu khách, không khi nào phàn nàn. Có thời kỳ phải ăn mì độn cơm, tôi không ăn được vì khó ăn, bụng kém từ nhỏ, nhìn mì cứ như... sâu. U luôn dành góc cơm trắng cho thầy và tôi. Ngày trước chưa có tường, chỉ ngăn nhà bên bằng liếp. Mạnh Đức em trai tôi nhìn qua lỗ liếp thủng, bị thằng bé hàng xóm chọc que vào mắt. Tôi kịp phát hiện em bị rách màng mắt, đưa cấp cứu. Bác sĩ bảo chậm 15 phút là nổ con ngươi. Hai em Từ Ninh, Việt Tuấn nghịch nhét hạt ngô vào mũi, suýt ngạt thở, chị lại đưa đi viện. Tôi đã cứu 3 thằng em trai, 3 HS như thế đấy” - HS Nguyễn Thị Hiền nhớ lại.

Các nghệ sĩ thường lãng mạn, đa tình. Kim Lân, dù tiếng ham chơi cũng chưa lần nào có “án tình”. Ông đi đóng phim Vợ chồng A Phủ (ĐD Mai Lộc), rồi NSND Phạm Văn Khoa giao vai Lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy, cùng nhà văn Nguyễn Tuân đóng phim Chị Dậu, vắng nhà vài tháng. Hễ đã về Hà Nội, chỉ thích ăn cơm nhà của “u nó”. Cả đời nhà văn từ khi lấy vợ cho đến lúc vợ qua đời chưa một lần cắt tóc ở hiệu. Người cắt tóc, gội đầu cho ông, chính là bà Tám. Bà đun mần trầu, vỏ bưởi, hương nhu, gội cho chồng rồi gội cho mình. Tóc bà rất dài, đứng trên bậc thềm cao, thả tóc xuống, tóc còn cuộn trong lòng chậu. Lúc nào bà cũng giản dị búi gọn, búi tóc to, nặng phía sau. Đam mê chung của ông bà là nghe quan họ. Nhiều lần mời cả tốp về nhà, cô con nuôi Thúy Hường có thời gian là thăm bố mẹ. Thúy Hường giờ đã là NSND, chị không còn dịp để hát cho bố mẹ Kim Lân, những người rất tâm huyết gìn giữ quan họ cổ. Nhớ lời bố mẹ nuôi, chị cất công sưu tầm, giảng dạy để góp phần lưu truyền tinh hoa quê hương.

Ông huyết áp thấp, hen suyễn, bà lại huyết áp cao. Ông mảnh khảnh thế mà lại thọ hơn bà. Vợ mất, nhà văn Kim Lân ngày nào cũng cắm hoa cúc vàng, loài hoa cả ông bà đều thích .

Ông thắp hương đủ 100 ngày cho vợ. Đêm đến, lúc các con ngủ, ông lầm rầm nhìn ảnh bà, nói chuyện, kể cho bà nghe chuyện trong ngày, tâm sự với bà lo lắng, hay nhắc về ký ức. Các con không ngủ, họ biết và để yên cho bố nuôi cảm giác mẹ vẫn ở bên. “Bà đi rồi, tôi cãi nhau với ai?” - ông nghẹn ngào trong nước mắt.

Tôi rất xúc động khi nhìn bức ảnh nhà văn về thăm làng lần cuối. Căn nhà xưa không còn, lối vào cũng bị bịt, ông ngồi trên thanh xà gồ, giữa những viên ngói vỡ, mắt rưng rưng

Thư của Thành Chương, Mạnh Đức đi bộ đội gửi về, của Nguyễn Thị Hiền từ Sài Gòn gửi ra, ảnh các con và tư liệu gia đình, toàn do bà giữ và những cuốn sổ viết chi chít chữ số để tiết kiệm giấy - sổ chi tiêu đi chợ - đó là “gia tài” riêng bà Lân để lại.

3. Bà cấp cứu vào ngày mưa bão, Hà Nội ngập trắng phố phường, ngày về mai táng ở làng lại nắng đẹp. Ông mất sau bà 6 năm, cũng vào Hè.

Tôi rất xúc động khi nhìn bức ảnh nhà văn về thăm làng lần cuối. Căn nhà xưa không còn, lối vào cũng bị bịt, ông ngồi trên thanh xà gồ, giữa những viên ngói vỡ, mắt rưng rưng.

Hiếm gặp vợ chồng nào khi già, quyến luyến nhau như ông bà Kim Lân. Lần ra phố, về làng, ông bà vẫn dắt tay nhau. Khi bà ngủ trước ông nắm tay vợ. Và yên nghỉ, đúng như mong mỏi của nhà văn, người coi Phù Lưu lát đá xanh những con đường là làng đẹp nhất trên đời, được nằm trong đất làng. Ông bà đã sinh trưởng, lấy nhau, có mộ bố mẹ họ ở đấy, chốn bình yên mà họ luôn muốn trở về.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link